• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vì sự an toàn của người bệnh

  • PDF.

Ds Nguyễn Thị Mai - Khoa KSNK

Bệnh viện là nơi tập trung người bệnh để điều trị, nơi các thầy thuốc đưa ra các chẩn đoán, các quyết định về công tác điều trị, nơi diễn ra các phẫu thuật, thủ thuật xâm lấn, nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực về công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý. Vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh và trong nhiều trường hợp vượt ra khỏi tầm kiểm soát.   

Theo các nhà nghiên cứu y học, lĩnh vực y khoa là lĩnh vực có nhiều rủi ro nhất đối với khách hàng. Khi vào một cơ sở y tế để khám bệnh cái vốn quý nhất của người bệnh là sức khỏe được ủy thác cho các thầy thuốc, đổi lại người bệnh luôn mong đợi và kỳ vọng được chăm sóc và điều trị một cách an toàn và có chất lượng. Do vậy, bảo đảm an toàn cho người bệnh là trách nhiệm của mọi cơ sở y tế và cũng là sứ mệnh của mọi thầy thuốc, mọi nhân viên y tế. An toàn người bệnh là một chương trình có sự khởi đầu mà không bao giờ kết thúc, bởi vì nguy cơ của các sự cố y khoa luôn thường trực và có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

ruatay1

Theo Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp Hội an toàn người bệnh toàn cầu đã kiến nghị về 6 nhóm nguyên nhân cơ bản đe dọa sự an toàn người bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh đó là:

  1. sự cố do nhầm lẫn tên người bệnh,
  2. sự cố do nhầm thuốc
  3. sự cố liên quan đến phẫu thuật
  4. sự cố do nhiễm khuẩn bệnh viện
  5. sự cố do người bệnh bị ngã
  6. sự cố do nhân viên y tế bàn giao bệnh nhân không đầy đủ thông tin.

Trong những nguyên nhân kể trên, nhóm nguyên nhân hàng đầu đe doạ sự an toàn người bệnh là nhiễm khuẩn bệnh viện. Vì vậy, giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh, trong đó tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn được đưa lên hàng đầu trong chương trình nâng cao chất lượng và an toàn người bệnh.

Theo WHO có 4 dạng nhiễm khuẩn bệnh viện chính, đều liên quan đến thủ thuật xâm lấn hoặc phẫu thuật là nhiễm trùng đường tiết niệu do đặt ống thông (catheter-associated urinary tract infection); viêm phổi liên quan đến thở máy (ventilator-associated pneumonia); nhiễm trùng vết mổ (surgical site infection); nhiễm trùng máu liên quan đến ống thông (catheter related bloodstream infection). Đường lây nhiễm chính là lây qua tiếp xúc bao gồm lây nhiễm trực tiếp và lây nhiễm gián tiếp (direct transmission and indirect transmission); nhiễm trùng qua các giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi (droplet transmission); nhiễm trùng lây truyền qua không khí (airborne transmission); nguồn lây nhiễm thông thường (common vehicle transmission); lây truyền qua vector (vector borne transmission);

Tác nhân gây bệnh (mầm bệnh)

Theo WHO mọi vi sinh vật như virut, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm... đều có thể gây nhiễm khuẩn bệnh viện. Tuy nhiên, vi khuẩn là căn nguyên phổ biến nhất và thường đã kháng kháng sinh hoặc ít nhất cũng có mức độ kháng cao hơn ở cộng đồng.

Vi khuẩn

Là tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện quan trọng nhất bao gồm một số loại vi khuẩn chủ yếu là:

  • Cầu khuẩn gram (+): tụ cầu, liên cầu... hầu hết đã kháng nhiều loại kháng sinh như Penicilline, gần đây phát hiện đã kháng Methiciline.
  • Trực khuẩn gram (+): Bacillus, Clostridium perfringens (hoại thư sinh hơi) ... gây bệnh ở mắt, mô mềm, phổi, vết thương...
  • Vi khuẩn gram (-): Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh), E. coli, Salmonella, Shigella, Klebsiella, Proteus, Enterobacter... thường gây bệnh nặng, khó điều trị do đã kháng các kháng sinh thông dụng.

Virut

  • Virut lây truyền qua đường tiêu hóa: Polyovirus, Hepatitis A và E, Echovirus, Coxsackie A và B, Adenovirus, Rotavirus, Coronavirus…
  • Virut lây truyền qua đường hô hấp: sởi, quai bị, cúm, á cúm, Adenovirus, Coronavirus...
  • Virut lây truyền qua đường máu chủ yếu là HIV, viêm gan B, C...

