• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Kỹ thuật bó bột bàn chân khoèo theo phương pháp Ponseti

  • PDF.

Lương Văn Phụng - Khoa Ngoại CT

Bàn chân khoèo là một dị tật bẩm sinh khiến bàn chân bị biến dạng xoay xuống dưới. Trên thế giới cứ một ngàn trẻ em sinh ra thì có 1 đến 3 trẻ bị tật bàn chân khoèo. Tật bàn chân khoèo khiến trẻ không thể đi lại bình thường do bàn chân quay vào trong, thậm chí quay ngược ra sau. Nếu không điều trị, tật bàn chân khoèo rất dễ thấy, khiến trẻ đi lại khó khăn, khổ sở, bị phân biệt đối xử và nghèo túng. Ở các nước phát triển, bàn chân khoèo thường được phát hiện khi sinh và chữa trị sớm. Phần lớn các nước đang phát triển thiếu các chương trình chẩn đoán và điều trị như thế.

 chankh1

Dị tật bàn chân khoèo

Các nước phát triển thích dùng phương pháp Ponseti để điều trị bàn chân khoèo thông qua vài lần nắn bó bột và mang giày nẹp mà không cần các phẫu thuật lớn, đau đớn và tốn kém. Bàn chân khoèo ở bé được điều trị với phương pháp Ponseti nhìn không khác bàn chân của bé bình thường. Tỷ lệ thành công của phương pháp Ponseti có thể đạt đến 95% nếu các bé được điều trị sớm trong 2 năm đầu sau sinh và có tuân thủ mang giày nẹp đầy đủ.

Bàn chân khoèo được điều trị bằng phương pháp Ponseti bao gồm vài lần nắn và bó bột mà không cần phẫu thuật hoặc phẫu thuật rất nhỏ. Thời điểm điều trị lý tưởng là sau khi bé được sinh ra một hay hai tuần. Ở giai đoạn này, các gân và dây chằng bàn chân của bé còn mềm dẻo nên việc điều trị sẽ rất thuận lợi. Tuy vậy, điều trị sau 1 hay 2 tuần tuổi cũng cho kết quả rất tốt.

Nguồn gốc của biến dạng bàn chân khoèo là do biến dạng của xương sên và di chuyển vào trong của xương ghe, với phương pháp Ponseti đã chỉ cho cơ chế việc chỉnh sửa. Phương pháp này bắt đầu sớm sau sinh từ 7- 10 ngày. Nếu được phát hiện và bắt đầu điều trị trước 9 tháng thì hầu hết các biến dạng có thể được chỉnh sửa hoàn toàn. Thời gian bó bột khoảng 6 lần, bột được thay hàng tuần.  Trước khi bó trẻ cần phải được nắn chỉnh bàn chân.

Công việc đầu tiên của phương pháp này là chỉnh sửa biến dạng lõm qua việc đặt vị trí của phần trước bàn chân tương đối thẳng trục với phần sau của bàn chân. Chỉ cần ngửa phần trước của bàn chân ta đã đạt được chiều dài của cung bàn chân tương đối bình thường.

Trong phương pháp Ponseti việc nắn chỉnh bàn chân khoèo cần xác định chỏm xương sên, đây là bước quan trọng và cần thiết. Đầu tiên là sờ vào 2 mắt cá với ngón cái và ngón trỏ của bàn tay A, trong khi bàn tay B giữ ngón chân và bàn chân, trượt bàn tay A về phía trước của mộng cổ chân để sờ vào chỏm xương sên, bạn có thể cảm giác chỗ lồi lên bờ ngoài của chỏm xương sên được phủ trên một lớp da mỏng phía trước mắt cá ngoài. Sau đó cố định xương sên bằng cách đặt ngón tay cái lên chỏm xương sên, đồng thời ngón trỏ của cùng bàn tay thì đặt phía sau mắt cá ngoài, điều này giúp cố định cổ chân trong khi dạng bàn chân ngăn ngừa dây chằng mác gót sau kéo xương gót về phía sau trong suốt thời gian nắn chỉnh. Tiếp theo dạng bàn chân trong tư thế ngửa, dạng càng nhiều càng tốt nhưng phải chú ý đến sự khó chịu của đứa bé, giữ bàn chân bằng cách ép nhẹ nhàng trong 60 giây sau đó thả ra. Sự chỉnh sửa có thể hoàn toàn đạt được sau 4-5 lần bó bột. Lần bó bột thứ nhất chỉ chỉnh sửa lõm và khép (bàn chân vẫn còn gập lòng). Từ lần thứ 2 đến lần thứ 4 thì chỉnh sửa khép và vẹo vào. Nếu sau 4-5 lần bó bột mà gập lòng bàn chân chỉ cải thiện ít thì cần phải phẩu thuật cắt gân Achilles.

Các bước bó bột: Mỗi lần bó bột cần phải được nắn chỉnh.

Bó bông độn: Bông độn cần lớp mỏng để đạt được hiệu quả tạo khuôn lên bàn chân, cần duy trì vị trí bàn chân tối đa đã được nắn chỉnh bằng cách giữ các ngón chân ngay từ khi bắt đầu bó bột.

Bó bột : Đầu tiên bó bột dưới gối, bắt đầu quấn 3-4 vòng ở các ngón chân (quấn lên cả các ngón tay của người phụ), sau đó di chuyển dần lên, quấn bột nhẹ nhàng đều tay, hơi chặt ở phía trên gót, Không nên cố dùng lực chỉnh sửa sau khi đã quấn bột, dùng một lực nhẹ nhàng, không ấn liên tục ngón cái lên chỏm xương sên mà luân phiên ấn vào thả ra để ngăn ngừa loét da. Tạo khuôn lên chỏm xương sên ở vị trí bàn chân đã chỉnh sửa, còn ngón trỏ tạo khuôn ở phần trên xương gót, cung bàn chân phải được tạo khuôn chính xác. Sau khi bột khô tiếp tục độn bông và bó bột lên tận gốc đùi, cần tăng cường bột phía trước gối để bột được vững hơn.

Dùng dao cắt bột phần mu chân cho đến khớp ngón chân, phần bột phía gan chân phải giữ lại để nâng đỡ các ngón chân.

Bó bột sau khi cắt gân Achilles: Sau khi cắt gân bé cần được bó bột ngay với bàn chân dạng 60-70 độ so với mặt phẳng trên của xương chày. Chú ý sự dạng tối đa của bàn chân so với cẳng chân là vị trí chỉnh sửa quá mức bàn chân không bao giờ được sấp. Bột bó được giữ 3 tuần.

Sau khi tháo bột đứa trẻ cần được mang nẹp suốt ngày và đêm trong 3 tháng, sau đó 12 giờ ban đêm và 2-4 giờ giữa ban ngày (lúc trẻ ngủ), tiếp tục như vậy cho đến khi trẻ được 3-4 tuổi.

Hướng dẫn cho bố mẹ sau khi bó bột cho trẻ:

  • Kiểm tra sự lưu thông máu của bàn chân.
  • Kiểm tra bột có bị tuột.
  • Cần giữ bột khô ráo sạch sẽ, không để nước hoặc nước tiểu thấm lên bột làm bột ẩm ướt và hỏng.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 08 Tháng 7 2016 06:32

You are here Tin tức Y học thường thức Kỹ thuật bó bột bàn chân khoèo theo phương pháp Ponseti