• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ

  • PDF.

Những chú ý khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại nhà

Trước hết phải cho bệnh nhân nằm ở phòng thoáng mát, đủ ánh sáng, tránh ẩm ướt và tối. Giường nằm không nên kê sát tường, nên có khoảng trống xung quanh để tiện cho việc lăn trở bệnh nhân.

Chăm sóc dinh dưỡng: Ở nhà ít có điều kiện để truyền dịch (đường, đạm) cho bệnh nhân nên vấn đề nuôi dưỡng rất quan trọng. Với những bệnh nhân không tự ăn được mà phải đặt sonde dạ dày, người chăm sóc phải biết cách cho ăn qua sonde. Nuôi dưỡng bảo đảm 1.800-2.000 Kcal/ngày tương đương với 3-4 bữa/ngày, mỗi bữa bơm 500ml. Thành phần ăn thường có khoai tây, cháo đặc, thịt nạc, giá, rau ngót hoặc rau cải cắt xay nhỏ nấu thành súp cho bệnh nhân, có thể cho thêm 1-2 thìa dầu thực vật vào súp. Sau một thời gian có thể cho bệnh nhân tập ăn qua đường miệng và rút dần sonde.

Với những bệnh nhân không đặt sonde dạ dày, ăn bằng đường miệng thì nên chọn những thức ăn hợp khẩu vị với người bệnh. Chú ý cho người bệnh ăn từ từ, tránh ép bệnh nhân vì có thể gây nghẹn, sặc rất nguy hiểm. Những bệnh nhân có thêm bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu thì phải ăn theo chế độ quy định.

Chăm sóc chống loét: Những bệnh nhân đột quỵ thường phải nằm lâu, nhất là những bệnh nhân hôn mê, thì biến chứng rất thường gặp là loét. Thường gặp loét ở những chỗ bị tỳ đè nhiều như vùng cùng cụt, hai gót chân, hai bả vai. Để không có loét thì biện pháp chủ yếu là dự phòng loét vì khi đã có loét thì việc điều trị sẽ phức tạp, khó khăn, thậm chí bệnh nhân có thể tử vong do nhiễm khuẩn huyết hoặc quá suy kiệt.

Để dự phòng loét có một số biện pháp như: Cho bệnh nhân nằm trên đệm hơi hoặc đệm nước; lăn trở thay đổi điểm tỳ cho bệnh nhân: cứ 2 giờ trở mình cho bệnh nhân 1 lần (từ nằm ngửa sang nằm nghiêng phải hoặc trái). Hằng ngày xoa bóp nhẹ nhàng những vùng bị tỳ đè nhiều, tuy nhiên không nên xoa bóp mạnh gây trợt da. Vận động thụ động bên liệt để tránh co cứng cơ và giúp lưu thông tuần hoàn.

Giữ gìn vệ sinh các vùng da bị tỳ đè nhiều: Hằng ngày 1-2 lần lau bằng khăn mềm, ấm, sau đó lau khô bằng khăn mềm sạch, nhất là sau khi đi đại, tiểu tiện. Khi lau tránh làm xây xát da, không nên bôi mỡ hay rắc bột kháng sinh vì gây hạn chế hô hấp của da và gây ẩm càng dễ loét. Hằng ngày phải kiểm tra phát hiện sớm các dấu hiệu chớm loét như ngứa, đau, thay đổi màu da như đỏ, tím để kịp thời điều trị. Khi phát hiện ra các dấu hiệu chớm loét thì phải kê gối, đệm mềm tại các nơi đó để tránh bị tỳ đè thêm, hoặc có thể dùng thuốc xịt sanyren để tránh loét.

Nếu đã có loét thì việc chăm sóc như sau: Thời gian đầu vết loét chưa lan rộng chưa sâu, có thể là vết trợt da thì hằng ngày 1-2 lần rửa bằng nước muối sinh lý và nước oxy già, dùng gạc tiệt khuẩn thấm khô, sau đó có thể bôi xanhmethylen rồi dùng gạc vô khuẩn đắp lại. Tốt hơn có thể chiếu đèn tử ngoại vào vết loét. Nếu vết loét sâu, rộng và có tổ chức hoại tử thì trước hết phải cắt lọc hết tổ chức hoại tử, sau đó đắp gạc có NaCl 10% và thuốc tím, 1 ngày thay 1 lần. Hoặc có thể dùng miếng băng urgosorb. Miếng băng này có tác dụng hút các tổ chức bẩn và hoại tử.

Khi vết loét có dấu hiệu hồi phục, vết loét nông dần, lên các tổ chức hạt thì có thể bôi thêm cao sinh cơ.

Chăm sóc các biến chứng về hô hấp và tiết niệu: Ngoài biến chứng loét thì ở những bệnh nhân sau đột qụy thường có những bệnh lý về đường hô hấp do nằm lâu và ít vận động như viêm phổi, tắc nghẽn đường thở do ứ đọng đờm rãi. Cho bệnh nhân ngồi dậy, vỗ rung vùng lưng hằng ngày để bệnh nhân dễ khạc được đờm rãi. Nhiều bệnh nhân nặng hôn mê không có phản xạ khạc thì phải có máy hút đờm tại nhà, có thể sử dụng khí dung 2 lần/ngày. Dung dịch làm khí dung bao gồm 4ml berodual, một ống gentamycin và một ống a chymotripsin.

Bên cạnh bội nhiễm phổi thì nhiễm khuẩn đường tiết niệu cũng rất hay gặp ở những bệnh nhân sau đột quỵ. Những bệnh nhân này thường đại tiểu tiện không tự chủ, phải đặt capốt hoặc sonde tiểu và phải thụt tháo vì có táo bón. Vì vậy, hằng ngày phải lau rửa vùng sinh dục tiết niệu, giữ khô ráo nhất là sau khi đi vệ sinh. Những bệnh nhân đặt sonde tiểu thì rửa bàng quang hằng ngày. Chế độ ăn cần nhiều rau xanh, chất xơ, uống đủ nước và xoa bóp bụng để tránh táo bón. Nếu bệnh nhân có táo bón thì phải thụt tháo cách ngày.

Nhìn chung những bệnh nhân đột quỵ khi qua giai đoạn cấp thì vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng, vận động phục hồi chức năng cho bệnh nhân rất quan trọng, giúp bệnh nhân sớm hồi phục và sớm hòa nhập với cuộc sống.

Khoa hồi sức cấp cứu

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 01 Tháng 6 2012 14:58

You are here Tư vấn Tư vấn sức khỏe Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