• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Đọc báo mạng dưới lăng kính X quang

  • PDF.

PHẦN I.

Trực X quang dạo này vất vả, chẳng đêm nào ngủ được. Đêm ít cũng dăm bảy lần lúc gọi CT, lúc gọi X quang. Thường thì cũng không dưới mươi lần, những đêm có lễ lạc hội hè thì thôi thức trắng.

Cái thức của một nhân viên trực bệnh viện không phải là để thưởng thức không khí lễ lạc hội hè (dù là qua truyền hình trực tiếp) mà là để giải quyết cái hậu của lễ lạc hội hè. Không ít người quá chén tự gây tai nạn cho mình, hoặc gây tai nạn cho người được đưa vào viện thâu đêm, mà đã là tai nạn giao thông thì hiếm khi tránh được cửa phòng Quang tuyến X.

Cánh X quang chúng tôi vốn toàn đấng mày râu (phụ nữ có chăng thì là những hoa khôi quý hiếm), lại được “ăn tia” lâu ngày nên thức đêm cũng khá, bản lĩnh nghề nghiệp cũng tăng dần theo “liều hiệu dụng”, vậy mà nhiều đêm cũng cảm thấy rùng mình khi phải lẻ loi tác nghiệp giữa một hành lang người bệnh đầm đìa máu me.

Tiếng rên rỉ của sự đau đớn xen lẫn tiếng gào thét của những người quá chén, mùi tanh của máu hòa lẫn với mùi chất nôn ói còn nguyên mẫu thức ăn, pha lẫn mùi rượu bia “tứ vị” (thứ mùi được pha chế bởi bốn vị: mùi rượu bia trong chất nôn ói + mùi rượu bia trong hơi thở + mùi rượu bia qua tuyến mồ hôi + mùi mồ hôi do ngồi nhậu kéo dài) tạo nên một không gian mùi vị mà chúng tôi không tìm thấy trong tự điển, chỉ biết rằng đôi khi có những chị người nhà vội bịt mồm, bịt mũi chạy ra xa nôn ọe.

“Có say đâu mà, tôi không say mà” hình như là câu nói trong tiềm thức của những người bệnh bị tai nạn giao thông do say xỉn. Thường thì để tác nghiệp cho những người bệnh như vậy  cánh X quang chúng tôi không kể thời gian, lúc thì dỗ dành cho họ cộng tác, dỗ mãi không xong đôi khi phải hét thật to nhiều lúc cũng tỏ ra hiệu quả. Thế mới biết người say có kẻ thích dỗ dành, có người lại ưa dọa nạt.

“Trà tam, tửu tứ” câu ngạn ngữ này chẳng biết có tự lúc nào nhưng xem ra đến giờ vẫn đúng. Một người say bị nạn được hộ tống bởi năm bảy bạn nhậu là chuyện thường tình. Họ cũng “có say đâu mà”,dáng vẻ liêu xiêu, đôi mắt mơ màng, thi thoảng cũng gặp vài vị có “đôi mắt hình viên đạn”, cơ thể vị nào cũng ngào ngạt mùi hương “tam vị” (mùi rượu bia trong hơi thở + mùi rượu bia qua tuyến mồ hôi + mùi mồ hôi do ngồi nhậu kéo dài). Thôi thì họ mặc sức chỉ đạo, ra lệnh, hối thúc…đủ điều, không hiếm vị còn chửi thề, văng tục, đe dọa nhân viên trực, gọi cho đường dây nóng…

Giá như mọi người biết rằng để làm nên một tấm phim X quang hoặc CT chúng tôi phải qua tới năm công đoạn mà trong đó công đoạn chụp luôn có một khẩu lệnh “nằm im, nín thở” thì sẽ hiểu cho chúng tôi biết chừng nào. Để yêu cầu một người “không say đâu mà” nằm yên, nín thở liệu có khả thi ? Nhiều khi chúng tôi phải vật lộn hàng giờ chỉ cho một người bệnh mà thôi. Đã thế không hiếm khi gặp những ca bệnh khó, hình ảnh không điển hình, triệu chứng không rõ ràng chúng tôi phải phân tích thâu đêm.

