• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Có nhà lưu trú, người nuôi bệnh hết cảnh vật vạ hành lang!

  • PDF.

Bà Nguyễn Thị Bình (78 tuổi) ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên vào bệnh viện Đa khoa tỉnh nuôi bệnh cháu đã hai tuần nay. Bà được nhường cho chỗ trú dưới gầm cầu thang khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện vì già cả. Kê chiếc sạp giường chật chội, mỗi tối bà Bình lại chia sẻ chỗ ngủ cho một người nhà bệnh nhân nữa. Rất nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải sống cảnh như thế ở hành lang bệnh viện. Khi nghe tin bệnh viện sẽ có nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân, bà Bình hưởng ứng: “Thế thì còn gì bằng, chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều trong những ngày đi nuôi bệnh”

nhanghiBN1

Lễ cắt băng khánh thành nhà lưu trú bệnh nhân

Vật vạ hành lang
Bà Bình kể trong suốt mấy tuần nuôi cháu ở bệnh viện, có lẽ vì bà đã già nên mới được nhường cho chỗ tốt như dưới chân cầu thang. Người đi nuôi bệnh ai cũng mang một tâm trạng phấp phỏng, nhất là với những ai có người nhà nằm ở hồi sức cấp cứu. “Cứ nghe gọi tên là giật mình chứ kể chi đến chỗ nghỉ chỗ ngủ cho mình. Nhà tôi neo người nên già cả như tôi mới phải vào đây trông cháu. Mà ở bệnh viện là thấy khổ rồi”.
Chị Phan Thị Kim Anh (Bình Quế, Thăng Bình) thì khó khăn hơn trong việc tìm chỗ ở khi nuôi chồng từ gần 2 tháng nay. Ghế đá ở hành lang bệnh viện chính là nơi lưu trú. Buổi sáng, chị xếp gọn gàng giường, chiếu, thau giặt quần áo, cà mên đựng thức ăn, bình thủy, bó lại thật chặt rồi để dưới gầm ghế đá. Chị nói ngày nắng thì đỡ khổ hơn nhưng đụng phải ngày mưa như những ngày qua thì vất vả không kể hết. “Vì người nhà nằm ở hồi sức cấp cứu nên phải túc trực thường xuyên để y tá cần kêu gì là phải có mặt tức thì nên tôi không dám ra ngoài thuê trọ. Gần hai tháng nay sống ở hành lang bệnh viện rồi mà tôi vẫn chưa quen được vì cứ phải thấp thỏm trông chừng”. Theo những người đi nuôi bệnh lâu ngày ở bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, việc bị mất cắp lặt vặt là thường xuyên.  Chị Nguyễn Thị Hương (Tam Lãnh – Phú Ninh) nói thêm: “Chỉ mất cắp lặt vặt như thau nhựa, bình thủy, điện thoại nhưng không thể có ý kiến gì vì các y sĩ, y tá ở đây đã tạo rất nhiều điều kiện cho người đi nuôi bệnh chỗ nghỉ ngơi. Một vài lần chúng tôi cũng bị nhắc nhở do một số người bừa bãi mất mỹ quan bệnh viện nhưng vẫn được thông cảm vì cảnh sống ở hành lang bệnh viện”.
Ở phía bên ngoài khu vực bệnh viện đều có dịch vụ cho thuê nhà trọ nhưng hầu hết các nhà trọ này đều tạm bợ và rất hiếm nhà trọ ngắn hạn dành cho những người đi nuôi bệnh. Bà Trần Thị Thọ (Bắc Trà My) kể nhờ vào mối quen biết với chủ nhà trọ trước cổng bệnh viện, bà thuê được căn phòng trống với giá 600.000 đồng trong nửa tháng trước khi người thuê dài hạn đến ở. Hầu hết, những người nuôi bệnh đều cần chỗ sinh hoạt hằng ngày. Lấy ngày làm đêm ngủ bù cho những đêm trắng thức trông bệnh nhân trong bệnh viện. Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn – Giám đốc bệnh viện đa khoa phát biểu: “Tình trạng người nhà bệnh nhân phải lê la khắp các hành lang bệnh viện đã có từ xưa nay. Chưa kể một người bệnh có đến vài ba người đi nuôi. Trong sự nỗ lực từ phía bệnh viện kêu gọi ủng hộ từ các tổ chức xã hội bên ngoài, việc có một ngày lưu trú cho người nhà bệnh nhân là điều cần thiết”.
Nhà lưu trú cho người nuôi bệnh
Trăn trở trước thực tế “giường bệnh nằm ghép, hành lang kín chỗ”, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã vận động xây dựng nhà lưu trú cho người đi nuôi bệnh. Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn – Giám đốc bệnh viện tâm sự khi chưa có nguồn vốn vận động, bệnh viện vẫn quyết định “làm liều” rồi từ từ xoay xở theo kiểu cuốn chiếu. “Được chừng nào hay chừng ấy, chúng tôi đã tìm kiếm vận động kêu gọi nhiều nơi để công trình sớm được hoàn thành. Có những lúc phải dừng lại khi chưa đủ vốn, nhưng rất may có sự ủng hộ từ các nhà đầu tư, công trình nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân đã kịp hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng vào đúng ngày 27-2, kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam năm nay”.
nhanghiBN2   nhanghiBN3
Người nhà của bệnh nhân sẽ hết cảnh vật vạ nuôi bệnh ở hành lang

