• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Cây sâm Ngọc Linh

  • PDF.

Ds Nguyễn Văn Ngọc

Cây sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv) thuộc họ nhân sâm (Araliaceae) (hay còn gọi là sâm K5, sâm Việt Nam) được phát hiện lần đầu vào năm 1973 tại huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum). Đây cũng là loài nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới.

Sâm là cây thích hợp với ánh sáng tán xạ, vùng có nhiệt độ trung bình 9-10oC, phù hợp với đất của rừng cây rậm, thường mọc ở trên sườn núi thoát nước tốt và râm mát, ít nắng, đất xốp mùn. Cây sâm Ngọc Linh thuộc loại cây thảo, cao 80 - 100 cm. Thân rễ nằm ngang trên hoặc dưới mặt đất độ 1-3 cm, mang rễ con và củ. Thân rễ có sẹo, nhiều đốt. Các thân mang lá. Tương ứng với một thân mang lá là một đốt dài khoảng 0,5-0,7 cm. Trên đỉnh của thân mang lá là các lá mọc vòng, có 5-7 lá chét với phiến lá hình trứng ngược. Hoa mọc giữa các lá thẳng với thân. Quả dài độ 0,8-1,0 cm, rộng khoảng 0,5-0,6 cm, màu đỏ khi chín. Cây mọc dưới tán rừng. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là thân rễ củ, lá và rễ con.

samngoc1

Sâm Ngọc Linh tự nhiên phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum, huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam, núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và đỉnh Ngọc Am tỉnh Quảng Nam ở độ cao 1.500m trở lên. Loại cây này sinh trưởng chậm, phải từ 6 năm trở lên mới có thể sử dụng. Hiện nó đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học Nhật Bản và Hàn Quốc xếp cùng hạng với 5 loại sâm quý nhất thế giới.

Đến nay, số lượng cá thể sâm tại Quảng Nam hơn 800.000 cây ; trong đó, trên 393.000 cây tại Trại Dược liệu Quảng Nam; 318.000 cây đã cấp cho các hộ dân trồng ; và được nhân rộng ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp như xã Trà Nam, xã Trà Cang huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc huyện Phước Sơn; xã Ch’um, xã Gary huyện Tây Giang số lượng 72.000 cây.

Quảng Nam đã hỗ trợ cây giống cho Trạm Dược liệu - Bộ Y tế trồng ở Sapa là 300 cây và 400 hạt giống/năm 2001; 10.000 cây/năm 2006; 32.000 cây/2007.

Giúp tỉnh bạn Kon Tum 40.000 cây thể hiện qua các năm 2002:10.000 cây ; năm 2003: 10.000 cây ; năm 2007: 20.000 cây.

Thành phần chính trong sâm Ngọc Linh là hoạt chất saponin. Trong sâm chứa hơn 50 loại saponin chủ yếu thuộc nhóm dammaran trong đó có 24 hợp chất mới (trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin). Hàm lượng saponin trong Sâm Ngọc Linh (13-18%) cao hơn hẳn trong Nhân sâm (4-8%) và các loại sâm khác.

Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, hoạt chất saponin trong sâm Ngọc Linh có công dụng rất lớn như kích thích hệ miễn dịch, chống ôxi hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Bên cạnh đó, sâm Ngọc Linh cũng có tác dụng giúp người bệnh ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp.

Ngoài ra, sâm Ngọc Linh còn giúp người sử dụng tăng lực, phục hồi sự suy giảm chức năng giúp cho tình trạng của cơ thể trở lại bình thường; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm Triều Tiên và sâm Trung Quốc không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, giảm lo âu, chống ôxi hóa, và hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường.

Chính vì vậy, nhà nước ta đã có chủ trương bảo vệ nguồn cây thuốc quý này từ nhiều năm nay. Ở Quảng Nam, cây sâm Ngọc Linh rất được chú trọng bảo tồn và phát triển. Nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về cây sâm NL như nghiên cứu quy trình sản xuất sâm K5; dự án bảo tồn và phát triển nguồn sâm; dự án phát triển sâm Ngọc Linh trong nhân dân; dự án khôi phục và di thực sâm Ngọc Linh tại huyện miền núi cao Tây Giang và Phước Sơn; hội thảo quốc gia về bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh... Qua đó đã góp phần bảo vệ nguồn gen cây thuốc quý này và cung cấp giống cho bà con nông dân, và nhờ vậy diện tích trồng sâm được mở rộng. Tuy nhiên, hiệu quả thu được thường không cao, thời gian để thu hoạch khá lâu (từ 7-10 năm), đầu ra cho sản phẩm còn manh mún, người dân buôn bán nhỏ lẻ, đôi khi còn bị chèn ép giá. Trong khi đó, một số xí nghiệp dược phẩm chưa sản xuất và phát triển được những sản phẩm từ sâm ngọc linh.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 04 Tháng 8 2014 09:53

You are here Tin tức Thông tin thuốc Cây sâm Ngọc Linh