CN Nguyễn Thị Huyền Ngân - Khoa Hóa sinh
Tổng quan
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện nay công tác khám chữa bệnh không chỉ đơn thuần dựa vào bệnh sử và triệu chứng lâm sàng mà còn dựa vào các kết quả cận lâm sàng của bệnh nhân. Các chỉ số của các xét nghiệm cận lâm sàng có một ảnh hưởng lớn tới xác định chính xác căn nguyên bệnh, cũng như áp dụng quy trình điều trị hợp lý cho người bệnh. Để đảm bảo chất lượng xét nghiệm, nâng cao hiệu quả và chất lượng trong khám, chữa bệnh, cần phải tiến hành công tác kiểm tra chất lượng xét nghiệm (KTCLXN), để kết quả xét nghiệm phải chính xác gần với trị số thực của nó. Vì vậy việc kiểm tra chất lượng xét nghiệm là một trong những phương pháp nhằm đảm bảo kết quả xét nghiệm đáng tin cậy.
Công tác này bao gồm kiểm tra về trang thiết bị phòng xét nghiệm, tổ chức và quản lý phòng xét nghiệm, chất lượng thực hành chuyên môn của cán bộ xét nghiệm. Đảm bảo chất lượng (ĐBCL) nhằm cung cấp những kết quả xét nghiệm có hiệu quả tối đa cho sức khỏe người bệnh và cộng đồng. Việc ĐBCL bao gồm công tác nội kiểm tra lẫn ngoại kiểm tra.