• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Điều trị ung thư vú khi mang thai

  • PDF.

Bs Nguyễn Thị Kiều Trinh- Khoa Phụ Sản

Nếu một phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú khi mang thai, các lựa chọn điều trị sẽ phức tạp hơn vì mọi người sẽ muốn có được phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh ung thư đồng thời bảo vệ em bé. Phương pháp điều trị và thời gian điều trị sẽ được lên kế hoạch cẩn thận và phối hợp giữa nhóm chăm sóc ung thư , bác sĩ sản khoa và sơ sinh.

Mục tiêu điều trị cho phụ nữ mang thai bị ung thư vú cũng giống như điều trị cho một phụ nữ không mang thai: chữa ung thư bất cứ khi nào có thể, hoặc kiểm soát và giữ cho nó không lan rộng nếu không thể chữa khỏi. Nhưng mối quan tâm thêm việc bảo vệ thai nhi có thể làm cho điều trị trở nên phức tạp hơn.

Điều trị ung thư vú khi mang thai có an toàn?

Phụ nữ mang thai có thể điều trị ung thư vú một cách an toàn, mặc dù các loại điều trị được sử dụng và thời gian điều trị có thể bị ảnh hưởng bởi thai kỳ. Nếu đang mang thai mà mắc bệnh ung thư vú, các khuyến nghị điều trị sẽ phụ thuộc vào:

  • Kích thước của khối u
  • Vị trí khối u.
  • Nếu ung thư đã lan rộng thì lan đến đâu?
  • Tuổi thai?
  • Sức khỏe của mẹ
  • Sự lựa chọn của thai phụ

k vu thai

Phẫu thuật ung thư vú nói chung là an toàn trong khi mang thai. Hóa trị dường như an toàn cho em bé nếu được dùng trong quý II và quý III của thai kỳ, tuy nhiên không an toàn trong ba tháng đầu. Các phương pháp điều trị ung thư vú khác, như liệu pháp hormone, liệu pháp nhắm trúng đích và xạ trị, có nhiều khả năng gây hại cho em bé và thường không được đưa ra trong thai kỳ.

Lựa chọn điều trị có thể trở nên phức tạp nếu có mâu thuẫn giữa phương pháp điều trị tốt nhất cho mẹ và sự an toàn cho thai. Ví dụ, nếu một phụ nữ được phát hiện mắc ung thư vú sớm trong thai kỳ và cần hóa trị ngay lập tức, cô ấy có thể được khuyên nên suy nghĩ về việc kết thúc thai kỳ. Một cố vấn hoặc nhà tâm lý học cũng nên là một phần của nhóm chăm sóc sức khỏe để hỗ trợ về mặt tâm lý khi cần thiết.

Một số nghiên cứu trước đây cho thấy rằng kết thúc một thai kỳ để điều trị ung thư không cải thiện tiên lượng của phụ nữ. Do đó, việc kết thúc thai kỳ không được khuyến khích khi phát hiện ung thư vú. Tuy nhiên, lựa chọn này có thể được thảo luận khi xem xét tất cả các lựa chọn điều trị có sẵn, đặc biệt đối với các bệnh ung thư xâm lấn có thể cần điều trị ngay lập tức, chẳng hạn như ung thư vú thể viêm.

Phẫu thuật ung thư vú khi mang thai

Phẫu thuật để loại bỏ ung thư ở vú và các hạch bạch huyết là điều trị chính cho phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn sớm, và nói chung là an toàn trong thai kỳ.

Các lựa chọn cho phẫu thuật ung thư vú có thể bao gồm:

  • Loại bỏ toàn bộ vú (cắt bỏ vú )
  • Phẫu thuật loại bỏ phần chứa ung thư ( phẫu thuật cắt u hay bảo tồn vú (BCS)

Phẫu thuật cắt bỏ vú được sử dụng thường xuyên hơn cho phụ nữ mang thai bị ung thư vú vì hầu hết phụ nữ bị BCS đều cần xạ trị sau đó. Nếu xạ trị trong khi mang thai, có thể ảnh hưởng đến em bé, vì vậy nó không chỉ định cho đến sau khi sinh. Nhưng trì hoãn xạ trị quá lâu có thể tăng nguy cơ ung thư tái phát.

Nếu ung thư được tìm thấy trong tam cá nguyệt thứ ba, BCS có thể là một lựa chọn vì có thể ít hoặc không có sự chậm trễ trong điều trị tia xạ, đặc biệt là nếu hóa trị được lên kế hoạch sau phẫu thuật. (Tia xạ thường được đưa ra sau khi hóa trị liệu hoàn tất.) Nhưng nếu ung thư được phát hiện sớm trong thai kỳ, việc xạ trị thường sẽ bị chậm trễ. Đối với phụ nữ trong tình huống này, phẫu thuật cắt bỏ vú có thể là một lựa chọn tốt hơn BCS sau đó là xạ trị.

