• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

  • PDF.

ĐD Phạm Thị Thu Hà - 

Những nguy cơ

Dù các con đường lây truyền HIV từ người này sang người khác đã được xác định rõ, nhưng sự lây truyền này vẫn còn nằm trong vòng khó kiểm soát: tỷ lệ sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục thấp, vẫn còn sử dụng chung bơm kim tiêm, vừa hoạt động bán dâm vừa sử dụng ma túy, vợ - chồng – bạn tình không biết tình trạng HIV của nhau nên không thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm, có thai mới phát hiện bị nhiễm HIV hoặc chủ động có thai khi đã được xác định nhiễm HIV… Thực trạng trên dẫn đến ngày càng có nhiều phụ nữ bị nhiễm HIV mang thai, tiếp tục thai kỳ và sinh nở, do đó có nhiều trẻ sinh ra bị phơi nhiễm với HIV. Vì vậy điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ làm giảm số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ.

Tại Việt Nam, theo số liệu giám sát trọng điểm, tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai là 0,4%, với số trẻ sinh ra hàng năm là 1,5 triệu đến 2 triệu thì mỗi năm có khoảng 6000 trẻ sinh ra có phơi nhiễm với HIV. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào để dự phòng là khoảng 36% (25% - 40%).

Việc đánh giá tình trạng lâm sàng, miễn dịch cho người mẹ cũng như theo dõi thai nghén định kỳ và chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phù hợp theo đúng hướng dẫn sẽ làm giảm thấp đáng kể nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ.

Lây truyền HIV từ mẹ sang con (LTMC) xảy ra ở cả 3 thời kỳ: 10% trong thời kỳ mang thai (do máu mẹ qua màng rau thai bị tổn thương sang máu con, 15%-20% trong thời kỳ chuyển dạ đẻ (tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của người mẹ chứa HIV), và 10% trong thời kỳ cho con bú (sữa mẹ có chứa HIV, núm vú tổn thương có thể chảy máu...).

hiv mecon

 HIV có thể lây truyền cho trẻ qua bú sữa mẹ

Biện pháp can thiệp

Những phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV có kết quả dương tính cần được theo dõi liên tục và can thiệp đúng quy trình nhằm làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho những trẻ sinh ra từ các bà mẹ này:

  • Được giới thiệu, chuyển gửi tới các cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS cho người lớn để đánh giá về lâm sàng (nhiễm trùng cơ hội, giai đoạn lâm sàng) và xét nghiệm (đồng nhiễm viêm gan B/C, các xét nghiệm cơ bản, số lượng tế bào CD4). Nếu đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng virus ARV theo Hướng dẫn Quốc gia về chẩn đoán và điều trị nhiễm HIV/AIDS, tiến hành điều trị bằng ARV cho những phụ nữ này (chú ý sử dụng các thuốc không ảnh hưởng tới thai nhi: ví dụ không sử dụng EFV, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ).
  • Với những phụ nữ mang thai HIV(+), tình trạng lâm sàng và miễn dịch còn tốt, cần tiến hành điều trị dự phòng bằng AZT liên tục cho đến khi chuyển dạ - dùng thêm liều đơn NVP 20mg vào tuần thai thứ 14 hoặc ngay sau khi phát hiện nhiễm HIV sau tuần thứ 14. Đồng thời, cứ 3 tháng một lần, kiểm tra CD4, nếu số lượng CD4 giảm < 350TB/mm3 thì bắt đầu điều trị ARV bằng phác đồ AZT + 3TC + EFV.

Theo dõi, quản lý có hệ thống và đưa ra các quyết định can thiệp phù hợp có hiệu quả cao làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Các can thiệp trước sinh: tư vấn xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bổ sung vitamin, sắt, dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội, sử dụng ARV để điều trị cho mẹ hoặc điều trị dự phòng LTMC… là những biện pháp hết sức cần thiết và hiệu quả làm giảm tỷ lệ LTMC.

Các can thiệp trong khi sinh: với những phụ nữ chưa tiếp cận các can thiệp trước sinh, cần tư vấn xét nghiệm nhanh HIV, nếu dương tính thì sử dụng phác đồ ARV dự phòng LTMC theo hướng dẫn, tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn… cân nhắc chỉ định mổ lấy thai, nhanh chóng lau sạch máu và sản dịch cho trẻ sơ sinh.

Can thiệp sau sinh: chủ yếu là tư vấn cho người mẹ về những lợi ích và nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú. Tốt nhất là nuôi trẻ bằng sữa thay thế nếu có điều kiện. Trường hợp không có điều kiện sử dụng sữa thay thế, cần hướng dẫn người mẹ cho bú hoàn toàn trong thời gian đầu, sau đó cai sữa sớm chuyển ăn dặm ngay khi có thể để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ. Trẻ cần được giới thiệu và chuyển gửi tới các phòng khám ngoại trú cho trẻ em để theo dõi và điều trị ARV.

Những bằng chứng về hiệu quả của các biện pháp can thiệp, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã làm thay đổi rất lớn quan điểm về mang thai và sinh sản ở phụ nữ nhiễm HIV so với thời kỳ đầu đại dịch HIV mới xuất hiện. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả lớn hơn nữa, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần tiếp tục triển khai rộng khắp, đúng quy trình, tăng cường khả năng tiếp cận cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trên cơ sở giảm dần và tiến đến xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 30 Tháng 6 2021 20:51

You are here Tin tức Y học thường thức Phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con