• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn có lọc máu ngoài thận chu kỳ

  • PDF.

Khoa Dinh Dưỡng

1. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn

Khi đã chuyển bệnh sang điều trị bằng lọc máu có chu kỳ thì urê, creatinin, acid uric máu và một số nitơ phi protein khác sẽ được giảm xuống đến mức an toàn sau chu kì lọc. Natri, kali, nước cũng được điều chỉnh tốt; pH máu có thể trở về bình thường. Bệnh nhân sẽ thoải mái hơn, ăn ngon hơn và ăn khỏe hơn và khỏe dần ra. Tuy nhiên, do chức năng thận đã suy nặng, những ngày sau chu kì lọc máu, urê, creatinin máu lại tăng, nội mô lại bị rối loạn, nhiều ít là do chế độ ăn uống của bệnh nhân. Do đó không thể bệnh ăn uống một cách tự do, không tính toán mặc dầu có được lọc máu có chu kỳ.

Trong kỳ lọc máu các ion như natri, kali, được điều chỉnh tốt nhưng những ngày không lọc máu mà bệnh nhân thiểu niệu, vô niệu thì rất dễ bị tăng kali máu do đó không thể để bệnh nhân ăn quá nhiều rau, quả được. Đối với nước và natri cũng vậy, nếu để bệnh nhân ăn quá mặn, quá nhiều mì chính thì cơ thể sẽ bị tích natri, ứ nước, tăng thể tích tuần hoàn, phù, tăng huyết áp.

Mặt khác qua lọc máu bệnh nhân cũng mất một số protein, một số yếu tố vi lượng qua màng lọc thận nhân tạo hay qua màng bụng. Lọc màng bụng mỗi ngày bệnh nhân có thể mất từ 6-8g protein. Lọc thận nhân tạo lượng protein mất ít hơn, khoảng 3-4g/mỗi chu kỳ lọc. Như vậy đối với bệnh nhân lọc máu chu kỳ nếu cứ dùng chế độ ăn giảm đạm như trong điều trị bảo tồn thì chắc chắn cân bằng nitơ sẽ bị âm tính. Bệnh nhân sẽ bị suy dinh dưỡng do thiếu đạm. Ngược lại nếu cho ăn quá nhiều protein, ăn tự do thì mức độ urê máu những ngày trước lọc máu tăng cao. Bệnh nhân sẽ kém thoải mái, chán ăn vì vẫn ở trong tình trạng urê máu cao.

Do đó ở bệnh nhân có lọc máu chu kỳ thì chế độ ăn uống được nâng cao hơn nhưng cần phải bỏ quan niệm không đúng cho rằng lọc máu ngoài thận thì được ăn uống tự do, tùy ý.

Tuy nhiên khác với trong điều trị bảo tồn dùng chế độ ăn ít đạm, giàu năng lượng, đủ vitamin thì ở bệnh nhân lọc máu ngoài thận chu kỳ phải đảm bảo 6 nguyên tắc sau đây: 

  • Đủ đạm, nhiều đạm hơn người bình thường. Người bình thường cần 1g/kg/ngày thì bệnh nhân lọc máu ngoài thận cần 1,2-1,4g/kg/ngày.
  • Đảm bảo 50% trở lên đạm động vật, giàu acid amin thiết yếu bao gồm trứng, sữa, thịt, cá, tôm, cua…
  • Đủ năng lượng, ít nhất là 35 Kcal/ngày.
  • Đủ vitamin và các yếu tố vi lượng khác.
  • Ít nước, ít natri, ít kali, giàu canxi, ít phosphat.
  • Điều chỉnh nhu cầu theo diễn biến lâm sàng.

2. Cách lựa chọn thực phẩm

- Đạm: nên lựa chọn những thực phẩm có đạm quý, giá trị sinh học cao, giàu axit amin cần thiết, tỷ lệ hấp thu cao như thịt nạc, trứng, sữa, cá, tôm... (chiếm 60% số lượng đạm đưa vào), tránh những thực phẩm có đạm từ thực vật như đậu đỗ.

- Chất béo: 2/3 có nguồn gốc từ thực vật, 1/3 từ động vật.

- Chất bột đường: nên dùng những chất bột có lượng đạm ít như khoai lang, khoai tây, miến dong, có thể bổ sung thêm bánh, kẹo, đường, mật mía...

- Rau, quả: có thể dùng như người bình thường, chú ý khi thiểu niệu thì nên dùng ít để tránh tăng Kali máu.xx

3. Quy trình xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân lọc máu chu kỳ

Dựa vào các nguyên tắc trên và cách lựa chọn thực phẩm, có thể xây dựng thực đơn theo các bước như sau:

- Khám bệnh nhân đánh giá tình trạng chung: phù, tăng huyết áp, thiếu máu, suy dinh dưỡng, suy tim, ure, creatinin máu sau lọc, mức tăng cân nặng trước lọc, sau lọc, mức giảm...

- Tính tổng năng lượng theo mức 35 Kcal/ Kg/ ngày.

- Tính lượng protein cần: 15 – 20% tổng năng lượng

+ Bệnh nhân lọc thận nhân tạo: 1,2g /Kg/ ngày

+ Bệnh nhân lọc màng bụng: 1,4g /Kg/ ngày

- Tính lượng chất béo cần, trung bình chiếm 20% tổng năng lượng

- Tính lượng chất bột đường: cung cấp số năng lượng còn lại.

- Tính lượng muối và mì chính/ ngày

- Tính lượng nước tiểu cần:

+ Thiểu niệu, vô niệu hoặc có phù: 500ml/ngày + thêm số lượng nước bằng lượng nước tiểu trong ngày

+ Mùa hè tăng gấp rưỡi, gấp 2.

- Rau, quả: 100 – 200 g/ngày. Nếu vô niệu thì cho ít, đề phòng tăng kali máu.

Ví dụ: Một bệnh nhân A, trước lọc nặng 52Kg, phù nhẹ, huyết áp tăng 160/100mmHg, đái 100ml/ ngày, lọc thận nhân tạo chu kỳ, ure máu 25mmol/lít. Ta sẽ có bảng tóm tắt nhu cầu các chất của bệnh nhân trên như sau:

anthan1

4. Kết luận

Tóm lại, bệnh nhân có lọc máu chu kỳ không được ăn uống quá tự do tùy ý. Đề phòng các biến chứng như phù, tăng huyết áp, thiếu máu, suy dinh dưỡng, suy tim, tăng kali máu... cần hướng dẫn bệnh nhân ăn đủ, ăn đúng. Quá thiếu hoặc thừa đều dẫn đến chất lượng sống kém và tử vong sớm. Cần cho ăn đủ đạm, đủ Kcal, đủ yếu tố vi lượng nhưng phải hạn chế nước, muối, kali...

Điều cần nhớ là sức khỏe bệnh nhân diễn biến hàng ngày, hàng tuần tùy theo kết quả quá trình lọc máu. Phải bám sát lâm sàng để điều chỉnh nhu cầu hàng ngày, hàng tuần dựa theo kết quả của các kỳ lọc máu.

Để thực hiện tốt góp phần nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân đòi hỏi phải có sự kiên trì và hợp tác giữa thầy thuốc, bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và các điều dưỡng viên tiết chế.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

You are here Tin tức Y học thường thức Chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận mạn có lọc máu ngoài thận chu kỳ