• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Hướng dẫn chăm sóc bàn chân bệnh nhân đái tháo đường

  • PDF.

CN Trần Thị Tuyết - Khoa Cấp Cứu

I. Đại cương:

Theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2010, đái tháo đường (ĐTĐ) là một nhóm bệnh chuyển hóa với đặc trưng là tăng glucose máu do hậu quả của việc khiếm khuyết tiết insulin hoặc khiếm khuyết tác dụng insulin hoặc do cả hai.

Bệnh ĐTĐ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, rối loạn chức năng và suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.

Một trong những biến chứng ảnh hưởng lớn đến vận động, sinh hoạt và khả năng lao động của bệnh nhân đó là biến chứng bàn chân do ĐTĐ.

Khi có vết thương bàn chân, do không đau đớn nhiều nên bệnh nhân chủ quan thường tự chữa trị, chỉ nhập viện khi vết thương ở giai đoạn muộn, hoại tử nhiễm khuẩn nặng, chỉ chờ đợi để can thiệp ngoại khoa.

chandai1

Như chúng ta đã biết, vết thương bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ cắt cụt chi dưới cao từ 10-15 lần so với người không bị ĐTĐ. Đây là sự phối hợp của một hay nhiều yếu tố liên quan hoặc không liên quan đến bệnh ĐTĐ xảy ra trước đó đối với bệnh nhân như: Tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh ĐTĐ), tổn thương động mạch (thiếu máu nuôi dưỡng), tổn thương tĩnh mạch sâu (viêm, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, phù nề, loét), biến dạng cấu trúc bàn chân (thay đổi hình dáng bàn chân, thay đổi điểm tựa…), loạn dưỡng (bệnh lý thần kinh, hạ đường huyết mạn tính, khô da), chấn thương, nhiễm khuẩn… được gọi tên là Bệnh lý bàn chân đái tháo đường.

Vết thương bàn chân đôi khi chỉ khu trú ngoài da có vẻ đơn giản như một vết xước, loét nông, tiến triển đến nhiễm trùng. Nếu đề kháng kém, vết thương loét sâu hơn, hoại tử phần mềm lan đến dây chằng, khớp, xương, có thể phối hợp bệnh lý động mạch nói trên làm vết thương ngày càng trầm trọng gây hoại tử, thiếu máu không thể bảo tồn được, hậu quả là phải cắt cụt chi dưới.

Thông qua bài viết này, rất mong các bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ và thân nhân hiểu được tầm quan trọng của việc tự chăm sóc bàn chân ĐTĐ, đồng thời cung cấp những kiến thức cơ bản và dễ thực hiện nhất cho họ để góp phần làm giảm loại biến chứng này, giúp cho người bệnh ĐTĐ có cuộc sống tốt hơn.

II. Một số biện pháp dự phòng:

* Ngay từ khi phát hiện bệnh ĐTĐ, hàng ngày bệnh nhân cần chú ý:

- Luôn giữ bàn chân sạch sẽ.

- Không nên đi chân trần.

- Chọn giày dép đúng cỡ, dễ chịu khi đi lại, không mang giày dép quá chật.

- Nếu giày mới: những ngày đầu không mang quá 1 giờ/ ngày.

- Chọn giày dép loại da mịn, thông thoáng, có bảo vệ phía trước tránh tổn thương các ngón chân.

- Luôn kiểm tra mặt trong giày dép trước khi mang vào, tránh mặt giày dép bị lồi lõm.

- Nên dùng vớ bằng vải hoặc len để bàn chân thông thoáng, không nên dùng vớ nilon. Nên thay vớ hàng ngày.

- Vào buổi tối trước khi đi ngủ:

  • Rửa bàn chân với nước ấm và xà phòng trung tính, lau khô.
  • Nước rửa chân có nhiệt độ không quá 35 độ C.
  • Không ngâm chân quá 5 phút.

+ Tìm kiếm các vết nứt trên da, vết cắt, vết phồng, những chỗ thâm, những chỗ đau. Điều này đặc biệt quan trọng ở người cao tuổi hoặc người bị bệnh lâu ngày (biến chứng thần kinh ngoại biên) rất khó phát hiện nên đòi hỏi phải cẩn thận và tỉ mĩ.

+ Lưu ý vùng da bị tăng sừng hóa: Nếu nhẹ, da khô và bong vảy có thể bôi Lanolin (nếu da mỏng). Nếu da dày quá thì ngâm nước ấm có xà phòng, gọt nhẹ cho da mỏng dần, nếu không sẽ có nguy cơ tạo vết nứt da, thuận lợi cho bội nhiễm về sau.

+ Tránh bị vảy mục.

+ Giữ sạch và khô các kẽ ngón chân.

+ Nếu bàn chân ẩm, nên rắc bột thuốc có chứa dẫn xuất Imidazol để phòng nấm kẽ chân.

+ Cảm nhận sự thay đổi nhiệt độ trên da để phát hiện tổn thương khu trú.

