• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Thiếu máu cục bộ cơ tim im lặng ở bệnh nhân đái tháo đường

  • PDF.

Bs Trần Thị Thảo - Khoa Nội Thận Nội Tiết

1. Giới thiệu

Bệnh động mạch vành thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) và cũng là nguyên nhân chính gây tử vong ở những bệnh nhân này [4]. Tuy nhiên thiếu máu cục bộ cơ tim (TMCBCT) do tổn thương động mạch vành không phải luôn luôn có triệu chứng [7]. Trong số bệnh nhân ĐTĐ không có triệu chứng, tỷ lệ kiểm tra tim bất thường trên SPECT scan chiếm tỷ lệ cao (dao động từ 10% đến 62) [4].

Thiếu máu cục bộ cơ tim im lặng được định nghĩa là TMCBCT có bằng chứng khách quan (thay đổi đoạn ST nhất thời, giảm tưới máu cơ tim, vận động bất thường thành cơ tim) nhưng không có triệu chứng lâm sàng [8].

thieumaucotim1

2. Tình hình thiếu máu cục bộ cơ tim ở bệnh nhân đái tháo đường

Trong nghiên cứu của Nguyễn Tá Đông trên 113 bệnh nhân ĐTĐ thể 2 năm 2008 bằng Holter điện tim 24 giờ, tỷ lệ TMCBCT im lặng chiếm tỷ lệ 36,4% [1].

Trong nghiên cứu của Burgess và cộng sự (cs) năm 2010 trên bệnh nhân ĐTĐ thể 2, nhồi máu cơ tim im lặng chiếm 38,9% tổng số ca nhồi máu (gặp nhiều ở nam giới, lớn tuổi, ĐTĐ lâu năm, bệnh tim mạch trước đó, HbA1c cao, creatinin huyết thanh cao) [5].

Trong nghiên cứu của Davis và cs năm 2013 trên 5102 bệnh nhân ĐTĐ thể 2 mới được chẩn đoán, có 326 bệnh nhân (chiếm 16,6%) có bằng chứng điện tim là nhồi máu cơ tim im lặng (gặp nhiều ở bệnh nhân lớn tuổi, lối sống ít vận động…) [6].

3. Đối tượng sàng lọc và các xét nghiệm cận lâm sàng

Thiếu máu cục bộ cơ tim do tổn thương động mạch vành không phải luôn luôn có triệu chứng, cần phải xem xét lợi ích của việc sàng lọc TMCBCT im lặng ở những bệnh nhân ĐTĐ. Sàng lọc tất cả các bệnh nhân ĐTĐ không được khuyến cáo. Cần thực hiện ở những bệnh nhân có nhiều hơn một yếu tố nguy cơ tim mạch (rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, hút thuốc lá, tiền sử gia đình, microalbumin niệu) ngoài ĐTĐ, cũng như những bệnh nhân có bệnh mạch máu lớn.

Một số xét nghiệm như:  điện tim gắng sức, microalbumin niệu và nồng độ CRP cao…  có nhiều khả năng ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định điều trị [7].

Đánh giá microalbumin niệu nên là một trong các bước phân tầng nguy cơ đầu tiên cho bệnh động mạch vành ở bệnh nhân ĐTĐ thể 2 [9].

Mức microalbumin niệu và CRP cao hữu ích trong việc trợ giúp quá trình phân tầng nguy cơ [7].

Theo nghiên cứu của Võ Thị Hà Hoa năm 2008, khi so sánh giá trị của điện tim gắng sức trong chẩn đoán TMCBCT với kết quả chụp động mạch vành chọn lọc ở nhóm bệnh nhân ĐTĐ, thì điện tim gắng sức có độ nhậy là 91,7% và độ đặc hiệu là 76,5% [2].

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Nguyễn Tá Đông, Holter điện tim 24 giờ phát hiện tỷ lệ tương đối cao các biến chứng tim, phân tầng nguy cơ tim mạch để có hướng tiên lượng và điều trị tốt cho bệnh nhân ĐTĐ thể 2 [1].

4. Điều trị

Ở bệnh nhân ĐTĐ bị thiếu máu cục bộ cơ tim im lặng, các phương pháp điều trị  là: kiểm soát tích cực các yếu tố nguy cơ, kiểm soát đường huyết và điều trị aspirin; sử dụng các thuốc chẹn bêta và thuốc ức chế men chuyển nếu không có chống chỉ định; sau đó chụp mạch vành và can thiệp nếu có thể [4].

Fenofibrate giảm 19% số trường hợp nhồi máu cơ tim (lâm sàng hoặc im lặng) (P = 0,006); trong số những người có nhồi máu cơ tim im lặng, fenofibrate giảm 78% biến cố tim mạch tiếp theo[5].

thieumaucotim2

Điều trị lâu dài các yếu tố nguy cơ ở những bệnh nhân ĐTĐ thể 2 sẽ làm giảm tỷ lệ thiếu máu cục bộ cơ tim im lặng và bệnh động mạch vành. Điều trị nội khoa tối ưu và tái thông mạch vành có ý nghĩa làm tỷ lệ biến cố tim mạch ở mức thấp trong hai năm [3].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Tá Đông (2008), Nghiên cứu rối loạn nhịp tim và thiếu máu cơ tim im lặng ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 bằng holter điện tim 24 giờ, Luận án tiến sĩ y học, Trường Đại học Y Dược Huế.
  2. Võ Thị Hà Hoa (2008), Nghiên cứu thiếu máu cục bộ cơ tim qua điện tim gắng sức ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2, Luận án tiến sĩ y học, Trường Đại học Y Dược Huế.
  3. Barthelemy O, Jacqueminet S & cs (2008), Intensive cardiovascular risk factors therapy and prevalence of silent myocardial ischaemia in patients with type 2 diabetes, Arch Cardiovasc Dis, 101(9), pp. 539 - 46.
  4. Bravo PE, Psaty BM & cs (2015), Identification of coronary heart disease in asymptomatic individuals with diabetes mellitus: to screen or not to screen, Colomb Med (Cali), 46(1), pp. 41 – 46.
  5. Burgess DC, Hunt D & cs (2010), Incidence and predictors of silent myocardial infarction in type 2 diabetes and the effect of fenofibrate: an analysis from the Fenofibrate Intervention and Event Lowering in Diabetes (FIELD) study, European Heart Journal, 31(1), pp. 92 - 9.
  6. Davis TM, Coleman RL & cs (2013), Prognostic significance of silent myocardial infarction in newly diagnosed type 2 diabetes mellitus: United Kingdom Prospective Diabetes Study (UKPDS) 79, Circulation, 127(9), pp. 980 – 7.
  7. Doubell AF (2002), Managing the asymptomatic diabetic patient with silent myocardial ischaemia, Cardiovascular Journal of South Africa, 13(4), pp. 189 – 93.
  8. Drama MS, Thabit H (2013), A silent myocardial infarction in the diabetes outpatient clinic: case report and review of the literature, Endocrinol Diabetes Metab Case Report, 2013:130058.
  9. Giovacchini G, Cappagli M (2013) & cs (2013), Microalbuminuria predicts silent myocardial ischaemia in type 2 diabetes patients, European Journal of Nuclear Medicine and Molecular Imaging, 40(4), pp. 548 – 57.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 09 Tháng 7 2015 20:21

You are here Đào tạo Tập san Y học Thiếu máu cục bộ cơ tim im lặng ở bệnh nhân đái tháo đường