• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Những điều cần biết về bệnh khô mắt

  • PDF.

Bs Phan Nguyễn Tường Vi - Khoa Mắt

Khô mắt là một căn bệnh khá phổ biến trong cuộc sống ngày nay, nhưng hầu hết chúng ta chưa nhận biết được và chưa hiểu hết về khô mắt.

Có rất nhiều định nghĩa về khô mắt. Khô mắt là một tập hợp những bệnh của nước mắt và bề mặt nhãn cầu. Hay khô mắt là sự rối loạn của màng phim nước mắt, xảy ra khi nước mắt không thể cung cấp đầy đủ độ ẩm cho mắt. Trong đó, nước mắt có vai trò bôi trơn và bảo vệ bề mặt nhãn cầu, đang giảm thiểu về mặt số lượng và chất lượng. Hậu quả gây các triệu chứng khó chịu, rối loạn thị giác và bất ổn định của phim nước mắt với tổn thương bề mặt nhãn cầu.

Chế tiết nước mắt gồm hai chế tiết: cơ bản và phản xạ. Chế tiết cơ bản do các tuyến lệ phụ tiết ra là chủ yếu, tiết nước mắt thường xuyên. Chế tiết phản xạ do tuyến lệ chính tiết ra, nước mắt chỉ được tiết ra khi có phản xạ.

khomat1

Màng phim nước mắt là một màng mỏng gồm 3 lớp, có nhiệm vụ bao phủ và bôi trơn bề mặt nhãn cầu. Lớp ngoài cùng là lớp mỡ, có chức năng ngăn ngừa nước mắt bốc hơi và đóng vai trò thiết yếu trong chất lượng của phim nước mắt. Lớp giữa là lớp nước trong suốt, đảm bảo cung cấp oxy cho biểu mô giác mạc, có tính sát trùng nhẹ làm cho giác mạc trơn nhẵn, rửa trôi bụi bẩn. Lớp trong cùng là lớp nhầy, có chức năng giữ cho lớp nước trải đều trên bề mặt nhãn cầu, khiến giác mạc luôn được làm ẩm. Khi một trong các thành phần trên của phim nước mắt có sự thay đổi sẽ dẫn đến hiện tượng khô mắt.

Hiện tượng khô mắt thường xảy ra do rất nhiều nguyên nhân như:

  • Tuổi tác: tuổi càng cao (từ > 50 - 60 tuổi) mắt càng bị lão hóa, lượng nước mắt tiết ra giảm sẽ gây ra khô mắt.
  • Giới tính: nữ giới dễ bị khô mắt hơn so với nam giới.
  • Môi trường và lối sống: gió, không khí khô, làm việc nhiều giờ trong phòng máy lạnh hay với máy vi tính, mang kính áp tròng… là những điều kiện thuận lợi dễ gây ra khô mắt.
  • Viêm nhiễm ở mắt như viêm mi mắt, viêm kết mạc… cũng gây ra khô mắt.
  • Một số bệnh như: đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, lupus, xơ cứng bì, hội chứng Sjogren, rối loạn tuyến giáp... cũng gây ra khô mắt.
  • Rối loạn nội tiết tố: sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh làm giảm tiết nước mắt cũng gây ra khô mắt.
  • Thuốc: thuốc nhỏ mắt và tá dược, thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn bêta, và thuốc tránh thai… sẽ gây ra khô mắt do gây ra tác dụng phụ làm giảm tiết nước mắt..

Với các triệu chứng chính là cộm mắt, đỏ mắt, kích thích mắt, bệnh khô mắt gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vì luôn cảm thấy khó chịu trong mắt nên người khô mắt giảm tập trung công việc, hay than phiền về bệnh tật, giảm năng suất lao động. Nếu không được điều trị, các triệu chứng trên sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, nặng hơn, làm giảm thị lực và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh. Bệnh nhân sẽ khó chịu, cảm thấy chói, cộm, sợ ánh sáng, không mở được mắt.

