Ở phía bên kia tấm áo choàng trắng

Một cái nhìn thực tế về ngành Y

(Được dịch từ bài viết "Beyond the white coat" của Asst. Prof, Dept. of Nephrology, CMC Hospital, Vellore và thay đổi một chút văn phong để phù hợp hơn với Tiếng Việt của BS Lê Thượng Vũ .Bệnh viện Chợ Rẫy)

aochoang1

Là một người trẻ năng động, đang ngồi trên ghế một ngôi trường đại học thuộc loại uy tín bậc nhất, chắc hẳn bạn đang tự hỏi ngày hôm nay tôi sẽ mang điều gì đến để bàn luận với các bạn..

- Bạn có phải là một người biết quan tâm?
- Bạn có phải là một người giỏi lắng nghe?

- Bạn có thể đặt đôi chân của mình vào trong chiếc giày người khác, và thông cảm với họ? Bạn có thể mang sự đồng cảm đó ngày theo ngày, chứ không phải chỉ bộc phát một vài hôm?

Nếu câu trả lời là không, tôi sẽ đề nghị bạn nên suy nghĩ lại quyết định tiếp tục đọc bài viết này.Có thể, bạn là một sinh viên giỏi, bức phá trong các kỳ thi và luôn đứng trong top đầu. Thế nhưng, có bao giờ bạn tự hỏi, liệu ngành nghề này có phù hợp với cá tính và sở thích của bạn?


Hãy để tôi bắt đầu bằng việc phân tích một số lầm tưởng mà chúng ta hay gặp phải.

Lầm tưởng 1: Tất cả những gì tôi cần để trở thành một bác sĩ giỏi là bằng cấp - thật nhiều bằng cấp.

Bạn cần phải có năng lực trong lĩnh vực chuyên môn, và bằng cấp cũng là một phương tiện để đánh giá điều đó. Tuy nhiên, tất cả các bằng cấp trên thế giới không thể dạy cho bạn làm thế nào để các bệnh nhân muốn quay trở lại với bạn, một lần nữa và một lần nữa. Và điều này phụ thuộc vào con người của bạn. Công việc của bạn liên quan mật thiết đến những người bệnh. Một số có thể điều trị được, một số thì không - họ rơi vào bóng tối nơi Y học không thể với tới được - những người không có đủ kinh phí để tiếp tục điều trị, hoặc mắc bệnh nan y, hoặc muốn bạn điều trị theo cách bạn không mong muốn. Liệu bạn sẽ làm gì? Hét, tranh cãi, mắng mỏ?

Thật sự lúc đó, tất cả những gì chúng ta có thể làm được chỉ là lắng nghe - hãy lắng nghe những vấn đề đó, nắm lấy tay của bệnh nhân, và giải thích cho họ tất cả những lựa chọn mà họ sẽ gặp phải.

Vì vậy, nếu bạn đang tham vọng trở thành bác sĩ, hãy vun trồng sự quan tâm của bạn đến những người xung quanh. Mở thật to đôi mắt, lắng tai nghe thật nhiều, dành thời gian với trẻ em và người già, hiểu rõ môi trường bạn đang sống. Một bác sĩ tốt luôn bắt đầu từ thực tế, họ biết cách đối xử với tất cả - người giàu, người nghèo, người mù chữ, một cô điếm hạng 3, một bà già khó tính nhiều thành kiến, một thiếu niên khó hòa hợp...

Trong một thế giới mà thành công được đo bằng cái văn phòng của bạn lớn như thế nào, bạn có bao nhiêu tiền trong túi, kỳ nghỉ lần trước của bạn ở đâu.. thì điều này nghe có vẻ quá ngây thơ và lý tưởng hóa. Thế nhưng cứ tưởng tượng bạn là một bệnh nhân, bạn muốn một bác sĩ có thể trả lời hết mọi câu hỏi, nhưng không có thời gian cho bạn - hay một bác sĩ biết lắng nghe, giải thích nguyên nhân và cách điều trị giúp bạn, và không liếc nhìn vào đồng hồ trên chiếc Iphone đặt trên bàn 30 giây một lần.


