BS Võ Văn Phong -
8. Thông khí bảo vệ phổi trong gây mê
Thông khí bảo vệ phổi (VT thấp, đặt PEEP) là có lợi cho các bệnh nhân ARDS và tổn thương phổi cấp (acute lung injury-ALI), và trở thành chăm sóc tiêu chuẩn trong ICU.
Thông khí bảo vệ phổi có thể có lợi cho các bệnh nhân không có tổn thương phổi, bao gồm các bệnh nhân có thông khí nhân tạo trong mổ.
Tác động phổi của gây mê toàn thân – Gây mê toàn thân làm giảm dung tích cặn chức năng (Functional residual capacity-FRC), và hậu quả là gây xẹp phổi đến 90% các bệnh nhân. Ngoài ra, xẹp phổi hấp thụ xảy ra trong gây mê toàn thân với nồng độ oxy thở vào cao. Thông khí cơ học đối mặt với xẹp phổi làm biến dạng nhu mô phổi, tạo ra sự căng phế nang, và khiến phổi bị chấn thương thể tích, chấn thương áp lực, và chấn thương sinh học.
Mục tiêu của thông khí bảo vệ phổi trong gây mê là để giảm căng phế nang quá mức và xẹp phổi theo chu kỳ (còn gọi là atelectrauma), đó là những khởi đầu chính của tổn thương phổi liên quan đến máy thở. Xẹp phổi có thể được ngăn ngừa hoặc đảo ngược bằng PEEP hoặc thủ thuật huy động phế nang (recruitment maneuvers), và sự căng phế nang quá mức có thể tránh được với thể tích khí lưu thông thấp và giảm áp lực cao nguyên và/hoặc áp lực đẩy.
Tác động phổi của gây mê toàn thân thường được dung nạp tốt ở những bệnh nhân khỏe mạnh trong thời gian gây mê ngắn. Tuy nhiên, nguy cơ biến chứng phổi sau mổ có thể tăng lên bởi các đặc điểm của bệnh nhân, quy trình phẫu thuật, và kỹ thuật gây mê.