• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Ảnh hưởng của tuổi tác lên dược lý học các thuốc giảm đau

  • PDF.

Ds Nguyễn Thị Mai

Trong dược lý học lão khoa, ở một người có tuổi so với một thanh niên cùng giới và cùng cân nặng, với cùng một liều lượng cũng như cùng một nồng độ huyết tương của thuốc, đáp ứng có thể khác nhau ( tăng hoặc giảm). Điều này là do những thay đổi dược động học và/hay dược lực học đi cùng với tuổi già và như vậy sự hiểu biết là cần thiết trong điều trị lão khoa.

THUOC_GDAU

Bản chất sinh lý bệnh và những đặc tính của đau tạo nên yếu tố cần thiết phải lựa chọn cách điều trị thích hợp với từng kiểu đau như đau do bệnh lý thần kinh, đau do tâm sinh lý hay do viêm cấp hoặc mạn tính. Nguyên tắc chung khi sử dụng thuốc giảm đau phải tính đến những thay đổi hoạt tính của thuốc trong tuổi già về thể chất cũng như lâm sàng và bệnh học của bệnh nhân. Hơn nữa, ở người có tuổi  hay mắc nhiều bệnh kèm do vậy thường phải dùng một lần nhiều loại thuốc đó có thể là nguồn gốc của tương tác thuốc và làm tăng nguy cơ các tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc ở người già.

Ba loại thuốc được sử dụng điều trị đau: Các thuốc giảm đau  Paracetamol, aspirin, các thuốc chống viêm không steroid(NSAIDS), các loại thuốc opioid và các thuốc bổ trợ giảm đau. Việc sử dụng các thuốc này theo 3 nấc được khuyến cáo bởi WHO để điều trị đau do nhận cảm đau  quá mức:

-  Đối với đau cường độ thấp (nấc I) , ở người có tuổi paracetamol là thuốc được lựa chọn, tốt hơn aspirin mặt dù có cùng đường biểu diễn thời gian -  hiệu lực ở cùng liều giảm đau. Aspirin cũng như các thuốc giảm đau phi steroid có những tác hại rõ rệt( liên quan đến COX -1) trên niêm mạc dạ dày mà không thể nào loại bỏ hoàn toàn với các thuốc chọn lọc trên COX -2.

-  Đối với đau cường độ trung bình (nấc II): codein và dextroproxyphen (các sản phẩm opiat tổng hợp) thường phối hợp với các loại thuốc giảm đau khác.

-  Đau nhiều (nấc III) : dùng ngay các loại thuốc giảm đau opioid,thậm chí loại opioid mạnh (morphine,fentanyl). Tuy nhiên, các loại thuốc này đều có khả năng làm mất đau cấp tính nhưng đều có nguy cơ về dung nạp, về phụ thuộc thuốc và những tác dụng thứ phát nghiêm trọng (táo bón, nôn, buồn nôn, suy hô hấp ).

Đối với những đau do bệnh lý thần kinh các thuốc hỗ trợ giảm đau được sử dụng (các thuốc chống trầm cảm, chống co giật) có hoặc không phối hợp với các thuốc giảm đau không thuốc phiện.

  • Những thay đổi dược động học các thuốc giảm đau theo tuổi tác

Hấp thu thuốc: Qúa trình hấp thu thuốc có thể bị thay đổi bởi nhiều yếu tố.  pH dạ dày tăng theo tuổi làm thay đổi độ hòa tan của viên thuốc và thay đổi sự ion hóa, làm giảm hấp thu của một vài loại thuốc giảm đau có bản chất acid yếu (aspirin, salicylat, barbiturat…,) nhưng trong thực tế sự thay đổi này không có ý nghĩa thực sự. Sự giảm thiểu lưu lượng máu ở gan ảnh hưởng đến sự chuyển hóa qua gan lần đầu (first pass metabolism), rất quan trọng đối với các thuốc có chuyển hóa cao khi qua gan lần đầu như đa số các opioid điều này làm tăng tính phân bố sinh học và nồng độ huyết tương. Đường dùng qua da rất phù hợp với một số thuốc giảm đau như fentanyl, có phân tử lượng thấp và ưa lipid, nhưng thời gian tiềm ẩn trước khi đạt đỉnh ở người cao tuổi lại dài hơn so với người trẻ (16h30’ so với 9h20) do sự khuyết tán của da giảm theo tuổi tác. Hiệu quả của một số thuốc giảm đau thấp do suy giảm hấp thu.