Trực đêm không hộ lý, máu me, chất nôn, bông gạc vương vãi đầy phòng cũng phải tự mình dọn dẹp (nếu không lấy chổ nào mà làm cho ca khác). Thật cảm động khi có không ít người nhà (phần lớn là chị em phụ nữ) chung tay dọn giúp. Nhìn trong ánh mắt họ đầy ắp sự cảm thông pha lẫn sự nể trọng, yêu thương mà cảm thấy ấm lòng, không ít người luôn miệng xin lỗi vì những lời mà người thân của họ nói ra trong lúc “không say đâu mà”

Có thể mọi người không tin, nhưng sau một ngày đêm trực như thế (24 giờ đằng đẵng) tiền phụ cấp trực chỉ vừa đủ ăn một bát phở Thanh Lịch (Tam Kỳ) theo thời giá hiện nay. Thường thì chúng tôi vẫn dư khoản tiền ấy vì mệt quá rồi chỉ muốn ngủ thôi chứ ăn làm sao nỗi, thôi thế lại hay mình lại có thêm khoản tiền tiết kiệm.

Thế mà tia X vẫn cứ là nỗi đam mê trong mỗi chúng tôi, không mê làm sao được khi nó cho phép chúng tôi nhìn xuyên thấu cơ thể người, tìm ra bệnh tật để cứu sống biết bao người. Hơn hết chúng tôi yêu thương con người, có thể vì đấy là nghiệp của chúng tôi. Mỗi khi gặp một ca bệnh khó khăn trong chẩn đoán chúng tôi thường dùng với nhau từ “bạc tóc”, có thể thức thâu đêm để tìm tòi chẩn đoán, khi nghe phẫu thuật viên thông báo ca mổ thành công đúng như chẩn đoán, người bệnh được cứu sống chúng tôi mừng chắc chắn còn hơn một số thân nhân người bệnh, lòng chợt cảm thấy thanh thản, bao nhiêu mệt nhọc bỗng như tan biến, tự hào nghề nghiệp trào dâng.

Có thể bạn chưa biết, ngoài ứng dụng trong y học và trong rất nhiều lĩnh vực khoa học khác tia X còn là một bộ môn nghệ thuật làm say đắm lòng người.

khanhx1    khanhx2

khanhx3   khanhx4

 Một số ảnh tia X nghệ thuật

......................................................................................................................................................................................................

PHẦN II.

Trực đêm nay có phần yên ả, nhưng sao lòng vẫn thấy lo lo, có thể do ca chấn thương bụng kín lúc đầu hôm mổ chưa xong. Mình chẩn đoán dập vỡ hỗng tràng và mạc treo ruột mà hình CT chỉ cho thấy được khoảng chừng 70%  dấu hiệu. Nghề mình vẫn thế, có mấy khi gặp được một hình ảnh giống như trong sách vở. Cứ góp nhặt tất cả các triệu chứng một cách hợp lý, khoa học và đúng đắn nhất rồi “dũng cảm” mà chẩn đoán với ước nguyện là kịp thời và chính xác cho bệnh nhân.

Chờ có kết quả phẫu thuật mới thật sự yên lòng, cho dù mình luôn thận trọng trong chẩn đoán CT. May mà Wifi dạo này sóng mạnh, vào mạng lang thang, loanh quanh đâu đó đôi chút rồi cũng ghé về trang chuyên môn, nghề nghiệp. Bỗng thấy một một mẫu tin được đăng tải trên nhiều báo mạng. Xin trích lại đây nguyên văn hai mẩu tin trên VNExpress và VnMedia.vn:


VNEXPRESS

Cá sống trong phổi cậu bé 12 tuổi

Nuốt cá sống là trò chơi khá thú vị mà cậu bé người Ấn Độ Anil Barela thường chơi cùng bạn bè. Tuy nhiên, lần này thay vì chui xuống bụng, chú cá lại lọt vào phổi.

Theo lời kể của gia đình Anil thì tai nạn xảy ra khi cậu đang chơi cùng bạn bè trên bờ sông ở khu Khargone, Madhya Pradesh, Ấn Độ. Cậu đã nuốt một chú cá dài gần 9cm và bằng cách nào đó nó chui tọt vào phổi trái cậu. Điều đáng ngạc nhiên là chú cá này vẫn sống.

khanhx5  

Phim chụp X-quang cho thấy hình ảnh một chú cá sống bị mắc kẹt trong phổi cậu bé. Ảnh: The Sun. 

