Rối loạn đông máu mắc phải do kháng đông lưu hành

Khoa HHTM - 

Kháng đông lưu hành là những chất nội sinh ức chế đông máu, đó là những kháng thể có hiệu lực trung hòa các yếu tố đông máu trong cơ thể (như tự kháng thể chống lại yếu tố VIII hoặc yếu tố V) hoặc khả năng gây đông của phospholipid. Kháng đông thường thấy trên bệnh nhân bị lupus đỏ, nên gọi là kháng đông lupus, tuy nhiên có thể nhận thấy trên một số bệnh lý khác.

I.Kháng đông lupus (LA)

Kháng đông lupus là một trong những kháng thể kháng phospholipid [cũng bao gồm kháng thể anticardiolipin (aCL) và kháng thể kháng beta2-glycoprotein I (GP I)]. Kháng đông lupus là kháng thể đa dòng gồm: type IgG, IgM, IgA hoặc hỗn hợp có khả năng gây ảnh hưởng hoạt tính tiền đông máu của phospholipid in vitro và hậu quả là kéo dài một số test đông máu.. Kháng đông lupus gặp lần đầu ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống. Sau đó nó còn được phát hiện ở nhiều bệnh lý tự miễn, nhiễm trùng, bệnh lý tân sinh (u đặc, bệnh lý dòng lympho...) hoặc do các loại thuốc (phenothiazin, kháng sinh, procainamid...). Sự hiện diện của kháng đông lupus thường thoáng qua trong bệnh nhiễm trùng và không có biểu hiện lâm sàng.

roiloandongmau

Kháng đông lupus có liên quan đến bệnh huyết khối tĩnh mạch hoặc động mạch với các biến chứng như đột quỵ, thiếu máu cục bộ thoáng qua, huyết khối mắc phải và sảy thai tái diễn. Nếu có 1 trong các biểu hiện lâm sàng này và có kháng thể kháng phospholipid (LA và/hoặc aCL và/hoặc kháng thể kháng beta2-glycoprotein I) cần nghĩ đến hội chứng kháng phospholipid. Hội chứng này thường thứ phát trong bối cảnh bệnh lý tự miễn, có thể nguyên phát ngoài những bệnh lý đã biết.

→Ở những bệnh nhân này nên sử dụng điều trị chống đông phòng ngừa lâu dài

* Các test đông máu phát hiện kháng đông lupus: Hiệp hội huyết khối và cầm máu quốc tế (ISTH) tuyên bố rằng bốn tiêu chí phải được đáp ứng để xác nhận sự hiện diện của kháng đông lupus:

1. Xét nghiệm sàng lọc: Thời gian Thromboplastin một phần hoạt hóa (aPTT: activated partial thromboplastin time) và/hoặc xét nghiệm nọc độc Russell viper pha loãng (DRVVT: Dilute Russell's viper venom time) kéo dài. 

2. Test hỗn hợp (mixing study): xét nghiệm aPTT hay tốt nhất là test DRVVT: thực hiện bằng cách trộn huyết tương bệnh nhân với huyết tương chứng theo tỷ lệ 1:1, nếu kết quả aPTT hoặc DRVVT vẫn kéo dài là do có kháng đông lưu hành, còn kết quả aPTT hoặc DRVVT bình thường thì có nghĩa là do thiếu yếu tố đông máu.

3. Thử nghiệm xác nhận: thực hiện lại xét nghiệm aPTT hay test DRVVT nhưng bổ sung lượng phospholipid dư thừa để rút ngắn hoặc điều chỉnh thử nghiệm đông máu kéo dài. Kháng đông lupus được đặc trưng bởi sự điều chỉnh thời gian đông máu kéo dài này sau khi thêm phospholipid và không phải với huyết tương đối chứng. Nhiều nguồn phospholipid khác nhau có sẵn như hexagonal phase phospholipid neutralization assay.