Phân phối thuốc: Ở người cao tuổi có sự giảm lượng nước toàn cơ thể, tăng khối mỡ, giảm khối cơ do vậy làm giảm thiểu thể tích phân bố (VD) và tăng liên kết protein đối với các thuốc giảm đau ưa nước nói chung khu trú ở trong dịch kẽ. Như vậy sẽ làm tăng thể tích phân bố thuốc giảm đau tan trong lipid (và giảm thiểu các liên kết protein) thuốc đi qua các màng sinh học dễ dàng hơn. Nhưng trong thực tế, không có một thay đổi liên quan giữa tuổi tác với thể tích phân bố của paracetamol đã được ghi nhận, tuy nhiên với morphin qua dễ dàng hàng rào máu não nhưng với tốc độ kém hơn các thuốc ưa lipid như methadon và fentanyl.

Sự giảm thiểu nồng độ albumin trong huyết tương theo tuổi (giảm 15-20%) (như trong bệnh cấp tính, xơ gan, chấn thương, bỏng, suy kiệt, nhiễm khuẩn, hội chứng thận hư, giảm lượng máu, rối loạn dinh dưỡng…) có thể ảnh hưởng lớn đến các thuốc giảm đau vốn gắn mạnh vào albumin, như aspirin, diflunisal, naproxen làm cho nồng độ thuốc tự do (không gắn) tăng vọt làm cho tác dụng và độc tính tăng theo. Như vậy cần giảm liều khởi đầu của những thuốc gắn mạnh vào protein huyết tương, sau đó tăng dần tùy theo đáp ứng của từng các thể. Chú ý khi phối hợp nhiều loại thuốc cùng cơ chế này dễ gặp tương tác bất lợi.

  • Chuyển hóa thuốc:

Chuyển hóa thuốc ở gan bị giảm ở người cao tuổi, chủ yếu ở bước I, bước sử dụng hệ thống microsom (oxy hóa khử), trong khi ở bước II (liên hợp) có ít thay đổi. Những thay đổi trong cá thể rất quan trọng, ví dụ paracetamol liên hợp bằng con đường glucoro-sulfo-kết hợp không thay đổi đáng kể ở người cao tuổi, nhưng lại giảm rỏ rệt không có nguyên nhân ở người cao tuổi mà mất tính tự chủ. Một lĩnh vực khác ở người cao tuổi chưa được khai thác là ảnh hưởng của tuổi tác đến cảm ứng và ức chế enzym. Trong quá trình chuyển hóa ở gan của một số thuốc giảm đau như các opioid sẽ cho những chất chuyển hóa mạnh hơn chất ban đầu (morphin là chất chuyển hóa của codein: morphin 6- glucuronid hay O-demethyl- tramadol) và sự tích lũy ở người có tuổi có thể là một yếu tố làm tăng tính nhạy cảm với các opioid của người cao tuổi.

Thải trừ ở thận: Đây là giai đoạn tác động nhất bởi tuổi tác. Độ thanh thải thận của paracetamol bị giảm đi (dưới 43%) nhưng việc điều chỉnh liều ở người cao tuổi là không cần thiết. Với một vài thuốc giảm đau phi steroid (ketoprofen, naproxen, ibuprofen) có thể gây suy thận ở người cao tuổi, do ức chế các prostaglandin dẫn mạch thận và co mạch vùng tủy và tăng kali/máu liên quan đến tình trạng giảm renin-aldosteron ở tuổi già. Sau cùng, thận người già do giảm mức lọc cầu thận, ít có khả năng bài tiết một lượng muối và các thuốc như indometacin dẫn đến ứ trệ muối gây tăng thể tích và gây suy tim.

