Truyền máu khối lượng lớn-nguy cơ và lựa chọn máu trong điều trị

Truyền máu là một trong những liệu pháp điều trị hữu hiệu cho nhiều bệnh nhân thiếu máu đặc biệt là những bệnh nhân mất máu cấp. Trong các lĩnh vực nội khoa, sản khoa, ngoại khoa… chúng ta thường gặp rất nhiều bệnh nhân cần phải truyền một lượng máu lớn trong một thời gian ngắn mới hy vọng được cứu sống. Thực tế việc truyền máu trong những trường hợp như vậy đã cho thấy những hiệu quả rõ ràng, tuy nhiên cũng có không ít các tai biến vì vậy chúng ta cần phải có những lựa chọn các sản phẩm máu phù hợp để giảm thiểu tối đa các nguy cơ tai biến cho bệnh nhân.

bshang1

Truyền máu khối lượng lớn là gì?

Truyền máu khối lượng lớn còn gọi là truyền máu ồ ạt (Massive blood transfustion) là máu được truyền từ 50%-100% thể tích máu của người nhận trong vòng 12-24 giờ hoặc là truyền 8 đơn vị trong vòng 30 phút (theo GS Trần Văn Bé).

Các tai biến có thể gặp:

  1. Nhiễm độc Citrate: Nguyên nhân do truyền nhiều máu có chất chống đông chứa Citrate dẫn đến tăng lượng Citrate trong máu và gây rối loạn chức năng tim do giảm Canxi máu
  2. Mất thăng bằng kiềm toan: Truyền máu khối lượng lớn có thể gây nhiễm toan chuyển hóa do thiếu oxy tổ chức và sử dụng chất chống đông có chứa nhiều axit trong túi máu.
  3. Mất cân bằng Kali: Máu lưu trữ càng lâu hồng cầu sẽ bị phá hủy và phóng thích Kali vào huyết tương gây độc cho tim và làm suy thận.
  4. Nhiễm NH4: Bình thường trong cơ thể có khoảng 140mg/1 lít máu. Máu lưu trữ càng lâu NH4 càng tăng, vì vậy khi truyền máu khối lượng lớn gan đào thải NH4 không kịp dẫn đến gan bị nhiễm độc và hôn mê.
  5. Hạ thân nhiệt: Máu thường được lưu trữ từ 20C-80C, truyền máu lạnh và quá nhanh thường gây rối loạn điều hòa nhiệt và gây rối loạn nhịp tim. Nếu máu lạnh ở nhiệt độ 80C có thể làm lạnh nội tâm mạc và gây liệt nội tâm thất, bệnh nhân sẽ tử vong nhất là trẻ em.
  6. Giảm men 2, 3 DPG (Diphosphoglycerate) là men có tác dụng trợ giúp giải phóng oxy trong phức hợp HbO2 (Oxy Hemoglobin) do máu càng lưu trữ dài ngày men 2, 3 DPG càng giảm. Nếu bệnh nhân truyền nhiều máu lưu trữ nhiều ngày thì sự trao đổi oxy ở tế bào sẽ thiếu dẫn đến bệnh nhân bị kích thích não do đó tình trạng thiếu oxy trở nên nặng nề hơn.
  7. Chấn thương hồng cầu: Nguyên nhân có thể do bơm hút máu, do làm ấm máu không đúng quy cách.
  8. Rối loạn đông chảy máu: Do tiểu cầu và các chất đông máu bị pha loãng trong tuần hoàn, ngoài ra máu lưu trữ lâu làm tăng độ kết dính nhỏ trong đơn vị máu sẽ làm tăng hoạt động đông máu dẫn đến giảm tiểu cầu và các chất đông máu.

Lựa chọn máu và các sản phẩm máu trong TMKLL.

-         Trước hết cần đảm bảo tối ưu về phù hợp nhóm máu ABO và Rh giữa người cho và người nhận và phải thực hiện chứng nghiệm phù hợp trên từng đơn vị máu truyền.

-         Trường hợp không có máu đồng nhóm có thể sử dụng máu nhóm O có hiệu giá kháng thể thấp còn gọi là máu O không nguy hiểm để truyền cho bệnh nhân có nhóm máu A, B; hoặc sử dụng máu nhóm A hay máu nhóm B để truyền cho bệnh nhân có nhóm máu AB hoặc khối hồng cầu nhóm O để truyền cho bệnh nhân có nhóm máu A, B, AB.

-         Trường hợp đã sử dụng máu toàn phần khác nhóm để truyền cho bệnh nhân và không có khối hồng cầu nhóm O thì phải tìm mọi cách đảm bảo nhóm máu đó suốt thời gian cấp cứu cho bệnh nhân.

-         Máu truyền phải được đảm bảo ở nhiệt độ 370C bằng các phương tiện ủ ấm máu.

-         Máu sử dụng trong truyền máu khối lượng lớn cần phải được lưu trữ trong vòng 72 giờ hoặc không quá 5 ngày là tốt nhất. Nếu sử dụng máu lưu trữ dài ngày hơn cần phối hợp sử dụng huyết tương tươi đông lạnh hoặc phối hợp khối hồng cầu và huyết tương tươi đông lạnh.

Bs Lê Thị Lệ Hằng


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 24 Tháng 7 2012 15:18