The Sun đưa tin, các bác sĩ đã phải cấp cứu khẩn cấp vì nồng độ ôxy trong máu giảm mạnh và cậu phải khó khăn lắm mới có thể thở được. Anil sống sót sau ca mổ kéo dài 45 phút nhưng chú cá thì không may mắn như thế.

“Chú cá vẫn sống cho đến khi việc nội soi phế quản hoàn tất. Chính việc có một sinh vật lạ đã hạn chế hoạt động của cả hai lá phổi dẫn đến tình trạng thiếu ôxy ở Anil”, tiến sĩ Pramod Jhawar cho biết.

Phương Trang

VnMedia.vn

Kinh hoàng cá sống trong phổi cậu bé 12 tuổi

Các bác sĩ tại Ấn Độ đã mổ lấy một con cá vẫn còn sống ra khỏi phổi để cứu sống bệnh nhân 12 tuổi.

Cậu bé Anil Barrela đã nuốt một con cá dài 9 cm khi đi chơi cùng các bạn trên bờ sông tại huyện Khargone, thuộc bang Madhya Pradesh.

khanhx6

Con cá dài 9 cm trong phổi của Anil Barela - Ảnh The Sun

Nhật báo The Times of India cho biết các bé trai ở Ấn Độ thường nuốt cá sống khi đùa giỡn với nhau nhưng không may lần này con cá chui vào phổi trái của Anil.

Cậu bé bắt đầu thấy khó thở và được đưa đến bệnh viện. Xét nghiệm và chụp phim X quang cho thấy mức độ oxygen trong máu của Anil xuống rất thấp, thậm chí con cá vẫn còn sống trong phổi cậu bé. Các bác sĩ quyết định mổ khẩn cấp lấy con cá ra khỏi phổi để cứu sống cậu bé trong ca phẫu thuật kéo dài 45 phút.
Bác sĩ Pramod Jhawar, chuyên gia về lồng ngực và soi phế quản, xác nhận: “Con cá vẫn còn sống cho đến lúc soi phế quản, khiến chức năng hoạt động của cả hai lá phổi bệnh nhân bị hạn chế, làm giảm lượng oxygen trong máu”. Ông cho biết đây là trường hợp đầu tiên ông gặp trong 20 năm hành nghề y.

................................................................................................................................................................................................................

PHẦN III.

Lòng cảm thấy thật vui khi bác sỹ T. cho biết ca mổ thành công và chẩn đoán CT chính xác. Thực ra trong nghề chẩn đoán hình ảnh những ca bệnh cho hình ảnh điển hình 100% thì cũng chẳng có gì để quan tâm, nhưng những trường hợp chỉ có 50 - 70% dấu hiệu thường làm cho mình nhiều trăn trở và cũng giúp cho mình tích lũy kinh nghiệm nhiều lắm.

Vui trong lòng cũng làm mình khó ngủ, thế mới biết tâm trạng con người thật phức tạp. Đọc lại mẫu tin và hình X quang của cậu bé 12 tuổi có cá trong phổi cảm thấy ngờ ngợ, thôi thì đem ra mổ xẻ thử xem:

khanhx7

Xin không bàn về nội dung mẩu tin, chỉ bàn về phim chụp X quang được chú thích là của cậu bé 12 tuổi người Ấn Độ tên Anil.

1. Phim này không thể là của một cậu bé 12 tuổi mà chỉ có thể là của một người trưởng thành (nếu không muốn nói là của một ông cụ) đang mắc bệnh phổi với các lý do sau đây:

  • Khí quản đóng vôi (ba mũi tên màu tím)
  • Đám mờ hạ đòn phải (mũi tên màu đỏ)
  • Vùng xơ đỉnh + hạ đòn trái (mũi tên màu xanh)
  • Chú cá trên phim ở phổi phải chứ không phải phổi trái như mẫu tin đã viết.
2. Chú cá trên phim cũng không phải là chú cá bằng xương, bằng thịt, vì khi tia X xuyên qua thì hình chú cá hiển thị trên phim là hình bộ xương, chứ không phải hình bên ngoài của chú cá giống như trong ảnh.

khanhx8

Hình chụp X quang cá

3. Người tạo nên phim giả còn mắc các sai lầm cơ bản:
  • Không có vùng phổi xẹp khi trong phổi có dị vật to như thế
  • Cấu trúc cây phế quản không cho phép chú cá quay đầu ra như thế.
  • Không có bất cứ một khoang nào trong phổi đủ rộng để chú cá tung tăng như trong ảnh.