Tại Mỹ ước tính có 4,91 triệu người trên 50 tuổi bị khô mắt (3,23 triệu là nữ giới và 1,68 triệu là nam giới) với tỷ lệ ước lượng từ 5% đến 35% dân số mắc. Việt Nam có khoảng 4 triệu đến 6 triệu người bị khô mắt ở các mức độ khác nhau, gặp nhiều ở người cao tuổi, phụ nữ thời kỳ mãn kinh, những người làm việc văn phòng có độ ẩm thấp, tiếp xúc với máy tính hoặc đọc viết ở cường độ cao kéo dài, những người sau phẫu thuật mắt đặc biệt phẫu thuật khúc xạ và thể thủy tinh.

Phòng ngừa và khắc phục

Bệnh khô mắt nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả đáng lo ngại như: bỏng rát mắt, mắt mờ, hạn chế tầm nhìn, nặng hơn có thể gây viêm kết giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc,… rất khó phục hồi. Vì vậy, để phòng ngừa và cải thiện tình trạng khô mắt, bạn cần thường xuyên:

  • Bổ sung nước mắt nhân tạo có độ nhờn cao nhưng không có chứa chất bảo quản, giúp bổ sung và duy trì độ ẩm cho mắt, hạn chế nước mắt bốc hơi.
  • Chớp mắt thường xuyên: Hãy để mắt nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút làm việc. Bạn nên chớp mắt chậm và nhiều lần để làm ẩm bề mặt giác mạc.
  • Đeo kính bảo vệ mắt: Hãy đeo kính ôm bảo vệ mắt, tránh để mắt tập trung cao. Nên chọn và sử dụng kính sát tròng đúng cách. Ngoài ra, nên đeo kính bơi để hạn chế mắt tiếp xúc với hóa chất trong nước hồ bơi.
  • Uống nhiều nước: Nên uống 1,5-2 lít mỗi ngày.
  • Chườm hoặc massage mắt: Massage nhẹ nhàng giúp mắt được xoa dịu và thư giãn.

Thuốc điều trị khô mắt

Thuốc sử dụng trong điều trị khô mắt tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh và thường được dùng ở dạng thuốc viên, thuốc nhỏ mắt hay thuốc mỡ tra mắt.

  • Nhóm thuốc kháng sinh: được sử dụng để điều trị khô mắt do nhiễm khuẩn, với các thuốc kháng sinh phổ rộng như: doxycyclin, tobramycin, nhóm quinolone, polymycin B…Cần lưu ý: với loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh không được sử dụng với thời gian quá một tuần.
  • Nhóm thuốc kháng viêm: được sử dụng để điều trị khô mắt do viêm mắt, với các thuốc kháng viêm corticosteroid hay các thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID). Cần lưu ý: khi sử dụng trong một thời gian dài, với thuốc kháng viêm ở dạng viên sẽ gây ra các tác dụng phụ như: viêm loét dạ dày - tá tràng, cao huyết áp…, với thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroid sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp…
  • Thuốc nhỏ mắt kết hợp: trong thành phần là sự kết hợp hai hay nhiều nhóm thuốc với nhau như kháng sinh, kháng viêm corticosteroid… giúp tăng hiệu quả điều trị khô mắt.
  • Thuốc nhỏ mắt kháng kích ứng: thuốc nhỏ mắt mà thành phần là các chất bôi trơn hay nước mắt nhân tạo: Glycerin, Polyvidon, Polyvinyl alcohol… có tác dụng tăng độ ẩm cho mắt, giúp ngăn ngừa tình trạng khô mắt.
  • Nhóm thuốc vitamin và khoáng chất: như vitamin A, E, C, B2, kẽm, selenium là những chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa khô mắt do lão hóa nên được sử dụng trong khô mắt.
  • Omega 3 là một axít béo không bão hòa, có vai trò quan trọng trong cơ thể, là thành phần cấu tạo võng mạc, giúp tăng cường thị lực và ngăn ngừa khô mắt. Omega 3 có nhiều trong cá, sữa, đậu nành, hạt lanh…

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Chủ nhật, 27 Tháng 11 2016 18:34

You are here Tin tức Y học thường thức Những điều cần biết về bệnh khô mắt