Kiểm tra các hạch bạch huyết để phát hiện ung thư lan tràn

Ngoài việc loại bỏ khối u ở vú, vét hạch bạch huyết ở nách cũng cần thực hiện. Sinh thiết hạch cảnh vệ có thể là một lựa chọn tùy thuộc vào thời gian mang thai và giai đoạn ung thư. Quy trình này sử dụng các chất đánh dấu phóng xạ nhẹ và thuốc nhuộm màu xanh để xác định chính xác các hạch chứa các tế bào ung thư. Tuy nhiên, một số chuyên gia khuyên sinh thiết hạch cảnh vệ chỉ nên thực hiện sau khi chấm dứt   thai kỳ do tác dụng của thuốc phóng xạ và thuốc nhuộm có thể sảnh hưởng lên thai.

Gây mê có an toàn khi mang thai không?

Phẫu thuật ung thư vú thường mang lại ít rủi ro cho em bé. Nhưng có những thời điểm nhất định trong thai kỳ khi gây mê có thể gây nguy hiểm cho em bé.

Bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê, cùng với bác sĩ sản khoa chăm sóc thai nghén nguy cơ cao, sẽ cần phải làm việc cùng nhau để quyết định thời gian tốt nhất trong thai kỳ để thực hiện phẫu thuật. Nếu phẫu thuật được thực hiện trễ hơn trong thai kỳ, bác sĩ sản khoa và sơ sinh có thể có mặt để giải quyết bất kỳ vấn đề nào liên quan đến em bé trong khi phẫu thuật. Các bác sĩ nên thảo luận loại thuốc gây mê và kỹ thuật nào là an toàn nhất cho cả bạn và em bé.

Điều trị sau phẫu thuật

Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, bạn có thể cần điều trị phối hợp hóa trị, xạ trị, liệu pháp hormone và / hoặc liệu pháp nhắm trúng đích sau phẫu thuật để giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát. Điều này được gọi là điều trị bổ trợ . Trong một số trường hợp, điều trị này chỉ định sau khi sinh.

Hóa trị

Hóa trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật (như điều trị bổ trợ) cho một số giai đoạn sớm của ung thư vú. Nó cũng có thể được sử dụng cho bệnh ung thư tiến triển.

Hóa chất không chỉ định trong 3 tháng đầu của thai kỳ vì đây là giai đoạn hình thành và phát triển của thai, nguy cơ sẩy thai. Trong nhiều năm, mọi người đã nghĩ rằng hóa trị sẽ gây hại cho thai nhi bất kể khi nào. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại thuốc hóa học được sử dụng trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba (tháng 4 đến 9 của thai kỳ) không làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, thai chết lưu hoặc các vấn đề sức khỏe ngay sau khi sinh, mặc dù chúng có thể làm tăng nguy cơ sinh non. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết liệu những đứa trẻ này có ảnh hưởng lâu dài hay không?

Nếu ung thư vú giai đoạn sớm cần hóa trị sau phẫu thuật (hóa trị bổ trợ), nó thường sẽ bị trì hoãn cho đến ít nhất là trong tam cá nguyệt thứ hai. Nếu phát hiện ung thư ở tam cá nguyệt thứ ba, hóa trị có thể bị trì hoãn cho đến sau khi sinh. Việc sinh sớm một vài tuần có thể được chỉ định trong một số trường hợp. Những kế hoạch điều trị tương tự cũng có thể sử dụng cho ung thư tiến triển.

Hóa chất thường không được khuyến cáo sau 35 tuần mang thai hoặc trong vòng 3 tuần trước sinh vì nó có thể làm giảm số lượng tế bào máu của mẹ . Điều này có thể gây chảy máu và tăng khả năng nhiễm trùng trong khi sinh. Hoãn hóa trị trong vài tuần trước khi sinh cho phép công thức máu của người mẹ trở lại bình thường trước khi sinh con.

Phương pháp điều trị thường chờ đợi cho đến sau khi sinh đẻ

Một số phương pháp điều trị ung thư vú có thể gây hại cho em bé và không an toàn khi mang thai. Nếu những phương pháp điều trị này là cần thiết, chúng thường được lên lịch sau khi em bé được sinh ra.

Xạ trị: Xạ trị thường được sử dụng sau phẫu thuật bảo tồn vú (cắt bướu) để giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát. Liều cao của bức xạ được sử dụng có thể gây hại cho em bé trong khi mang thai. Điều này có thể gây sẩy thai, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển của thai nhi hoặc nguy cơ ung thư ở trẻ em cao hơn. Vì thế, các bác sĩ không sử dụng xạ trị trong thai kỳ.

