• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Ảnh hưởng của thiết bị tiêm truyền lên độ ổn định của thuốc

  • PDF.

Ds Nguyễn Thị Mai

Khi xem xét các yếu tố ảnh hưởng lên độ ổn định và tương hợp của thuốc, thì chắc chắn một trong những yếu tố đó là kỹ thuật tiêm truyền, nó ảnh hưởng trên cả bản chất cũng như mức độ phân rã của thuốc. Ngược lại độ ổn định và tương hợp của thuốc cũng ảnh hưởng lên việc lựa chọn kỹ thuật tiêm truyền.

Những năm gần đây, thuốc tiêm truyền thường được dùng với thể tích lớn. Một vài thuốc được xem là thành phần không thể thiếu trong dung dịch tiêm truyền chuẩn, đặc biệt là dịch truyền dinh dưỡng với rất nhiều thành phần. Khoảng phải đến hàng triệu loại dịch truyền dinh dưỡng nếu ta hoán vị các thành phần thường có trong các dịch tuyền này với nhau để tạo ra một chế phẩm mới, đó là không kể đến sự khác biệt về nồng độ. Bên cạnh đó do thời gian tiếp xúc lâu dài với ánh sáng và nhiệt độ môi trường nên nguy cơ bất ổn định và tương kỵ thuốc là rất cao.

tiem1

Một phương pháp đưa thuốc vào cơ thể  phổ phiến khác là ống tiêm, có thể là tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, hay tiêm dưới da. Thông thường những thuốc được dùng theo phương pháp này đều ở nồng độ đậm đặc hơn nhiều so với trong dung dịch tiêm truyền. Vì vậy khi có hơn một thành phần thuốc trong ống tiêm thì khả năng tương kỵ tăng lên đáng kể. Gần đây vấn đề thương kỵ thuốc xảy ra trong ống tiêm được quan tâm nhiều hơn, các khuyến cáo khi tiêm hỗn hợp thuốc trong cùng một bơm tiêm thì thao tác càng nhanh càng tốt, để hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc giữa các thuốc, thường là không quá vài phút. Với các thuốc có nồng độ cao, đòi hỏi tiêm chậm, liên tục trong nhiều ngày, khi đó thời gian tiếp xúc giữa các thành phần trong hỗn hợp thuốc tăng lên, đồng nghĩa với nguy cơ tương kỵ cũng tăng.

Để tránh rủi ro trên, dây tiêm truyền chữ Y được đưa vào sử dụng, cho phép tiêm đồng thời các thuốc không thể kết hợp với nhau trong cùng một dung dịch. Khi dùng dây truyền chữ Y thời gian tiếp xúc giữa các thành phần trong dung dịch thuốc ngắn hơn, thường là dưới 15 phút. Chỉ một số ít trường hợp không thể dùng dây truyền chữ Y là khi hỗn hợp thuốc quá kém ổn định về mặt hóa học.

Nhiệt độ cũng có thể là một yếu tố quan trọng đối với độ ổn định của thuốc cũng như khả năng đưa thuốc vào cơ thể trong thực tiễn điều trị. Do vậy khuyến cáo nên bảo quản  thuốc trong tủ lạnh hoặc tủ đông - 20ºC, rồi ngay trước khi điều trị thuốc được làm ấm đến nhiệt độ phòng (trong khoảng 20ºC đến 25ºC). Tuy vậy vẫn có những thuốc được sử dụng ở nhiệt độ môi trường như trường hợp truyền dịch liên tục hoặc gián đoạn có hỗ trợ trọng lực cố định hay hệ thống bơm. Với bơm di động cầm tay, có thể mang theo bên cạnh bệnh nhân, nhiệt độ của dung dịch thuốc khuyến cáo trong khoảng 30ºC đến 32ºC. Với bơm ngắn cố định thì nhiệt độ dung dịch thuốc khoảng 37ºC. Cần phải khảo sát độ ổn định của từng thành phần trong hỗn hợp thuốc ở các nhiệt độ khác nhau để đảm bảo cung cấp đủ lượng thuốc trong điều trị.

Một số giải pháp hạn chế tương kỵ trong sử dụng thuốc

1) Sử dụng thuốc ngay sau khi pha trộn để đảm bảo sản phẩm được ổn định nhất, vì sự giáng cấp của nhiều loại thuốc có liên quan đến thời gian, nếu hỗn hợp mới chuẩn bị không thể sử dụng ngay lập tức cần phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh.

2) Giảm thiểu số lượng thuốc pha trộn trong dung dịch. Khi số lượng các chất đưa vào tăng, khả năng không tương thích sẽ tăng. Khi số lượng thuốc pha trộn trong dung dịch nhiều hơn hai loại thuốc, rất khó để tìm thấy thông tin đầy đủ về tính tương thích.

3) Kiểm tra các tài liệu tham khảo về tương kỵ thuốc một cách thận trọng, nếu một trong các loại thuốc có dộ pH rất cao hoặc rất thấp, vì hầu hết các thuốc có tính acid sự kết hợp của các thuốc đó với một loại thuốc có pH cao, chẳng hạn như natri bicarbonat hoặc aminophyllin, có nhiều khả năng đưa đến một sự tương kỵ.

4) Kiểm tra các tài liệu tham khảo về tương kỵ thuốc một cách thận trọng, khi một chất thêm vào là một loại thuốc có chứa calci, magne, phosphate, bởi vì các chất này gây kết tủa nhiều loại thuốc và giữa chúng với nhau.

5) Kiểm tra các tài liệu tham khảo về tương kỵ thuốc một cách thận trọng, nếu một trong các loại thuốc hoặc dung dịch tiêm truyền có chứa một muối acetat hoặc lactat (các chất này có khả năng là một chất đệm)

6) Tuân thủ theo qui định về điều kiện bảo quản thuốc

7) Tham khảo sự tương hợp và tương kỵ khi pha trộn một số thuốc thường gặp trong điều trị.

Sự tương kỵ của thuốc là một vấn đề quan trọng cần xem xét để đảm bảo thuốc được đưa vào cơ thể người bệnh một lượng đủ, phù hợp với phát đồ điều trị. Bản chất và mức độ của vấn đề này là kết quả tương tác lẫn nhau giữa nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố nội tại thuộc về phần tử thuốc, và có những yếu tố thuộc về môi trường xung quanh. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo được việc điều trị an toàn và hiệu quả cho người bệnh trong đó giải pháp tối ưu nhất là cân bằng giữa lợi ích điều trị và nguy cơ xảy ra tương kỵ, đồng thời phải luôn theo dõi tình trạng của người bệnh trong quá trình điều trị.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Y Tế, Tài liệu tập huấn – Sử dụng thuốc hợp lý trong điều trị
  2. Hoàng Thị Kim Huyền (2010), Chăm sóc dược - Nhà xuất bản y học.
  3. Dược lâm sàng, Những nguyên lý cơ bản và sử dụng thuốc trong điều trị - Nhà xuất bản y học (2014)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 19 Tháng 3 2015 12:34

You are here Tin tức Thông tin thuốc Ảnh hưởng của thiết bị tiêm truyền lên độ ổn định của thuốc