Can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

BS. Trà Quang Ân - 

HIV là virut gây suy giảm miễn dịch ở người (Human Immunodeficiency Virus). HIV là các Retovirus thuộc họ Lentivurus - là các virus phát triển chậm - có hình cầu, kích thước từ 80-120 nm, có vỏ bọc, lưỡng bội, và tồn tại cùng DNA tế bào vật chủ (mỗi virus HIV có chứa 2 sợi RNA). HIV có 2 typ là HIV1 và HIV2 trong đó HIV1 là căn nguyên gây bệnh chính ở người.

AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Acquired Immune deficiency Syndrom), là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV.

A. ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN

1. Đường lây và các yếu tố nguy cơ nhiễm HIV

Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy HIV lây truyền qua ba con đường: Quan hệ tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Tỷ lệ lây truyền thay đổi tùy theo đường lây truyền và từng điều kiện cụ thể. Bởi vì HIV là một virus khá lớn về kích thước, có thời gian tồn tại ngoài cơ thể khá ngắn nên HIV không bị lây truyền qua các tiếp xúc thông thường như bắt tay, qua các bề mặt phẳng (ghế, bồn cầu…) hoặc côn trùng đốt, cắn.

2. Quan hệ tình dục không an toàn

Qua nghiên cứu, trên thế giới, lây truyền HIV qua đường tình dục không an toàn là đường lây chính. Lây truyền qua đường tình dục diễn ra khi giao hợp khác giới và giao hợp đồng giới (nam-nam). Nguy cơ lây nhiễm qua quan hệ tình dục là khá cao đối với người nhận (khoảng 0,1-3% với quan hệ đường âm đạo); tuy nhiên người cho cũng có nguy cơ bị lây nhiễm (0,006% với đường hậu môn và 0,1 % với đường âm đạo).

MECONHIV1

3. Qua đường máu (phơi nhiễm với máu, các sản phầm máu, hoặc các tạng hay mô cấy ghép bị nhiễm)

Phơi nhiễm với máu đã bị nhiễm có thể xảy ra khi truyền máu không được sàng lọc để tìm kháng thể kháng HIV; sử dụng lại các bơm kim tiêm hoặc các dụng cụ y tế đã nhiễm bẩn.

Những trường hợp lây truyền HIV qua đường máu đầu tiên được báo cáo ở những người nhận máu (nguy cơ nhiễm 95%) hoặc sản phẩm máu, sau đó là ở những người nghiện chích ma túy qua dùng chung bơm kim tiêm (khoảng 0,67% nguy cơ cho mỗi lần phơi nhiễm), ở những người làm công tác y tế do bị kim đâm vào tay ( nguy cơ khoảng 0,4%/lần phơi nhiễm, thay đổi tùy theo vị trí và kích thước vết thương); và thấp hơn cả là phơi nhiễm/ niêm mạc.

4. Lây truyền từ mẹ sang con

Người mẹ bị nhiễm HIV khi có thai có thể truyền bệnh cho con qua bánh rau khi có thai, qua máu và dịch âm đạo, khi chuyển dạ đẻ hoặc qua sữa khi cho con bú. Đa số lây nhiễm HIV ở trẻ em là do mẹ bị nhiễm truyền sang.

Nếu không được điều trị dự phòng, tỷ lệ lây truyền HIV chu sinh là khoảng 25-30%, khác nhau tùy theo từng nước (25-40% ở các nước đang phát triển và khoảng 16-2-% tại châu Âu và Bắc Mỹ.

B. LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON

1. Lây truyền trong thời kỳ mang thai

Bình thường, rau thai có cấu tạo đặc biệt cho phép chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, kháng thể của người mẹ…đi qua để nuôi dưỡng bào thai. Do vậy trong nhiều trường hợp mẹ có nhiễm vi rút thì vi rút bị rau thai ngăn chặn và không truyền qua rau thai được.

Nhưng vẫn có một tỷ lệ vi rút HIV qua được rau thai qua các tế bào của mẹ bị nhiễm HIV. Sự lây truyền này xảy ra từ quí I của thai kỳ và tăng dần vào các giai đoạn sau của thời kỳ mang thai. Theo cơ chế này, HIV nằm trong các tế bào mẹ di chuyển qua bánh rau thai vào thai nhi. Ngoài ra, HIV có thể xâm nhập vào thai nhi do nhiễm khuẩn đặc biệt của bánh rau, xảy ra trong ba tháng đầu hay ba tháng giữa của thai kỳ. HIV cũng có thể xâm nhập muộn hơn vào nửa sau thai kỳ khi bề dày của “vách ngăn màng rau” mỏng đi.

2. Lây truyền trong khi chuyển dạ, sinh đẻ

Lây truyền HIV từ mẹ sang con thường xảy ra muộn vào thời kỳ chuyển dạ, khi đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài và do đó phơi nhiễm trực tiếp với HIV của mẹ. Đây là giai đoạn xuất hiện các cơn co tử cung, với tần số ngày càng cao, dẫn đến có những xuất huyết ở thành tử cung - bánh rau và có thể có những sự trao đổi máu mẹ - thai nhi trong quá trình chuyển dạ. Giai đoạn sau đó khi ối đã vỡ là khi thai nhi không còn có sự bảo vệ của màng ối, dẫn đến sự tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo và máu của mẹ. Ngoài ra khi qua đường âm đạo để ra ngoài, thai có thể nuốt dịch âm đạo có nhiều vi rút HIV vào đường tiêu hóa.

