Đề phòng nhiễm trùng uốn ván từ các tổn thương trên cơ thể

Bs Đặng Ngọc Thành – khoa Cấp cứu

* Trong thời gian từ tháng 3 đến đầu tháng 5 năm 2019, khoa Cấp cứu- bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh uốn ván. Điều đặc biệt là cả hai trường hợp này đều có ngõ vào rất rõ ràng, từ những tổn thương tưởng như đơn giản mà cả người nhà và bệnh nhân đều chủ quan nên bị nhiễm bệnh.

- Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân nữ, trước đây đã được cắt cụt một ngón chân do biến chứng của bệnh đái tháo đường, vết thương không lành, bệnh nhân vẫn đi làm việc bình thường, đến một buổi sáng ngủ dậy cảm thấy há miệng khó không ăn uống được, vào viện chúng tôi khám xác định bệnh nhân đã bị uốn ván. Kiểm tra vết thương rất bẩn, hoại tử tổ chức và có nhiều dị vật.

- Trường hợp thứ hai, bệnh nhân nam, có thói quen uống rượu nhiều, cách khoảng nửa tháng bị vết thương nông ở bàn chân, không điều trị gì, vài ngày gần đây người nhà phát hiện bệnh nhân đi lại khó, co cứng tay chân, nghĩ là bị ngộ độc rượu nên đưa vào viện. Tại khoa Cấp cứu, chúng tôi phát hiện bệnh nhân có cứng hàm, cứng cơ vùng cổ, vết thương ở bàn chân bẩn, nhiều ngóc ngách. Hiện bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện với tiên lương rất nặng nề.

UVAN1

Một bệnh nhân uốn ván (hình minh họa)

Qua hai trường hợp trên, chúng tôi khuyến cáo là: Vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập vào cơ thể từ các tổn thương nhỏ và đơn giản như: vết trầy xước da do tai nạn sinh hoạt, lao động, giao thông, thể thao; giẫm phải vật nhọn, cắt móng tay, cắt tóc bị tổn thương da, váy tai… Các nhọt trên da lâu lành, các vết thương để hở nếu không biết cách chăm sóc thì đó là đường vào rất dễ dàng của vi khuẩn uốn ván.

Khi đã bị bệnh thì việc điều trị trở nên phức tạp, kéo dài thời gian nằm viện, để lại nhiều biến chứng và di chứng nặng nề, tử vong cao.

* Vì vậy, khi bị các tổn thương như trên thì những việc cần làm là:

- Với các tổn thương nông, không có chỉ định khâu vết thương: rửa sạch bằng các dung dịch như: nước muối sinh lý, nước oxy già, iod pha loãng, cồn. Sau đó tới cơ sở y tế để tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván càng sớm càng tốt. Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ và chăm sóc vết thương hàng ngày đến khi lành hẳn.

- Với các tổn thương có chỉ định khâu vết thương: Tới cơ sở y tế để được xử trí vết thương, tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván, sau đó chăm sóc và dùng thuốc như trên. Tất cả các khâu từ rửa vết thương hàng ngày đến khi cắt chỉ phải đảm bảo vô trùng.

- Với các tổn thương bị trong môi trường bẩn (ao, hồ, bùn đất, phân chuồng…) thì sơ cứu ban đầu là rửa sạch vết thương, sau đó đến bệnh viện để tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván và tùy vào tổn thương cụ thể, bác sỹ sẽ chỉ định điều trị tiếp theo.

- Với các tổn thương mạn tính: Chăm sóc tại chỗ là quan trọng: Rửa vết thương sạch sẽ, băng bằng gạc vô trùng, khi làm việc cần che vết thương tốt, không để tiếp xúc với môi trường xung quanh hoặc dị vật rơi vào nơi tổn thương. Nên đi khám chuyên khoa để dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, không để vết thương hoại tử lan rộng.

* Những việc không nên làm khi bị vết thương là:

- Đắp lá cây hoặc bất cứ thuốc gì lên vết thương: Một tổn thương ban đầu dù nhỏ nhưng sơ cứu không tốt sẽ trở nên phức tạp và kéo dài thời gian nằm viện.

- Băng kín một vết thương bẩn: Sẽ tạo môi trường yếm khí cho vi khuẩn uốn ván phát triển.

- Điều trị dở dang (không tuân thủ chế độ điều trị): Khi kê đơn thuốc bao giờ bác sỹ cũng kê đủ một liệu trình điều trị từ 5 đến 10 ngày tùy tổn thương. Nhưng có những bệnh nhân chỉ uống vài ngày hoặc thậm chí vài lần uống rồi không uống nữa. Điều này dễ gây nhiễm trùng vết thương, là yếu tố nguy cơ nhiễm vi khuẩn uốn ván.

- Chủ quan, không tiêm phòng huyết thanh kháng độc tố uốn ván: Hiện nay các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đều luôn có sẵn huyết thanh kháng độc tố uốn ván, vì vậy khi bị vết thương thì người bệnh cần tới đó để tiêm phòng càng sớm càng tốt./.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 07 Tháng 5 2019 12:13