Nhân một trường hợp can thiệp cho một bệnh nhân vừa hẹp lỗ động mạch liên thất trước vừa tắc hoàn toàn mạn tính động mạch chậu chung

Ê kip can thiệp tim mạch - Khoa Nội TM

Xin chia sẻ cùng quý đồng nghiệp nhân ngày Quốc tế lao động bất diệt!

Bệnh nhân Trần Tấn B. 73 tuổi, tiền sử hút thuốc lá từ nhỏ cho đến nay, vào viện vì đau ngực trái. Bệnh được chẩn đoán và điều trị theo hướng cơn đau thắt ngực không ổn định. Trong quá trình điều trị, qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân khai đau chân phải khi đi lại hơn 1 năm nay (bệnh nhân đã được chẩn đoán và phẫu thuật thoát vị đĩa đệm tại một bệnh viện tuyến trên khoảng 3 tháng nay nhưng không bớt đau). Khám chân phải có dấu hiệu teo cơ, mạch bẹn phải rất nhẹ so với bên trái, mạch khoeo phải không bắt được. Bệnh nhân được siêu âm Doppler mạch máu. Kết quả tắc gốc động mạch chậu chung do mảng xơ vữa. Sau 3 ngày điều trị tương đối ổn định, bệnh nhân được chụp động mạch vành chọn lọc. Chúng tôi chọn đường vào từ động mạch đùi trái mà không phải từ động mạch quay phải như thường quy với mong muốn vừa chụp động mạch vành chọn lọc vừa kéo xuống chụp động mạch chi dưới. Kết quả chụp mạch cho thấy hẹp 90% ngay lỗ (Ostial lesion) động mạch liên thất trước và tắc gốc động mạch chậu chung phải (CTO-Chronic Total Occlusion lesion).

Hình ảnh chụp mạch:

can1 

Xét về động mạch vành:

Thương tổn lỗ và thương tổn của thân chung động mạch vành trái cho đến nay vẫn còn là một thách thức lớn đối với những người làm can thiệp bởi vì biến chứng trong thủ thuật là rất lớn và được xem là thủ thuật có nguy cơ cao. Đặc biệt ở bệnh nhân này hẹp lỗ động mạch liên thất trước có lỗ xuất phát chung với động mạch mũ, nguy cơ can thiệp sẽ làm tắc động mạch mũ. Chúng tôi chỉ định chuyển bệnh nhân phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành (CABG - Coronary Artery Bypass Grafting). Tuy nhiên bệnh nhân và gia đình không đồng ý phẫu thuật và chấp nhận can thiệp qua da. Bệnh nhân lúc này vẫn còn đau ngực CCS III nên chúng tôi quyết định can thiệp cho bệnh nhân với chiến lược đi thêm một microguidwire vào bảo vệ động mạch mũ, trong khi bóng vẫn còn căng trong lỗ động mạch liên thất trước, chụp lại kiểm tra thì thấy ảnh hưởng rất ít tới lỗ của động mạch mũ. Chúng tôi quyết định đặt một stent phủ thuốc vào lỗ động mạch liên thất trước, sau cùng chúng tôi sử dụng kỹ thuật hôn bóng (Kissing Balloon) để đảm bảo nong rộng cả lỗ của động mạch liên thất trước và động mạch mũ.

Kết quả chụp mạch cuối cùng:

can2

Xét về động mạch chậu chung phải:

Chúng tôi xét thấy đây là tổn thương thuộc TASC A, có nghĩa là có chỉ định can thiệp nội mạch. Tuy nhiên khó khăn ở bệnh nhân này là mỏm cụt quá ngắn, khó có thể đưa microguidwire vào qua tổn thương từ động mạch chậu trái được. Chúng tôi quyết định đi ngược từ dưới lên qua tuần hoàn bàng hệ của đm đùi phải. Thủ thuật tương đối khó khăn nhưng cuối cùng cũng đã đưa được microguidwire xuyên qua tổn thương. Đưa microcatheter vào chụp động mạch chủ bụng để xác định microguidwire đã đi vào đúng đường, chúng tôi đưa bóng vào nong và đặt 01 stent 8.0x40mm vào tổn thương.

Kết quả chụp mạch cuối cùng:

can3

(bệnh nhân đã được chẩn đoán và phẫu thuật thoát vị đĩa đệm tại một bệnh viện tuyến trên khoảng 3 tháng nay nhưng không bớt đau)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 01 Tháng 5 2014 16:13