Dược động học của codein, dihydrocodein (đường thải trừ bằng glucuro-liên hợp và bài tiết ở thận) và các chất chuyển hóa của chúng chưa được biết rõ, như những thay đổi dược động học hình như không thay đổi một cách đáng kể theo tuổi tác. Những chất chuyển hóa của morphin, morphin-3-glucuronid(M3G) liên quan đến hoạt động giảm đau của morphin và morphin 6-glucuronig(M6G) liên quan đến sự dung nạp morphin được thải trừ ở thận. Những người cao tuổi, dễ bị tích lũy các chất chuyển hóa morphin có thể bị ngộ độc buộc phải thay một opioid khác.

So với các loại thuốc khác như các thuốc tim mạch và các thuốc hướng thần, các thuốc giảm đau như morphin và aspirin đều là các thuốc cũ ít được nghiên cứu dược động học ở người cao tuổi, trong khi đau vẫn là một vấn đề quan trọng của tuổi già và việc sử dụng các thuốc giảm đau là rất thường xuyên đối với nhóm tuổi này.

  • Những thay đổi dược lực học các thuốc giảm đau theo tuổi tác.

Tác dụng của tuổi tác lên dược lực học của các thuốc giảm đau không được biết rõ vì những nghiên cứu dược lực học để xác định đáp ứng thuốc khó thực hiện ở người cao tuổi và một sự khác biệt lớn trong từng cá thể và giữa các cá thể. Tác dụng dược lực học của codein trên kích thước đồng tử không cho thấy sự khác biệt theo tuổi. Tính nhạy cảm tổng quát của người cao tuổi  với morphin sẽ tăng mạnh khi được đo bằng hoạt động điện não đồ: các opioid cho nồng độ cực đại và thời gian giảm kéo dài hơn, do vậy nên giảm liều so với những người trẻ tuổi. Rất nhiều yếu tố chắc chắn đã tham gia vào sự tăng hiệu lực của các opioid : tăng các chất chuyển hóa do giảm bài tiết thận và/hay một ái tính lớn hơn với các thụ thể, một giảm thiểu các dẫn truyền thần kinh nội sinh của hệ thần kinh trung ương dẫn tới sự quá nhạy cảm của các thụ thể ở thần kinh trung ương, sự suy giảm theo tuổi tác ở mức độ thụ thể của vận chuyển calci tham gia trong đáp ứng với các dẫn truyền thần kinh.

Kết luận:

Còn quá ít nghiên cứu về các đặc tính dược lý học các thuốc giảm đau đối với người cao tuổi. Những kinh nghiệm được khuyến cáo để điều trị đau cho người cao tuổi là khởi đầu bằng liều thấp và sau đó tăng liều dần dần. Cần triển khai những thử nghiệm lâm sàng và những nghiên cứu các cơ chế cơ bản của dược lý học các thuốc chống đau để biết rõ hơn tiến triển của đau và các thuốc giảm đau với người cao tuổi. Điều này cho phép làm tốt hơn việc xử trí đau tăng chất lượng sống của người cao tuổi và sẽ giúp cho việc  kiểm soát tốt các  bệnh lý do thuốc.

Tài liệu tham khảo:

1. Dược lâm  sàng I – Trường Đại học Dược Hà Nội(2009),NXB Y học
2. Dược lâm sàng và điều trị-NXB Yhọc (2009)
3. Dược lý học lâm sàng – NXB Y học (2003)
4. Clinical Pharmacy and Therapeutics, Churchil &Livingstone
5.  WHO Pharmaceuticals Newsletter


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 30 Tháng 5 2013 10:13

You are here Tin tức Thông tin thuốc Ảnh hưởng của tuổi tác lên dược lý học các thuốc giảm đau