Chế độ ăn uống và sinh hoạt của bệnh nhân bị bệnh gout

Gout trong lịch sử được coi là bệnh của vua chúa hay bệnh của người giàu vì thường xuất hiện trên những người ăn uống thừa chất. Ngày nay người ta biết rõ rằng bệnh gout là một rối loạn phức tạp ảnh hưởng lên mọi người không chỉ riêng cho người giàu. Tại Việt Nam, hiện có đến hàng triệu người đang phải khổ sở vì bệnh gout.

tuvanbenhgout1

Bệnh gout có nhiều nguyên nhân, trong đó nồng độ acid uric trong máu tăng cao là nguyên nhân chính. Bệnh có thể xảy ra do 1 số lý do: di truyền, chế độ ăn uống, sự bài tiết axit uric của thận. Chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình điều trị bệnh gout.

Trong khuôn khổ bài này dưới góc độ của một điều dưỡng khi tư vấn cho bệnh nhân, xin mạn phép tóm lược một số thông tin cần thiết cho điều dưỡng và bệnh nhân bị bệnh gout

I. Những thức ăn, nước uống cần dùng:

1. Thức ăn: Các thực phẩm, rau xanh giàu chất xơ như dưa leo, rau cần, cải xanh, cải bắp, khoai tây, bí đỏ, lê, táo, nho, củ sắn, cà chua...giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm, làm giảm thoái hoá biến đạm để sinh năng lượng nên giảm sự hình thành acid uric.

tuvanbenhgout2

2. Nước uống:
+
Nên uống nhiều nước (tối thiểu 2 đến 3 lít nước mỗi ngày). Nước rất quan trọng nhằm mục đích phòng ngừa ứ đọng tinh thể urat tại thận, hoặc truyền dịch nhằm đảm bảo lượng nước tiểu trong ngày đạt đến 2000ml/24 giờ.
+ Nên uống nước khoáng không ga có độ kiềm cao giúp tăng đào thải acid uric và hạn chế sự kết tinh urate tại ống thận, làm giảm nguy cơ sỏi thận.

II. Những thức ăn, nước uống không nên dùng:

1. Thức ăn:

* Kiêng tuyệt đối những thực phẩm giàu đạm có gốc purin như :
+ Hải sản, các loại thịt có màu đỏ như : thịt trâu, bò, ngựa, thịt dê...;
+ Phủ tạng động vật như: lưỡi, lòng, tim, gan, thận, óc...;
+ Các loại trứng đang phát triển thành phôi như trứng vịt lộn,gà lộn...
* Giảm bớt những thực phẩm giàu đạm khác trong khẩu phần ăn như :
+ Đạm động vật nói chung như: thịt lợn, thịt gà, thịt vịt...; cá và các loại thủy sản như: lươn, cua, ốc, ếch...
+ Đạm thực vật: đậu hạt nói chung nhất là các loại đậu ăn cả hạt như : đậu Hà Lan, đậu trắng, đậu đỏ, đậu xanh..., các chế phẩm từ đậu nành như : đậu phụ, sữa dầu nành,... nhìn chung ít làm tăng acid uric hơn các loại đậu chưa chế biến.
* Kiêng tất cả các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như : măng tre, nấm, giá, vì sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể.
2. Nước uống:
+ Tuyệt đối không uống bất kỳ một dạng chất cồn nào như : Rượu, bia,... vì cồn làm giảm bài tiết acid uric qua thận.
+ Hạn chế đồ uống có tính lợi tiểu như nước ngọt có ga, trà, café, nước mát nấu từ thực vật (rau má, mía lau, rễ tranh...) vì nó có cơ chế làm giảm bài tiết acid uric qua nước tiểu, nước uống ngọt nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, một trong những yếu tố tăng nặng bệnh gout.
+ Giảm các đồ uống có tính toan như : nước cam, chanh, nước trái cây giàu vitamin C vì làm tăng nguy cơ kết tinh urate ở ống thận, tăng nguy cơ sỏi thận.
III. Chế độ sinh hoạt cho người bị bệnh gout:
* Trong cơn đau: tuyệt đối để khớp nghỉ ngơi vì sự vận động làm phóng thích nhiều hơn các tinh thể muối urat vào trong khớp. Hậu quả là khớp sưng đau nhiều hơn. Tốt nhất nằm nghỉ ngơi hoặc bất động bằng nẹp hay bột sẽ giúp giảm đau tốt hơn.
* Ngoài cơn đau: cần phải có chế độ lao động và sinh hoạt thích hợp với tình trạng khớp đau. Nếu làm quá sức sẽ làm khớp mau hư hơn.
+ Giảm cân, tránh béo phì.
+ Vận động nhẹ nhàng, vừa sức. Tập luyện nhẹ nhưng thường xuyên.
+ Tránh làm việc nặng, quá sức hoặc luyện tập thể thao với cường độ mạnh.
+ Giữ ấm cơ thể, tránh để lạnh, tránh dầm mưa lạnh.
+ Giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng (stress là một trong những yếu tố gây phát cơn gout cấp).
+ Ngâm chân nước nóng hàng tối, có thể làm thường xuyên nhưng không nên dung nước quá nóng, cũng không nên ngâm lúc đang bị viêm cấp.

CN TRẦN THỊ ANH THƯ
KHOA NỘI TỔNG HỢP

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 11 Tháng 6 2012 20:22