Tác nhân khác

Ngoài ra, nhiễm khuẩn bệnh viện còn do một số tác nhân khác ít gặp hơn như nấm, ký sinh trùng, đơn bào như là nấm Candida spp, Aspergillus (thường gặp ở khoa hồi sức cấp cứu), hoặc một số ký sinh trùng như Pneumocystic carinii, Toxoplasma gondii, Cryptosporidium...

Một số biện pháp tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn  nhằm hạnchế nhiễm khuẩn bệnh viện đó là:

Vệ sinh tay

WHO khuyến cáo rửa tay là biện pháp rẻ tiền và hiệu quả nhất đề phòng NKBV vì cho rằng tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virut, ký sinh trùng, nấm...) từ bệnh nhân, môi trường y tế (dụng cụ, không khí, nước...) có thể lan truyền qua bàn tay từ nhân viên y tế đến bệnh nhân và ngược lại. Từ đó vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn là biện pháp quan trọng nhất để phòng chống NKBV.

Vô khuẩn

Kỹ thuật vô khuẩn với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi... cần được tuân thủ nghiêm ngặt khi thực hiện các thủ thuật xâm nhập, phẫu thuật, chăm sóc vết thương như tại vùng da bệnh nhân dự kiến phẫu thuật: sát khuẩn bằng hóa chất; dùng kéo cắt bỏ lông, tóc (nếu có), không nên dùng dao cạo vì gây tổn thương vi thể có thể dẫn tới nhiễm khuẩn. Các dụng cụ, đồ dùng trong bệnh viện (quần áo, giường tủ...) và chất thải của người bệnh cần được vệ sinh, khử khuẩn bằng các biện pháp thích hợp, đối với các dụng cụ y tế dùng lại phải bảo đảm xử lý vệ sinh theo đúng các quy định của Bộ Y tế.

Cách ly bệnh nhân

Tổ chức thực hiện các biện pháp cách ly phòng ngừa như: phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa bổ sung (dựa theo đường lây truyền bệnh); tổ chức thực hiện các hướng dẫn và kiểm tra các biện pháp thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn theo tác nhân, cơ quan và bộ phận bị nhiễm khuẩn. Một số trường hợp cần thiết có thể tiến hành cách ly nhằm ngăn ngừa sự lây lan từ bệnh nhân sang bệnh nhân, nhân viên y tế, người nhà, khách thăm... Tuy nhiên, việc tổ chức cách ly phải linh hoạt và tùy thuộc từng bệnh cụ thể và hoàn cảnh của bệnh viện. Bệnh lây qua đường tiêu hóa như tả, viêm gan A, viêm dạ dày - ruột...: mang găng và vệ sinh bàn tay tốt, bệnh nhân nên dùng riêng dụng cụ ăn uống... Bệnh lây qua đường hô hấp như lao, cúm, quai bị...: luôn mang khẩu trang, rửa tay, thông thoáng không khí, hạn chế khách thăm... Một số bệnh nguy hiểm như SARS cần cách ly nghiêm ngặt (phòng điều trị riêng, máy điều hòa, lọc khí riêng, cấm khách thăm, mang khẩu trang hoặc mặt nạ hô hấp, vô khuẩn tốt dụng cụ, đồ dùng của người bệnh...). Bệnh lây qua đường máu, da và niêm mạc như HIV, viêm gan B, C...: mang găng, vô khuẩn dụng cụ tốt, xử lý tốt chất thải là máu, dịch cơ thể.

Chính sách

Xây dựng chính sách quốc gia về tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; ban hành các quy định, hướng dẫn thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, và xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn để đưa vào nội dung kiểm tra bệnh viện hằng năm và đánh giá chất lượng bệnh viện.

Thường xuyên tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn cho các thầy thuốc, nhân viên bao gồm các thực hành về phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa vào đường lây, các hướng dẫn thực hành phòng ngừa nhiễm khuẩn theo cơ quan, vị trí;

Giám sát 

Thường xuyên giám sát và điều tra để có cơ sở dữ liệu về nhiễm khuẩn bệnh viện, tác nhân gây bệnh, vi khuẩn kháng thuốc... Giám sát NKBV là một trong những yếu tố quan trọng để cải thiện tình hình NKBV. 

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 14 Tháng 9 2016 14:44

You are here Tin tức Y học thường thức Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vì sự an toàn của người bệnh