Công trình nhà lưu trú cho người nuôi bệnh đầu tiên ở Quảng Nam với hoạt động phi lợi nhuận được vận động trong hai năm với sự tài trợ của Công ty MTV Xổ số kiến thiết Quảng Nam. Tổng đầu tư hơn 5 tỷ đồng, nhà lưu trú bao gồm 80 giường, được ưu tiên cho các gia đình bệnh nhân nghèo. Mỗi căn phòng sạch sẽ, thoáng mát được kê nhiều giường tầng, giữ khoảng cách nhất định để đi lại và có không gian. Hai tầng nhà đều bố trí nhà vệ sinh, nhà tắm riêng biệt tiện cho việc sinh hoạt của người nhà bệnh nhân.

Ông Trần Văn Thiện, bệnh nhân đang chạy thận ở bệnh viện nói: “Cuối năm ngoái tôi đã nghe đến việc sẽ có nhà lưu trú cho người nhà đi nuôi bệnh thì mừng lắm. Lẽ ra việc này đã có từ sớm nhưng như vậy đã là mừng lắm rồi. Không chỉ quan tâm đến bệnh nhân, quan tâm đến cả người đi nuôi bệnh thì không thể không hài lòng. Nếu tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều có mô hình này thì bệnh nhân, cũng như người nhà đỡ lo lắng hơn rất nhiều”. Được biết, nhà lưu trú hoạt động phi lợi nhuận, ưu tiên cho các gia đình bệnh nhân nghèo ở xa với giá thấp nhất, tính theo tiền điện, nước và không lấy giá trọ, đảm bảo vệ sinh và đặc biệt nhu cầu về nước sạch. Bà Nguyễn Thị Bình, 78 tuổi, ở Duy Xuyên hớn hở: “Có chỗ ở khi đi nuôi bệnh, giá lại thấp, không sợ bị mất cắp đồ đạc là chúng tôi rất yên tâm. Nhưng chỉ sợ số lượng người nhiều, số lượng phòng ít nên lại chen chân, giành giật nhau”.

Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn – Giám đốc bệnh viện cho biết việc đưa vào sử dụng nhà lưu trú cho người nuôi bệnh vào dịp 27-2 hết sức có ý nghĩa, ban giám đốc bố trí người quản lý, nhân viên phục vụ, bảo vệ đêm và đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh. Bên cạnh đó có thể linh động cho những bệnh nhân không mắc bệnh truyền nhiễm được điều trị ngoại trú trong khu nhà này.

Nguồn: Xuyên Bình - QNO


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 01 Tháng 3 2013 11:23

You are here Tin tức Tin hoạt động BV Có nhà lưu trú, người nuôi bệnh hết cảnh vật vạ hành lang!