4. Loại trừ các chất ức chế yếu tố đông máu khác cùng tồn tại như chất ức chế yếu tố VIII.

II. Kháng đông lưu hành chống yếu tố VIII, yếu tố Von Willebrand

1. Kháng đông lưu hành chống yếu tố VIII:

Kháng đông lưu hành chống yếu tố VIII đặc hiệu thường gặp nhất. Ngoài bệnh Hemophilia, kháng đông lưu hành chống yếu tố VIII còn gặp trong các bệnh lý tự miễn (lupus, viêm đa khớp dạng thấp), u lympho, đa u tủy xương, do thuốc, sau sinh… và biểu hiện lâm sàng gần giống với hemophilia. Huyết tương chứa kháng thể chống yếu tố VIII có xét nghiệm đông máu giống như một bệnh nhân bị hemophili A nhưng khi trộn với một huyết tương bình thường hay một nguồn yếu tố VIII bình thường nào khác thì rối loạn sẽ không điều chỉnh được.

Kháng thể chống yếu tố VIII thường thấy 20 – 25% trên các bệnh hemophilia A thể nặng do phản ứng với yếu tố VIII đông khô , vì yếu tố này truyền vào là một protein lạ sẽ gây đáp ứng miễn dịch. Kháng thể chống yếu tố VIII cũng nhận thấy trên một số trường hợp không phải bệnh hemophilia, như phụ nữ sau sinh, bệnh tự miễn, mẫn cảm với thuốc, hay là một trường hợp tiên phát không rõ nguyên do. Bệnh nhân có kháng thể chống yếu tố VIII có nguy cơ bị chảy máu trầm trọng.

* Test đông máu phát hiện kháng thể chống yếu tố VIII:

- Trộn huyết tương bệnh nhân với huyết tương bình thường theo tỷ lệ 1:1hoặc 1:4. Xét nghiệm aPTT được thực hiện với hỗn hợp trên ngay sau khi trộn và một lần nữa với hỗn hợp đó sau khi ủ ở nhiệt độ 370C trong vòng 2 giờ. 

- Kết quả: aPTT trước và sau khi ủ kéo dài chứng tỏ trong huyết tương bệnh nhân có chứa kháng thể chống yếu tố VIII.

2. Kháng đông lưu hành chống yếu tố Von Willebrand:

Kháng đông lưu hành chống yếu tố von Willebrand đôi khi gặp trong bệnh lý miễn dịch, các bệnh tân sinh và bệnh lý dòng lympho với biểu hiện chảy máu da, niêm mạc.

Ngoài ra kháng đông lưu hành còn gặp trong các trường hợp kháng đông lưu hành chống các yếu tố VII, X, V, II, XI, Fibrinogen, XIII, yếu tố hệ thống tiếp xúc (XII, Prekallicrein).... Riêng kháng đông lưu hành chống yếu tố XII thường không có dấu hiệu chảy máu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Giáo trình đông cầm máu của trường Đại học y dược Huế
  2. Tài liệu bệnh lý huyết học của Trường Đại học y dược TP Hồ Chí Minh
  3. Ballard HS, Nyamuswa G. (1993), Life threatening haemorrhage in patient with rheuatoid arthritis an a lupus anticoagulant coexisting with acquired autoantibodies against factor VIII, Br Jrheuatol, 32:515.
  4. Ranchhini M, Gandini G, Di Paolantonio T, et al. (2005), Acquired hemophhilia A: a concise review, Am Jhematol, 80:55.
  5. Green D, Shuette PT, Wallace WH. (1980), Factor VIII antibodies in rheumatoid arthritis, Effect of cyclophosphamide, Arch Intern Med, 140: 1232.
  6. Laurence J, Wong JE, Nachman R. (1992). The cellular hematology of systemic lupus erythematosus, Systemic Lupus Erythematosus 2nd ed.
  7. Taylo FB Jr, Toh CH, Hoots WK, et al (2001), Towards definition clinical and laboratory criteria, and a scoring system for disseminated intravascular coagulation. Thromb Haemost, 86:1327.
  8. Vukovich T, Teufelsbauer H, Fritzer M, et al. (1995), Hemostatis activation in patients with liver

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 17 Tháng 7 2020 14:30