Nhân một trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người điều trị tại khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện đa khoa Quảng Nam

1. Sơ lược bệnh án

1.1. Hành chính

- Họ tên bệnh nhân: Lê Văn T. , 53 tuổi. Số nhập viện: 7181. Ngày vào viện: 01/03/2012.

- Địa chỉ: thôn 7, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

- Lý do nhập viện: TTYT Bắc Trà My chuyển với chẩn đoán: Theo dõi choáng nhiễm trùng.

- Tiền sử: nghiện rượu.

- Bệnh sử: Ngày 27/02/2012 bệnh nhân cùng 3 người khác tham gia làm và ăn thịt lợn chết (không rõ lí do lợn chết). Sau 2 ngày sốt cao, nôn, đi cầu phân lỏng nhiều lần nên nhập TTYT Bắc Trà My. Tại đây ghi nhận: sốt 39oC, toàn thân có nhiều mảng xuất huyết, huyết áp 80/60 mmHg. Được điều trị: Solumedron, kháng sinh, dịch truyền rồi chuyển viện.

1.2. Khám bệnh: Tại khoa Y học Nhiệt đới ghi nhận

- Lâm sàng: bệnh nhân lơ mơ, run tay, toàn thân xuất hiện nhiều tử ban chủ yếu ở mặt và tứ chi, vẻ mặt nhiễm độc nhiễm trùng. Nhiệt 37oC. Huyết áp 90/60 mmHg, mất nước độ I,  nhịp thở 30 lần/phút. Các cơ quan khác chưa phát hiện bệnh lý

- Cận lâm sàng

+ Máu: Bạch cầu: 8.800/mm3 ; N: 91,3%. Hồng cầu: 4.000 000/mm3; Hct: 48,1%. 

Tiểu cầu: 80.000/ mm3, độ tập trung rời rạc. Test HIV: âm tính, Ký sinh trùng sốt rét 3 lần: âm tính.

Chức năng đông máu: Ts: 7,5 phút; Tc: 12,3 phút; Co cục máu: không co. Ure 12,0 mmol/l; Glucoze: 10 mmol/l; SGOT: 89 UI/l; SGPT: 45 UI/l; K+: 2,6 mmol/l; Na+: 120 mmol/l. Cấy máu: Streptococcus (+).

+ X quang phổi: mờ không đều toàn bộ phổi phải + 1/2 trên phổi trái

+ Siêu âm: hở van 2 lá, tràn dịch màng ngoài tim

+ Nước tiểu: trong giới hạn bình thường

1.3. Chẩn đoán: Bệnh chính: Nhiễm trùng huyết do liên cầu lợn.

Bệnh kèm: Nghiện rượu, Hở van 2 lá.

Biến chứng: Choáng nhiễm trùng, Rối loạn điện giải.

1.4. Tiên lượng: nặng

1.5. Điều trị

- Nằm phòng cách ly

- Hổ trợ hô hấp: Thở oxy

- Chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao thể trạng

- Kháng viêm: Corticoid

- Kháng sinh: Ciplox, Zyfitax

- Điều trị triệu chứng

- Chăm sóc cấp I

1.6. Kết quả điều trị: Sau 28 ngày, bệnh nhân ổn định ra viện

bsdieu2   bsdieu

Một số hình ảnh tổn thương trên da của người bệnh

2. Bệnh liên cầu lợn (Streptococcus Suis Diseases). Bệnh gây ra do S. suis (liên cầu lợn), là bệnh lây từ động vật sang người. Có 38 type huyết thanh, type II hay gây bệnh cho người.

2.1. Ở lợn: lợn nhà bị bệnh gây hội chứng “rối loạn hô hấp và sinh sản” (lợn tai xanh) (Proreine Reproductive and Respinatory Syndrome (P.R.R.S)). S.suis: virus này xâm nhập và nhân lên trong đại thực bào, phá hủy các đại thực bào, làm suy yếu sức đề kháng của lợn. Tạo điều kiện cho nhiều vi khuẩn cư trú trong cơ thể lợn trong đó có liên cầu lợn phát triển mạnh, tăng động lực và gây bệnh. Liên cầu lợn thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân, đường tiêu hóa và sinh dục. Ngoài lợn nhà, S.suis còn thấy ở lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim.

2.2. Ở người: người bị bệnh, bệnh cảnh lâm sàng thường là viêm màng não, xuất huyết, đặc biệt xuất huyết tuyến thượng thận gây ra hội chứng “Waterhouse Friderichsen”, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp. Nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, suy thận, rối loạn đông máu, …

3. Tình hình dịch tể

3.1. Thế giới: Bệnh được phát hiện đầu tiên ở Đan Mạch năm 1968. Đến nay trên thế giới có trên 400 trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người được thông báo; tỉ  lệ tử vong: 17,5 %. Các vụ dịch xảy ra ở Trung Quốc tháng 7 và tháng 8 năm 2005 có 215 người mắc, trong đó 61 trường hợp sốc nhiễm khuẩn và 38 tử vong (62%).

3.2. Việt Nam: Năm 2003 bệnh mới được công bố. Bệnh viện nhiệt đới Tp.HCM (2005 – 2006) có 72 trường hợp, trong đó có 69 viêm màng não mủ và 3 nhiễm trùng huyết. Viện các bệnh Truyền nhiễm - Nhiệt đới Quốc gia (2007) có 41 trường hợp, trong đó 8 trường hợp có choáng và tỉ lệ tử vong là 7%.

4. Yếu tố lây nhiễm và phòng bệnh

4.1. Lây nhiễm: Từ lợn nhiễm bệnh lây truyền sang người là do

- Tiếp xúc với lợn bị bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương trầy xước ở da

- Ăn thịt lợn bệnh mang vi khuẩn nấu không chín

4.2. Phòng bệnh: hiện nay chưa có vắc xin dự phòng do đó cần phải

- Không tiếp xúc, ăn tái thịt, tiết canh lợn, … ốm, chết không rõ nguyên nhân

- Vệ sinh chăn nuôi, chôn, tiêu hủy lợn ốm, chết đúng quy định của thú y

- Thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng khi nghi ngờ lợn bị bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm, (2009), Cục y tế dự phòng và môi trường, Bộ y tế

2. Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, (2009), Cục y tế dự phòng và môi trường, Bộ y tế

3. Tài liệu tập huấn một số bệnh nhiễm trùng và bệnh gây dịch thường gặp, (2011), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

4. Tài liệu tập huấn một số bệnh truyền nhiễm, (2011), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

 Bác sĩ CKI NGUYỄN TẤN DIỆU


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 24 Tháng 7 2012 15:20