Đối với một số phụ nữ bị ung thư được phát hiện trễ trong thai kỳ, có thể cắt bỏ khối u trong khi mang thai và sau đó đợi đến khi em bé được sinh ra để được xạ trị. Nhưng phương pháp điều trị này chưa được nghiên cứu kỹ. Trì hoãn xạ trị quá lâu có thể làm tăng nguy cơ ung thư tái phát.

Liệu pháp hormon: Liệu pháp hormon thường được sử dụng như một liệu pháp bổ trợ sau phẫu thuật hoặc điều trị ung thư vú tiến triển ở ung thư vú dương tính với thụ thể hoóc môn (ER dương tính hoặc PR dương tính). Nội tiết tố được sử dụng cho ung thư vú bao gồm tamoxifen, anastrozole, letrozole và exemestane. Không nên sử dụng liệu pháp hormon trong thai kỳ vì nó có thể ảnh hưởng đến em bé. Nó được trì hoãn cho đến sau khi người phụ nữ đã sinh con.

Liệu pháp nhắm trúng đích: Thuốc nhắm vào HER2, như trastuzumab (Herceptin), pertuzumab (Perjeta), ado-trastuzumab emtansine (Kadcyla) và lapatinib (Tykerb), là một phần quan trọng trong điều trị HER2 dương tính. Ở những phụ nữ không mang thai, trastuzumab được sử dụng như một phần của điều trị bổ trợ sau phẫu thuật, pertuzumab có thể được sử dụng với trastuzumab trước khi phẫu thuật và tất cả các loại thuốc này có thể hữu ích trong điều trị ung thư tiến triển. Nhưng dựa trên các nghiên cứu trên động vật và báo cáo về những phụ nữ được điều trị trong thai kỳ, không có loại thuốc nào trong số này được coi là an toàn cho em bé nếu dùng trong khi mang thai.

Everolimus (Afinitor) và palbociclib (Ibrance) cũng là những thuốc được nhắm trúng đích có thể được sử dụng cùng với liệu pháp hormone để điều trị ung thư vú tiến triển. Một lần nữa, những loại thuốc này không được cho là an toàn để sử dụng trong thai kỳ.

Có thể cho con bú trong khi điều trị ung thư?

Hầu hết các bác sĩ khuyên rằng những phụ nữ vừa mới sinh con và sắp được điều trị ung thư vú nên ngừng (hoặc không bắt đầu) cho con bú.

Nếu lên kế hoạch phẫu thuật ung thư vú, ngừng cho con bú sẽ giúp giảm lưu lượng máu đến vú và làm cho chúng nhỏ hơn. Nó cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng ở vú và có thể tránh tiết sữa ở vùng phẫu thuật và sinh thiết.

Nhiều loại thuốc hóa học, hormone và thuốc trị liệu nhắm trúng đích có thể vào sữa mẹ và truyền cho em bé. Không khuyến khích cho con bú nếu đang dùng hóa trị, hormone hoặc liệu pháp nhắm trúng đich.

Nếu muốn biết khi nào có thể bắt đầu cho con bú an toàn, cần tư vấn với nhóm chăm sóc sức khỏe . Nếu có kế hoạch bắt đầu cho con bú sau khi ngưng sử dụng thuốc, hãy lên kế hoạch trước. Các chuyên gia cho con bú có thể cung cấp và trợ giúp nếu bạn cần.

Mang thai có ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót cho bệnh ung thư vú?

Mang thai có thể làm cho việc chẩn đoán và điều trị ung thư vú khó khăn hơn. Hầu hết các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng kết quả ở phụ nữ mang thai và không mang thai bị ung thư vú là giống nhau đối với các bệnh ung thư được tìm thấy ở cùng giai đoạn, nhưng không phải ai cũng đồng ý ý kiến này.

Một số bác sĩ tin rằng việc kết thúc thai kỳ có thể giúp làm chậm quá trình ung thư vú tiến triển. Kết thúc thai kỳ giúp việc điều trị đơn giản hơn, nhưng các nghiên cứu cũng cho thấy việc kết thúc thai kỳ không giúp cải thiện khả năng sống sót hay ung thư của phụ nữ. Thật khó để biết liệu kết quả có khác với các phương pháp điều trị hiện đại hơn không. Các nghiên cứu không chỉ ra rằng sự chậm trễ điều trị đôi khi cần thiết trong thai kỳ có ảnh hưởng đến kết quả ung thư vú. Cuối cùng, không có báo cáo nào cho thấy chính ung thư vú có thể gây hại cho em bé.

(Dịch từ https://www.cancer.org/cancer/breast-cancer/treatment/treating-breast-cancer-during-pregnancy.html)

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 06 Tháng 8 2019 14:03

You are here Đào tạo Đào tạo ngành y tế Điều trị ung thư vú khi mang thai