+ Tránh để da bị khô. Nên giữ da mềm mại bằng cách: sau khi tắm, thoa ngay các loại dầu (dầu dừa, dầu mè, vaselin…) không dùng phấn talc.

+ Tránh đưa bàn chân gần lửa, nhất là về mùa lạnh vì dễ bị bỏng.

+ Cắt móng chân đúng cách: cắt ngang móng một đường thẳng song song với bờ ngoài ngón chân, dũa các rìa sắc bằng dũa giấy. Không cắt móng chân nhọn quá hoặc sâu quá.

+ Khi làm móng chân cần chú ý đến khâu vệ sinh và vô trùng.

- Tập thể dục bàn chân:

  • Đi bộ mỗi ngày từ 30 đến 60 phút, chú ý bệnh nhân tăng huyết áp và bệnh mạch vành đi kèm.
  • Lăn bóng bằng 2 bàn chân với quả bóng tennis khi ngồi xem ti vi vào buổi tối giúp điều hòa hệ thống mạch máu 2 bàn chân.
  • Đứng lên và ngồi xuống tại chỗ, tay dựa vào thành ghế 10 đến 20 lần mỗi ngày, sau đó tăng dần số lần.
  • Kê bàn chân cao hơn đầu khoảng 15-20 cm khi nằm.

- Tránh một số yếu tố nguy cơ phối hợp:

  • Hút thuốc lá.
  • Tăng cân quá mức.
  • Ít vận động.
  • Kiểm soát đường máu và rối loạn lipid máu kém.
  • Loãng xương, nhất là tuổi mãn kinh.
  • Chích lể, châm cứu không đảm bảo vô trùng.

III. Chăm sóc vết thương bàn chân đái tháo đường:

- Khi có vết thương, nên nghỉ ngơi và bất động chi bị tổn thương bằng dụng cụ chỉnh hình.

- Đắp vết thương bằng gạc tẩm nước muối sinh lý 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 15 phút giúp vết thương sạch và dự phòng bội nhiễm. Có thể thay bằng xịt dung dịch Chlorhexin Gluconate 15ml vào vết thương ngày 2 lần, mỗi lần 15 phút.

- Có thể bôi mỡ kháng sinh (Polysporin) vào vết thương sau khi đã rửa sạch như trên.

- Băng vết thương bằng gạc không dính hay bằng màng tổng hợp như: Vigilon hoặc Duoderm giúp vết thương mau lành. Có thể băng gạc tẩm dầu mù u vào vết loét.

- Tránh dùng các chất khử trùng mạnh và thuốc tẩy rửa như Oxy già, cồn Iod đậm đặc không pha loãng. Tránh dùng các thuốc sát trùng có màu làm khó theo dõi, đánh giá màu sắc da.

- Hạn chế các chất làm se da như: Aloplastine hay Bạc Nitrate.

- Hiện nay khuyến cáo để hở vết thương, đắp dung dịch lỏng vào vết thương giúp nhanh lành.

- Tiêm ngừa huyết thanh kháng uốn ván.

- Dùng kháng sinh toàn thân (đường uống hoặc tiêm)

- Theo dõi sau 3-5 ngày nếu vết thương không cải thiện thì nên đi khám bác sỹ chuyên khoa.

IV. Đánh giá vết thương bàn chân:

1. Phân biệt loại tổn thương:

chandai2

2. Phân loại vết thương bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ: (Theo D.J. Armstrong 1998)

chandai3

Độ O: Vết thương tăng sừng hóa, kết sẹo.

Độ I: Vết thương nông, chủ yếu biểu bì và da.

Độ II: Vết thương lan sâu đến dây chằng và bao khớp.

Độ III: Vết thương sâu gây tổn thương khớp và xương.

Giai đoạn A: Vết thương sạch.

Giai đoạn B: Vết thương chủ yếu nhiễm trùng.

Giai đoạn C: Vết thương chủ yếu thiếu máu.

Giai đoạn D: Vết thương phối hợp nhiễm trùng và thiếu máu.

* Tỷ lệ cắt cụt chi dưới do vết thương bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ (dựa theo phân loại của D.J. Armstrong)

chandai4

V. Kết luận:

- Chăm sóc bàn chân bệnh nhân ĐTĐ là việc làm thường xuyên và quan trọng.

- Cần có sự quan tâm phối hợp của người thân đối với bệnh nhân.

- Cần phát hiện sớm và điều trị tích cực, đúng cách vết thương bàn chân.

- Hạn chế yếu tố nguy cơ phối hợp.

- Coi trọng biện pháp dự phòng.

- Thăm khám định kỳ, phối hợp nhiều chuyên khoa: da liễu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, nội tiết… nhất là khi có triệu chứng đau cách hồi 2 chi dưới, mất cảm giác bàn chân, bàn chân biến dạng

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Văn Khoa, Nguyễn Hải Thủy: “Tự chăm sóc và theo dõi bệnh đái tháo đường tại nhà”.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 13 Tháng 11 2015 15:47

You are here Tin tức Y học thường thức Hướng dẫn chăm sóc bàn chân bệnh nhân đái tháo đường