Thuốc thang - Kỹ thuật sắc thuốc và cách dùng

Thuốc thang là hỗn hợp của nhiều vị thuốc đã dược bào chế và phân liều dùng, được điều chế bằng phương pháp sắc.

Thành phần thuốc thang gồm dược liệu và nước. Dược liệu có thể có nguồn gốc từ thảo mộc, động vật, khoáng vật. Nước thường dùng là nước mưa, nước giếng đạt tiêu chuẩn nước ăn, tránh dùng nước cứng.

Thuốc thang thường được phân loại như sau:

- Thuốc giải biểu, đa số dược liệu có cấu tạo mỏng manh, có chứa nhiều tinh dầu, có tác dụng sát trùng, chống viêm, hạ nhiệt, giải độc cơ thể.

- Thuốc bổ, các dược liệu thường là củ, rễ có cấu tạo rắn chắc, có tác dụng bồi bổ, tăng cường sinh lực, kích thích tiêu hoá.

- Thuốc chữa bệnh mạn tính như dạ dày, thấp khớp…

sacthuoc3

KỸ THUẬT SẮC THUỐC

Sắc thuốc là đun sôi nhẹ nhàng và đều lửa dược liệu với nước trong một thời gian nhất định.

Dụng cụ sắc thường là siêu đất, nồi đất dung tích 1,5 – 2 lít.

Cách sắc: theo quy tắc sau:

Sắc nhanh:

Đổ nước vừa đủ ngập dược liệu, đun to lửa (vũ hoả), sôi trong 30 phút, sắc một lần, uống lúc còn nóng. Sắc nhanh thường được áp dụng cho các thang thuốc có chứa nhiều tinh dầu, để lấy khí vị, dùng cho các thang giải cảm, làm ra mồ hôi.

Sắc chậm:

Cho nước vào trên mặt dược liệu 2 – 3 cm (khoảng 600 ml), đun nhỏ lửa và âm ỉ lâu, giữ cho thuốc không sôi bùng trào ra ngoài, khi thuốc cạn còn khoảng 1/3 thì gạn ra và thêm nước mới vào để sắc lần 2. Lần 2 có thể cho nước vừa mặt dược liệu, cũng đun âm ỉ cho đên khi cạn còn ½ gạn lọc rồi pha chung với nước 1 uống trong ngày, có khi cô đặc thêm cho dễ uống. Thường dùng cho các thang thuốc bổ, dược liệu có cấu tạo rắn chắc.

Khi sắc thuốc cần chú ý các điểm sau:

+ Các loại thuốc có tinh dầu như tía tô, kinh giới, hương nhu … để riêng, khi thuốc gần nhắc xuống mới thêm vào để tránh bay hơi trong quá trình sắc.

+ Các loại khoáng chất khó tan thì tán nhỏ cho vào trước rồi mới xếp dược liệu lên trên.

+ Các loại dược liệu quý hiếm như: nhân sâm, tam thất, quế … có thể hãm riêng rồi trộn với nước sắc sau khi nhắc xuống.

+ Các dược liệu không chịu được nhiệt độ cao như chu sa, thần sa cũng cho vào khi đã nhắc xuống, chỉ hoà vào sau cùng trước khi uống, để tránh hư hao, thất thoát trong giai đoạn đun trên lửa.

CÁCH DÙNG VÀ KIÊNG KỴ

Cách dùng:

+ Thuốc bổ: uống lúc đói để thuốc hấp thu nhanh.

+ Thuốc kích thích tiêu hoá có khả năng kích ứng niêm mạc dạ dày, uống sau bửa ăn.

+ Thuốc giải cảm, giải độc cơ thể, hoạt huyết uống lúc còn nóng.

Kiêng kỵ:

+ Dùng thuốc thang chữa bệnh, không ăn thức ăn sống, tanh, lạnh.

+ Khi dùng thuốc bổ, nên kiêng ăn những chất có tác dụng lợi tiểu mạnh, sẽ làm thuốc không hấp thu kịp.

+ Khi dùng thuốc giải cảm, kiêng ăn chua, mặn.

+ Thuốc chữa dạ dày, gan mật nên kiêng dầu mỡ.

Chú ý: khi uống thuốc thang không nên uống kèm các thức uống khác như sữa, rượu bia, nước trà, nước chè, nước ngọt có ga … vì các chất này có thể làm tủa các thành phần hoạt chất trong thang thuốc hạn chế tác dụng của bài thuốc và điều trị sẽ không có kết quả.

Ths Nguyễn Văn Tánh


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 18 Tháng 6 2012 11:37