So sánh giữa Ringer lactate với dung dịch NaCl 0,9% trong hồi sức nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng

Bs Đinh Thị Vi - 

Đây là một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, đa trung tâm. Nghiên cứu chọn ngẫu nhiên những bệnh nhân vào khoa cấp cứu vì nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng, trên 18 tuổi. Tiêu chí loại trừ là bệnh nhân có thai, đã được đặt nội khí quản trước khi vào viện hoặc được chuyển từ bệnh viện khác đến. Các bệnh nhân được chia một cách ngẫu nhiên vào hai nhóm, nhóm A điều trị bằng ringer lactate, nhóm B dùng dung dịch muối để hồi sức dịch nội mạch. Thước đo kết quả một là tử vong vì bất kỳ nguyên nhân nào, hai là cần phải thở máy và suy thận (creatinin máu tăng gấp hai lần hoặc cần phải RRT).

sosangri1

Kết quả là trong số 84 bệnh nhân, 35 bệnh nhân dùng ringer lactate và 49 bệnh nhân dùng dung dịch muối. Tiêu điểm của nhiễm trùng ở phổi là 39 bệnh nhân, ổ bụng là 9, tiết niệu là 10, mô mềm là 2, hệ thần kinh trung ương là 1, tim là 1 và 22 bệnh nhân không rõ tiêu điểm. Điểm SOFA trung bình là 6, MAP là 70 mmHg, lactate máu trung bình là 4,7 meq/l. Có 5 bệnh nhân cần thở máy, 32 bệnh nhân dùng thuốc vận mạch. Không có sự khác biệt giữa hai nhóm về các đặc điểm lâm sàng chính kể trên. Có 8 trường hợp tử vong ở nhóm sử dụng ringer lactate, so với 28 trường hợp tử vong ở nhóm nước muối (27,6% so với 63%; P = 0,003). Không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm cần thở máy (4,5 ± 6,1 và 4,3 ± 5,7, tương ứng; P = 0,74) hoặc suy giảm chức năng thận.

sosangri2

Phân tích đơn biến cho thấy rằng việc sử dụng thuốc vận mạch, điểm SOFA và huyết áp tâm thu có liên quan đến tỷ lệ tử vong. Phân tích đa biến chỉ xác định mối liên hệ giữa việc sử dụng dung dịch muối và tỷ lệ tử vong.

sosangri3

Bàn luận: các guideline về nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng khuyến cáo hồi sức dịch tuần hoàn bằng dịch tinh thể. Tuy nhiên các dịch tinh thể lại có những đặc điểm khác nhau và guideline không cho biết dịch tinh thể nào nên được ưu tiên để hồi sức. Thậm chí là dù đã có rất nhiều nghiên cứu so sánh các tinh thể trong hồi sức bệnh nhân nặng, nhưng số nghiên cứu cho riêng nhóm bệnh nhân nhiễm trùng là rất ít. Dùng dịch keo đã được chứng minh là làm suy thận cần phải lọc máu. Albumin 4% là an toàn nhưng không tốt hơn dung dịch muối.

Dung dịch NaCl 0,9% có nồng độ Na+ và Cl- là 154 meq/l, cao hơn so với máu. Ringer lactate có thành phần gần với huyết tương hơn do đó được gọi là dung dịch đẳng trương. Một nghiên cứu quan sát cho thấy dùng các dịch đẳng trương trong hồi sức bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng làm giảm tỷ lệ tử vong. Ưu điểm chính của ringer lactate là không gây tăng Clo, do đó không làm nặng thêm tình trạng toan chuyển hóa và suy thận.Các nghiên cứu ở những bệnh nhân hậu phẫu dùng NaCl 0,9% cho thấy tình trạng toan chuyển máu tăng Clo máu. Một nghiên cứu hồi cứu ở các bệnh nhân có SIRS đã cho thấy việc hồi sức dịch có nồng độ Clo thấp sẽ giảm tỷ lệ tử vong hơn.

Một cơ chế nữa giải thích sự khác nhau về tỷ lệ tử vong giữa hai nhóm điều trị bằng Ringer lactate và NaCl 0,9% đó là do có sự tác động khác nhau lên các chất trung gian hóa học trong đáp ứng viêm. Các thử nghiệm ngẫu nhiên ở bệnh nhân viêm tụy cấp đã cho thấy tác dụng giảm viêm khi dùng ringer lactate so với NaCl 0,9%.

Kết luận: Bệnh nhân nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng được hồi sức bằng ringer lactate có tỷ lệ tử vong thấp hơn hồi sức bằng dung dịch NaCl 0,9%.

(Nguồn: https://www.researchgate.net/publication/340293916. Pagano a, Porta g, Bosso g, rosato V, allegorico E, Serra c, et al. Ringer lactate versus saline solution for resuscitation of sepsis and septic shock. Ital J Emerg med 2020;9:29-34. doI: 10.23736/S2532-1285.20.00019-1)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 14 Tháng 9 2020 16:00