Để tiện hình dung người viết xin “trở đầu” chú cá như hình sau cho phù hợp hơn với giải phẫu cây phế quản:

khanhx9 khanhx10

Người viết bài này cũng xin “sáng tác” vài ảnh giả để so sánh sau đây:

khanhx11  khanhx12

(Hình giả do người viết tạo ra, không có thật)

Lạm bàn:

Theo nội dung mẫu tin thì một số loại cá sau đây có thể là thủ phạm chui vào phổi người theo đường khí quản, bởi vì thân chúng nhỏ, thuôn, mềm mại, không vây, không vi, da trơn nhớt, chứ không bao giờ có thể là chú cá trên phim.

khanhx13

..................................................................................................................................................................................................

PHẦN IV.

Dị vật đường hô hấp là một bệnh cấp cứu khẩn cấp với tỉ lệ tử vong cao không thể xem thường. Dị vật do cá sống vẫn hi hữu xảy ra ở các miền quê, thói quen ăn các diếc sống gọi là món sanh cầm đã từng là thủ phạm gây tắc nghẽn đường hô hấp trên ở quê tôi mà thuở chăn trâu tôi từng chứng kiến.

khanhx14 Cá diếc

khanhx15

Cá rô đồng

Cá rô đồng cũng là thủ phạm, cánh mục đồng chúng tôi thường “hôi cá” mỗi khi chủ đìa thu hoạch cá, gọi là “hôi cá”  bởi vì mình bắt vội những chú cá còn sót lại trước khi chủ đìa xả nước vào đầy. Vì vội vàng nên không có gì để xâu cá. Hai tay nắm hai chú rô béo mẩy, thấy chú thứ ba trồi lên khỏi bùn to quá, vứt chú trên tay thì tiếc, vội ngậm vào mồm để bắt chú thứ ba, đang chăm chú bắt chú thứ ba, chú trong miệng quẫy đuôi trôi tọt vào họng chắn ngang đường thở. Mà mang rô đồng thì phải biết, khi gặp chướng ngại chúng thường phồng mang, giương vây sắc nhọn dễ gì mà gỡ ra cho được. Trường hợp này đã từng gây nên cái chết thương tâm cho một thanh niên ở Điện Bàn.

PHẦN KẾT.

Tản mạn miên man cũng khá dài, thôi thì cũng đôi lời kết chuyện. Khuyên dân mình đừng nên ăn cá sống, chuyện nghẽn đường hô hấp thì cũng hi hữu thôi, nhưng lũ ký sinh trùng độc hại theo cá sống vào cơ thể người thì nhiều vô kể. Đừng tin vào trường sinh bất tử kiểu đó mà hao mòn sức khỏe.

Cũng đôi lời tâm sự cùng quý đồng nghiệp X quang, kỷ nguyên công nghệ đã đưa tia X có những bước tiến dài trong ứng dụng ở nhiều lĩnh vực. X quang trong y học cũng không là ngoại lệ, sự phát triển mạnh mẽ của nó đã thúc đẩy chúng ta luôn tìm tòi học hỏi không ngừng nghỉ. Thật may, công nghệ thông tin cũng giúp chúng ta mang kho kiến thức của nhân loại về nhà. Nhưng điều tôi muốn tâm sự ở đây là mang gì thì mang chứ đừng mang hình ảo về nhà bởi vì chúng ta có tia X chỉ đường.

Nguyễn Đức Khánh 
Khoa Chẩn đoán hình ảnh


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 27 Tháng 6 2012 10:15

You are here Tin tức Tin hoạt động BV Đọc báo mạng dưới lăng kính X quang