• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Những điều cần biết về rửa tay khi chăm sóc trẻ

  • PDF.

KS Huỳnh Thị Phúc - KSNK

1. Tầm quan trọng của việc rửa tay với xà phòng

Những nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng: rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng sẽ hạn chế được khoảng 47% nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy và khoảng 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp.

Ở Việt Nam, viêm nhiễm đường hô hấp cấp như cảm cúm, ho, cảm lạnh, … và tiêu chảy là hai nguyên nhân phổ biến gây bênh tật và tử vong cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Hầu hết trẻ em đều bị viêm nhiễm đường hô hấp ít nhất là 2 lần trong một năm. Trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã hứng chịu nhiều trận dịch bùng phát lặp đi lắp lại như Hội chứng suy hô hấp cấp (SARS), cúm gia cầm và tiêu chảy cấp. Các vụ dịch này đã gây nguy hiểm cho nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ.

Viêm nhiễm đường hô hấp cấp và tiêu chảy không những sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, mà còn ảnh hướng tới sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ.

ruatay4

Vi trùng gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ theo nhiều cách:

 - Người chăm sóc trẻ có thể vô tình mang mầm bệnh trên tay họ do không rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc làm vệ sinh cho trẻ. Những vi trùng này từ tay họ sẽ truyền sang miệng hay đường hô hấp cho trẻ khi họ đút thức ăn hoặc tiếp xúc vói trẻ.

- Trẻ nhỏ khám phá môi trường xung quanh thông qua việc dùng tay sờ mó, đưa tay và đồ vật vào miệng nên các vi trùng gây bệnh có thể thông qua bàn tay mà xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.

Ngoài ra các yếu tố khác cũng có thể gây nhiễm bệnh dẫn tới bệnh tiêu chảy như chất lượng nước kém và thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh. Rất may là việc rửa tay với xà phòng có thể dễ dàng cắt đứt con đường lây lan mầm bệnh có trong phần, môi trường, dịch mũi,… qua bàn tay đến với cơ thể con người.

ruatay1

ruatay2

Hình 1. Một số đường lây truyền của vi trùng sang cơ thể trẻ em

Hiện nay rửa tay với xà phòng chưa phải là thói quen của các mẹ và những người chăm sóc trẻ. Một nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy chỉ khoảng 15% số người rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh. Một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng:

- Chỉ khoảng 5% những người chăm sóc trẻ rửa tay với xà phòng trước khi cho trẻ ăn.

- 100% các hộ gia đình đều có ít nhất một loại xà phòng;

- Lý do khiến họ không rửa tay với xà phòng không phải là họ không có xà phòng;

- Trong số 60% các mẹ nói có rửa tay trước khi cho trẻ ăn cho rằng rửa tay với xà phòng là không cần thiết.

Qua nghiên cứu cũng cho thấy rằng: các bà mẹ quan tâm nhất tới sức khỏe và sự phát triển của con mình. Điều này cho thấy rằng họ sẽ thay đổi hành vi vì lợi ích của trẻ. Để làm được điều này, các bà mẹ cần biết về lợi ích của việc rửa tay với xà phòng và về sự thoải mái dễ chịu mà do hành vi này mang lại.

2. Bốn thời điểm quan trọng phải rửa tay với xà phòng

Ở Việt Nam, những bệnh lây lan phổ biến ở trẻ nhỏ là viêm nhiễm đường hô hấp và tiêu chảy. Trẻ càng nhỏ, sức đề kháng của cơ thể càng thấp nên càng có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Bệnh cảm cúm có thể dẫn đến viêm tai giữa, viêm phế quản phổi. Bệnh tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước cấp rất nguy hiểm. Những bệnh này khiến trẻ bị ốm và yếu, không ăn uống được, không đi học được, dẫn đến sự phát triển không toàn diện về thể chất và trí tuệ của trẻ. Nhiều gia đình đã phải dành rất nhiều tiền để mua thuốc, điều trị, chữa bệnh cho trẻ nên sẽ gây tốn kếm về tài chính cho gia đình.

