• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Những biểu hiện và cách phòng ngừa tự tử

  • PDF.

Nhân ngày thế giới phòng chống tự tử 10/9

Bs Phạm Văn Sáu – Khoa Cấp cứu

Trong xã hội hiện đại, với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, đời sống vật chất, tinh thần của con người không ngừng được nâng lên. Song bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều mâu thuẫn, áp lực công việc, bệnh tật, tệ nạn xã hội… khiến con người tìm đến cái chết.

Tự tử là một trong các nguyên nhân chết chóc, đặc biệt đối với người trẻ tuổi, theo tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng gần 1 triệu người tự tử, con số này không bao gồm những người tự tử nhưng không chết do được phát hiện và cứu chữa kịp thời, những trường hợp này thường xảy ra nhiều hơn so với người tự tử thành công.

Việc quản lý được các đối tượng có nguy cơ tự tử và phát hiện kịp thời các dấu hiệu của người có ý định tự tử sẽ giúp ngăn ngừa và chặn đứng được hành động tự tử.

tutu

* Những đối tượng có nguy cơ tự tử:

  • Người mắc các chứng bệnh tâm thần, đặc biệt là trầm cảm.
  • Người mắc các bệnh thực thể: bệnh mạn tính dai dẳng, ung thư.
  • Sử dụng các chất ma túy, bia rượu.
  • Gặp khó khăn, bế tắc trong công việc, trong học tập, trong tình yêu và hạnh phúc gia đình.
  • Những người đã có hành vi tự sát bất thành trước đây.
  • Đặc biệt chú ý đối tượng là trẻ vị thành niên có những xung đột nhất thời trong gia đình, bạn bè và xã hội.

* Những dấu hiệu thường gặp của người có ý định tự tử: Ngoại trừ một số người tự tử do phát sinh nhất thời thì đa số có các biểu hiện và dấu hiệu sau;

  • Luôn nhắc đến cái chết, muốn được chết, xem chết là lối thoát duy nhất.
  • Quan tâm đến cái chết: Viết thư tuyệt mệnh, điện thoại, nhắn tin cho người thân, bạn bè nói về sự ra đi của mình. Nói những lời vĩnh biệt như “Hẹn kiếp sau…”, “chúc ở lại…”. Sưu tầm những câu nói, bài viết về sự chết chóc.
  • Chuẩn bị phương tiện để tự tử: Mua thuốc về giấu trong nhà, dây thắt cổ, dao, kéo, xăng để đốt… Hay lân la đến các công trình cao tầng, đến cầu, sông, hồ…
  • Luôn than vãn về sự vô vọng, bế tắc, không chịu nổi với cuộc sống hiện tại, mất niềm tin vào tương lai.
  • Tự đày đọa bản thân, xem mình trở thành tội lỗi, thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
  • Chuẩn bị hành lý, sắp xếp công việc: như báo nghỉ ở cơ quan, chuẩn bị quần áo và các phương tiện cá nhân như một chuyến đi xa.
  • Giảm các mối tương tác với gia đình, bạn bè, tự cô lập bản thân.
  • Không quan tâm tới các hoạt động mà trước đó rất yêu thích, ngược lại có những hành vi bất thường như: sử dụng chất kích thích quá mức, lối sống buông thả và bất cần, không nghe lời khuyên của người thân. Hoặc không ăn, không ngủ, buồn vui bất thường, không quan tâm đến việc chăm sóc bản thân.
  • Thay đổi tính cách bất thường: từ một người đang buồn bã, ủ rủ đột nhiên trở nên vui vẻ, tin tưởng vì họ đã tìm ra được con đường giải thoát cho mình và chỉ chờ cơ hội thực hiện. Đây là điều nguy hiểm vì nếu không cảnh giác thì người xung quanh tưởng rằng đối tượng đã thực sự có giải pháp tích cực để vượt qua bế tắc.

* Những phương tiện sử dụng để tự tử: Có rất nhiều phương tiện mà người có ý định tự tử sử dụng, phổ biến nhất là:

  • Thuốc và hóa chất độc hại: Các loại thuốc tân dược, vùng nông thôn chủ yếu là các loại thuốc nông nghiệp, ở miền núi phổ biến nhất là lá ngón.
  • Nhảy sông, suối, nhảy từ các nhà cao tầng.
  • Thắt cổ.
  • Dùng vật sắc nhọn đâm vào cơ thể, cắt vào các mạch máu lớn.
  • Lao vào các phương tiện giao thông.
  • Để điện giật.

* Khi một ai đó có ý định tự tử thì những biện pháp cần can thiệp là:

  • Tiếp cận với đối tượng: Trao đổi để tìm hiểu về những khó khăn, bế tắc hiện tại, giúp họ vượt qua bế tắc và có suy nghĩ, hành động tích cực hơn. Hãy nói cho họ biết trên đời này không có gì là bế tắc cả, chỉ do mình chưa tìm ra cách giải quyết mà thôi. Cái chết không phải là giải pháp tốt mà chết đi sẽ để lại nỗi đau cho gia đình và người thân. Còn người là còn tất cả, những thiếu thốn và khó khăn trước mắt đều có thể tìm ra hướng giải quyết và rồi tất cả sẽ tốt đẹp hơn.
  • Quan tâm tới họ với một thái độ chân tình và cởi mở, giúp họ nói ra hết những nỗi u uất và bức xúc của mình để cho lòng nhẹ nhõm hơn. Làm cho họ cảm thấy không còn cô đơn mà luôn luôn có những người tốt bên cạnh mình, ủng hộ mình trong cuộc sống.
  • Liên hệ với các chuyên gia tâm lý, bác sỹ chuyên khoa để tìm các biện pháp điều trị phù hợp cho từng đối tượng.
  • Khuyên họ sống lành mạnh, không tham gia các tệ nạn xã hội, không nghiện ngập, tránh căng thẳng. Hãy đưa họ ra ngoài, tham gia các hoạt động vui chơi, ngắm cảnh, thư giãn để đầu óc tỉnh táo hơn.
  • Thường xuyên liên lạc và cung cấp cho họ những địa chỉ tin cậy để khi gặp khó khăn họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.
  • Hãy cất hết những phương tiện mà đối tượng có khả năng dùng để tự tử, đưa họ tránh xa những nhà cao tầng, cầu, sông, hồ..
  • Với học sinh, khi gặp stress thì cha mẹ cần lắng nghe, thầy cô cần gần gũi chỉ bảo thì ý nghĩ tiêu cực nhất thời của các em sẽ được vơi đi.
  • Cuối cùng, cần phải nhận thức được rằng, sự tỉnh táo của chúng ta sẽ có ích cho những người khác đang quẩn trí. Vì vậy hãy là bờ vai, là chỗ dựa về tinh thần cho những người không may gặp thất bại, bế tắc trong cuộc đời.

Tự tử là một cái chết có thể được chặn đứng, và chính sự quan tâm của xã hội, gia đình, và mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ là bàn tay giúp ngăn chặn hành vi nông nổi của con người trong cơn tuyệt vọng. Xét đến cùng, ai cũng yêu cuộc sống và quý trọng sinh mạng của mình, chỉ khi con người đã đến tột cùng của sự tuyệt vọng mới sinh ra quẩn trí và có ý định tự tử vì nghĩ rằng chết là hết, nhưng thực ra những cái chết oan uổng này sẽ gây một ảnh hưởng tâm lý rất lớn và lâu dài cho gia đình và xã hội.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 29 Tháng 8 2019 17:35

You are here Tin tức Y học thường thức Những biểu hiện và cách phòng ngừa tự tử