Lầm tưởng 2: Cha mẹ tôi là những bác sĩ giỏi và thành công, nên tôi cũng sẽ như vậy.

Nếu bạn hỏi một loạt các tân sinh viên Y Khoa tại sao họ chọn ngành Y, một số khá sẽ nói rằng họ đã làm như vậy bởi vì cha mẹ của họ là bác sĩ hoặc muốn họ trở thành bác sĩ. Có thể có một bệnh viện hoặc phòng khám dự kiến sẽ dành cho họ khi tốt nghiệp, và đối với nhiều người, đây là một nước bài chắc chắn.

Bạn mang theo genes của cha mẹ bạn, không có nghĩa là bạn sẽ giỏi đúng với lĩnh vực của họ. Cho dù cha mẹ có thành công đến đâu, bạn cũng sẽ phải làm việc thật chăm chỉ để đạt được thành công của bạn. Và nếu bạn thiếu tư chất hay đam mê nghề nghiệp, bạn có thể trở thành một người không hạnh phúc, công việc làm qua loa, dẫn đến nguy cơ rất lớn đối với mạng sống bệnh nhân của bạn.

Lầm tưởng 3: Bác sĩ đảm bảo cho tôi một số dư lớn trong tài khoản ngân hàng.

Một số người theo ngành Y suy nghĩ đây là một ngành nghề dễ kiếm sống, nhưng thật ra không phải như vậy. Ngành Y không giống với bất cứ ngành nghề nào khác - đây là một nghề mà chỉ cần sai một bước thôi đều ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng bệnh nhân và tai tiếng của bạn. Nếu bạn có cả chuyên môn và tâm huyết, tiền sẽ tự động theo đuổi bạn. Nhưng nếu bạn theo đuổi tiền, và đó là mục đích duy nhất trong đầu của bạn, bạn sẽ đặt lợi ích của bệnh nhân vào nơi thật thấp bé, và đó là lúc sai lầm xảy ra.


Lầm tưởng 4: Một khi tôi trở thành một bác sĩ, tôi có thể không cần học nữa.

Mười năm trước ở Việt Nam, đứng trên bác sĩ chắc chỉ có Chúa, họ phán sao thì nghe vậy. Hôm nay, hầu hết các bệnh nhân đều đã có kiến thức về căn bệnh của mình, họ có thể tìm các triệu chứng trên Internet, liên hệ với các bác sĩ - bệnh viện họ mong muốn. Không quan trọng bạn có bao nhiêu bằng cấp, bạn đã thực tập bao nhiêu lâu, bạn không bao giờ được dừng lại việc học của mình.

Lầm tưởng 5: Một khi tôi trở thành một bác sĩ, tôi có thể có một cuộc sống sung sướng.

Tai nạn, bệnh tật xảy ra và chúng không quan tâm việc hôm nay ngày cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ. Bệnh nhân sẽ gặp bạn ngay trên đường và yêu cầu bạn phải làm gì đó với một cơn nhức đầu dai dẳng của họ. Nếu bạn là một bác sĩ phẫu thuật và đang cố gắng tận hưởng đêm giao thừa yên tĩnh, sẽ luôn có một người say rượu đâm xe vào cột điện, và một cuộc gọi khẩn cấp từ bệnh viện làm bạn bỏ lỡ cuộc vui.

Nhưng vượt qua tất cả những điều trên, nếu bạn yêu thích công việc của bạn, như hầu hết các bác sĩ, chắc chắn sẽ khó có nghề nào cao quý bằng nghề Y. Vị trí của bạn trong xã hội, sự tôn trọng và biết ơn từ các bệnh nhân, là thứ mà của cải không bao giờ mua được.

(Copyright YDS.UMP)

Khoa Nội tổng hợp (st)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 03 Tháng 12 2012 22:31