• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Hội chứng hoạt hóa đại thực bào

  • PDF.

Hội chứng hoạt hóa đại thực bào (HLH: Hemophagocytic Lymphohistiocytosis) là một rối loạn điều hòa miễn dịch gây ra sự hoạt hóa quá mức của các đại thực bào dẫn đến việc đại thực bào thực bào các thành phần máu như hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu và những tế bào đầu dòng ở trong tủy và các mô cơ quan khác. Sự rối loạn điều hòa miễn dịch này gây nên bởi tình trạng hoạt hóa quá mức của dòng thác Cytokine.

hcdtb1

Hội chứng này lần đầu tiên được mô tả vào năm 1952 do Farquhar J.W và Claireau, bệnh được mô tả có tính chất gia đình và sau này được gọi là hội chứng hoạt hóa đại thực bào nguyên phát. Đến năm 1975, một số tác giả đã ghi nhận hội chứng hoạt hóa đại thực bào xảy ra trên các bệnh nhân bị các bệnh nhiễm trùng, bệnh ác tính, bệnh tự miễn hoặc sau dùng một số thuốc và được gọi là hội chứng hoạt hóa đại thực bào thứ phát.

Trong những thập niên gần đây, y văn thế giới đã đề cập nhiều đến hội chứng này, tuy nhiên tại Việt Nam hội chứng này vẫn chưa được thật sự chú ý và vẫn còn khá mới mẻ đối với nhiều nhà lâm sàng.

Nguyên nhân gây bệnh:

Một số nguyên nhân gây bệnh được đề cập đến trong y văn.

-  Nhiễm trùng: Virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm.

-  Rối loạn miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải.

-  Sử dụng thuốc: Phenytoin (Hydantoin), Carbamazepin, Phenobarbital…

-  Ung thư và những bệnh không phải ung thư như: viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ dạng thấp.

Triệu chứng lâm sàng:

Các triệu chứng lâm sàng thường khởi đầu với sốt cao đột ngột, đôi khi rét run và tổng trạng suy kiệt, gan lách có thể lớn, hạch ngoại biên ít gặp hơn. Ở da có thể có ban đỏ, viêm mô mở dưới da. Tổn thương thâm nhiễm phổi và hệ thống thần kinh (co giật, kích thích màng não, tăng áp lực sọ não), rối loạn đông máu. Bệnh diễn tiến đến suy đa phủ tạng và tử vong rất nhanh. Trong những năm gần đây hội chứng này được chú ý nhiều hơn vì tầm quan trọng trong quyết định điều trị sớm với ức chế miễn dịch.

Tiêu chuẩn chẩn đoán:

Hội Thực bào máu Quốc tế đã đề ra tiêu chuẩn chẩn đoán HLH vào năm 2004, sau đó đến năm 2008 đã duyệt lại và bổ sung. Chẩn đoán hội chứng HLH khi có ít nhất 5 trong 8 tiêu chuẩn sau:

-  Sốt ≥ 38,50C kéo dài trên 7 ngày.

-  Lách to > 3cm dưới bờ sườn.

-  Hình ảnh thực bào ở tủy xương hoặc gan/lách/hạch.

-  Ferritin máu > 500ng/ml, ngưỡng càng cao càng có giá trị chẩn đoán HLH.

-  Giảm ít nhất 2 dòng tế bào máu.

-  Tăng Tryglyceride máu và/ hoặc giảm Fibrinogen máu.

-  Giảm hoạt tính tế bào NK.

-  Tăng nồng độ CD 25 hòa tan (> 2.400 U/ml).

Trong tất cả những tiêu chuẩn trên thì sốt, suy kiệt cơ thể, lách lớn, hình ảnh thực bào tế bào máu ở tủy xương và tăng Ferritin máu là những dấu chứng gặp hầu hết ở các bệnh nhân có hội chứng HLH.

Đối với những bệnh nhân có bất thường về sinh học phân tử liên quan đến HLH máu thì không cần phải có các tiêu chuẩn trên nếu bệnh nhân có bằng chứng đột biến gene PRF1, UNC13D, Munc 18-2, Rab27a, STX11, SH2D1A hoặc BIRC4.

Điều trị:

Điều trị lý tưởng là điều trị nguyên nhân khởi phát HLH. Tuy nhiên, vì sự trầm trọng của bệnh cần phải điều trị triệu chứng nhanh chóng trước khi xác định được bệnh nguyên. Cần ngăn chặn sự tiếp tục hoạt hóa đại thực bào cũng như tế bào LymphoT, đồng thời điều trị tăng Cytokin máu do các tế bào trên tiết ra. Thuốc tác động trên đại thực bào là Corticoide, Etoposide dùng đơn độc hoặc kết hợp. Đối với tế bào LymphoT là Cyclosporine và huyết thanh kháng Lympho (SAL), Interferon alpha. Điều trị trên Cytokin máu là thay huyết tương và dùng Immunoglobulin tĩnh mạch.

HLH ít gặp nhưng rất nặng nề và tử vong nhanh, vì vậy cần lưu ý đến tình trạng bệnh lý này để các thầy thuốc lâm sàng có chỉ định chọc tủy sớm và các nhà tế bào học quan tâm theo dõi kỹ hơn trước các bệnh nhân có sốt kéo dài không rõ nguyên nhân kèm giảm các dòng tế bào máu ở ngoại vi mà không có bệnh lý rõ ràng ở tủy.

 BS Lê Thị Lệ Hằng

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 14 Tháng 9 2012 21:19

You are here Đào tạo Tập san Y học Hội chứng hoạt hóa đại thực bào