Nếu cuộc đẻ có can thiệp như cắt tầng sinh môn, đặt foóc - xép hoặc giác hút thì các mạch máu lớn bị tổn thương, máu chảy nhiều làm tăng khả năng nhiễm HIV cho thai. Hoặc thành âm đạo, cổ tử cung của người mẹ, da và niêm mạc của trẻ sơ sinh dễ bị xây xước do bị thăm khám hay thủ thuật, vi rút qua những chỗ xây xước đó mà thâm nhập vào cơ thể thai nhi.

3. Lây truyền HIV từ mẹ sang con trong thời kỳ cho con bú

Sữa mẹ có thể là nguồn lây truyền HIV cho con nếu bà mẹ bị nhiễm HIV. Đó là do vi rút HIV từ các tế bào bạch cầu trong máu mẹ qua mạch máu thấm vào các nang sữa rồi qua sữa mẹ truyền sang con hay do sự xây sát gây chảy máu ở núm vú khi trẻ bú mẹ. Do vậy cho dù với nồng độ không cao nhưng HIV vẫn tồn tại trong sữa mẹ và có thể lây nhiễm cho trẻ bú sữa người mẹ nhiễm HIV.

C. CÁC CAN THIỆP DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON

1. Tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai

Tư vấn trước xét nghiệm:

Gồm hình thức tư vấn nhóm ( khi có nhiều phụ nữ đến khám thai) và tư vấn cá nhân (khi những phụ nữ mang thai sau khi tư vấn nhóm còn có nhu cầu tư vấn riêng hoặc chưa biết tình trạng HIV trong khi chuyển dạ).

Tư vấn trước xét nghiệm phải cung cấp đầy đủ các thông tin về HIV, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, lợi ích của xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng nếu mẹ nhiễm HIV để thai phụ tự nguyện xét nghiệm HIV cùng với các xét nghiệm thường quy khác trong quá trình khám thai.

Tư vấn sau xét nghiệm:

Được tiến hành cho tất cả phụ nữ khi trả kết quả xét nghiệm, kể cả HIV âm tính, dương tính hoặc chưa xác định theo các quy định của pháp luật. Đối với những phụ nữ có kết quả xét nghiệm HIV dương tính cần tập trung tư vấn về tâm lý, cách chăm sóc, điều trị chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, thông báo kết quả xét nghiệm khẳng định HIV và tư vấn xét nghiệm HIV cho chồng/bạn tình.

2. Đánh giá tình trạng thai nghén và xử trí

Xác định tuổi thai và đánh giá tình trạng thai nghén theo quy định

3. Can thiệp bằng các thuốc kháng retro vius (ARV)

Điều trị ARV càng sớm càng tốt cho phụ nữ mang thai sau khi phát hiện nhiễm HIV. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần được theo dõi hằng tháng, đặc biệt vào thời điểm gần ngày dự kiến sinh.

4. Thực hành sản khoa an toàn cho mẹ và con.

Các can thiệp sản khoa đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV phải tuân thủ theo các nguyên tắc chung như đối với phụ nữ mang thai không nhiễm HIV để đảm bảo cuộc chuyển dạ và sinh con an toàn.

Thực hành sản khoa an toàn trong phòng lây truyền mẹ con (PLTMC) là giảm tối đa sự phơi nhiễm của thai nhi với HIV từ các dịch cơ thể của người mẹ, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ lây truyền mẹ con.

   Tuy nhiên cũng cần cân nhắc khi quyết định mổ lấy thai vì những nguy cơ lâu dài của phẫu thuật gây ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ như nhiễm trùng, chảy máu hoặc có sẹo mổ, dễ phải mổ lại trong lần thai tới. Phác đồ điều trị PLTMC hiện nay của bộ y tế Việt Nam cũng quy định “chỉ mổ lấy thai khi có chỉ định sản khoa”.

5. Can thiệp ngay sau sinh

Chăm sóc trẻ

Khi hút dịch đường mũi, hầu họng cho trẻ cần sử dụng các loại ống thông mềm, thao tác nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương. Lau khô cho trẻ bằng khăn mềm, tránh xây xước.

Cho trẻ uống thuốc kháng HIV theo phác đồ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ngừng thuốc khi mẹ có kết quả khẳng định âm tính.

Tư vấn cho mẹ về nuôi dưỡng, chăm sóc và theo dõi trẻ phơi nhiễm

Sữa mẹ có chứa virus HIV. Thời gian bú mẹ càng dài thì khả năng lây truyền càng tăng. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng “ nơi mà việc nuôi con bằng thức ăn thay thế được chấp nhận, khả thi, đáp ứng được, có khả năng duy trì được và an toàn, phụ nữ bị nhiễm HIV nên tránh cho con bú mẹ”.

Hướng dẫn của TCYTG khuyến cáo phụ nữ nhiễm HIV cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó cai sữa nhanh để giảm thời gian tiếp xúc với sữa mẹ và hạ nguy cơ lây truyền. đồng thời người mẹ phải được điều trị thuốc kháng virus liên tục để giảm tối đa nồng độ virus trong máu cũng như sữa mẹ có khả năng lây truyền sang con.

Nếu bà mẹ có quyết định cho con bú: hướng dẫn cách cho bú đúng, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng tuổi, và tiếp túc cho bú mẹ đến 12 tháng, đồng thời mẹ phải tuân thủ điều trị ARV trong suốt thời gian cho con bú.

Chăm sóc cho bà mẹ sau sinh

Bà mẹ nhiễm HIV sẽ được tư vấn sau sinh về:

Tài liệu tham khảo

  1. Tài liệu tập huấn giảng viên tuyến tỉnh về phòng lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con. BYT/UNICEF- 9/2020
  2. Hướng dẫn về chăm sóc và điều trị HIV, Cục phòng chống AIDS/BYT.
  3. Chiến lược quản lý, điều trị HIV/AIDS- Bộ y tế.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 21 Tháng 4 2021 09:49