Vi trùng có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ qua đường không khí khi ai đó đang bị bệnh viêm nhiễm đường hô hấp ho hoặc hắt hơi. Vi trùng có thể xâm nhập vào cơ thể qua bàn tay khi chúng ta không rửa sạch tay, mang những vi trùng cảm cúm chạm vào mắt, mũi hoặc miệng, xâm nhập vào cơ thể. Sau đó chúng sinh sôi ở mũi, tai hoặc họng khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi, quấy khóc và ốm.

Bàn tay là vùng ấm và ẩm ướt của cơ thể. Vi trùng có thể tồn tại và phát triển ở đó trong một thời gian dài. Mặt khác bàn tay thường xuyên tiếp xúc với những nơi, những đồ vật có thể có chứa các vi trung gây bệnh như phân (sau khi đi vệ sinh, làm vệ sinh cho trẻ) dịch mũi (dùng tay lau dịch mũi, che tay khi hắt hơi,…) và từ đó lại tiếp xúc với đồ vật khác (như nắm đấm cửa, tay cầm xe máy xe đạp, điện thoại, bàn phím máy tính, đồ chơi trẻ em, thức ăn,…) hay trực tiếp lên cơ thể người khác (như bồng bế trẻ, bắt tay, cho trẻ ăn...). Do vậy, bàn tay làm lây lan vi trùng sang người khác mà nhiều khi chúng ta không biết.

Rửa tay với xà phòng là cách tốt nhất để loại bỏ vi trùng gây những bệnh nguy hiểm cho trẻ như ho, cảm cúm (viêm đường hô hấp cấp) và tiêu chảy. Biết được về các con đường vi trùng có thể xâm nhập vào cơ thể có thể, giúp chúng ta dễ dàng lập nên hàng rào bảo vệ để ngăn chặn vi trùng di chuyển từ tay đến miệng đến mũi,…

Bốn thời điểm quan trọng cần rửa tay với xà phòng là:

1. SAU KHI đi vệ sinh:

Những người chăm sóc trẻ và trẻ nhỏ phải rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh để tránh nhiễm vào thức ăn hoặc vào trẻ nhỏ khi chạm tay vào trẻ hoặc đồ ăn.

2. SAU KHI  làm vệ sinh cho trẻ:

Tất cả phân đều có vi trùng, kể cả phân trẻ. Những người chăm sóc trẻ có thể ngăn chặn việc truyền vi trùng bằng cách rửa tay với xà phòng sau khi rửa cho trẻ và đổ phân cho trẻ. Cũng phải nhắc nhở để trẻ rửa tay với xà phòng sau khi tự đi vệ sinh.

3. TRƯỚC KHI chuẩn bị thức ăn:

Khi chưa rửa tay bằng xà phòng, vi trùng trên tay sẽ di chuyển sang thức ăn và sau đó trẻ ăn phải đồ ăn có vi trùng.

4. TRƯỚC KHI cho trẻ ăn hoặc trước khi trẻ tự ăn:

Rửa tay với xà phòng trước khi người chăm sóc trẻ cho trẻ ăn hoặc trước khi trẻ tự ăn sẽ loại bỏ vi trùng, nếu không rửa tay với xà phòng vi trùng có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ qua đường miệng.

ruatay3

Hình 2. Bốn thời điểm cần phải rửa tay với xà phòng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cục  Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, 2011, Sổ tay hướng dẫn lồng ghép truyền thông rửa tay với xà phòng, Hà Nội.
  2. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Chương trình nước và vệ sinh - Ngân hàng thế giới, 2008, Sổ tay tuyên truyền viên dự án “Truyền thông rửa tay với xà phòng mở rộng”.
  3. Nguyễn Thị Thanh Hà, Những vấn đề cần biết về rửa tay, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 24 Tháng 1 2014 12:37

You are here Tin tức Y học thường thức Những điều cần biết về rửa tay khi chăm sóc trẻ