• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

TIỀN SẢN GIẬT: Triệu chứng, nguy cơ, biến chứng và phòng ngừa

  • PDF.

Bs Nguyễn Thị Kiều Trinh - 

Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ được đặc trưng bởi huyết áp cao và có dấu hiệu tổn thương hệ thống cơ quan khác, thường là gan và thận. Tiền sản giật thường bắt đầu sau 20 tuần mang thai ở những phụ nữ có huyết áp bình thường. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng - thậm chí gây tử vong cho mẹ và thai. 

1. Triệu chứng

Tiền sản giật đôi khi phát triển mà không có bất kỳ triệu chứng. Huyết áp cao có thể phát triển chậm, hoặc nó có thể khởi phát đột ngột. Theo dõi huyết áp của mẹ là một phần quan trọng của chăm sóc trước sinh vì dấu hiệu tiền sản giật đầu tiên thường là tăng huyết áp. Huyết áp ≥ 140/90 mm Hg được ghi nhận trong hai lần, cách nhau ít nhất bốn giờ được xem là cao huyết áp.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác của tiền sản giật có thể bao gồm:

  • Protein niệu.
  • Nhức đầu dữ dội.
  • Thay đổi về thị lực, bao gồm mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
  • Đau bụng trên, thường là hạ sườn phải.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Lượng nước tiểu giảm.
  • Giảm tiểu cầu trong máu.
  • Giảm chức năng gan .
  • Khó thở, có dịch trong phổi,

Tăng cân đột ngột và phù đặc biệt là ở mặt và tay có thể xảy ra với tiền sản giật nhưng cũng có thể xảy ra ở nhiều trường hợp mang thai bình thường, vì vậy dấu hiệu này không đáng tin cậy.

tiensangiatt

2. Dấu hiệu cần nhập viện

Khi có thai, phụ nữ cần đăng ký quản lý thai nghén tại trạm y tế cơ sở hoặc tại các phòng khám thai của các bệnh viện. Nhập viện ngay khi có các dấu hiệu: đau đầu dữ dội, mờ mắt hoặc rối loạn thị giác khác, đau bụng dữ dội hoặc khó thở nghiêm trọng.

Phụ nữ có thai lần đầu có thể phàn nàn các triệu chứng đau đầu, buồn do đó sẽ khó phân biệt đó là thay đổi bình thường khi mang thai hay là dấu hiệu nghiêm trọng báo trước tiền sản giật. Nếu bạn lo lắng về các triệu chứng của mình, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác của tiền sản giật liên quan đến một số yếu tố. Các chuyên gia cho rằng nó liên quan đến các mạch máu của nhau thai. Khi có thai, các mạch máu vùng tử cung phát triển để đưa máu đến nhau thai một cách hiệu quả.

Ở phụ nữ bị tiền sản giật, những mạch máu này dường như không phát triển hoặc bất thường. Chúng hẹp hơn các mạch máu bình thường và phản ứng khác nhau với tín hiệu nội tiết tố làm hạn chế lượng máu trao đổi của nhau thai.

Nguyên nhân của sự phát triển bất thường này có thể bao gồm:

  • Lưu lượng máu đến tử cung không đủ
  • Tổn thương mạch máu
  • Một vấn đề với hệ thống miễn dịch
  • Một số gen nhất định

4. Rối loạn cao huyết áp khác khi mang thai

Tiền sản giật được phân loại là một trong bốn rối loạn cao huyết áp có thể xảy ra trong thai kỳ. Ba trường hợp khác là:

Tăng huyết áp thai kỳ. Phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ có huyết áp cao nhưng không có protein trong nước tiểu hoặc các dấu hiệu tổn thương nội tạng khác. Một số phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ cuối cùng phát triển tiền sản giật.

Tăng huyết áp mãn tính. Tăng huyết áp mãn tính là huyết áp cao xuất hiện trước khi mang thai hoặc xảy ra trước 20 tuần của thai kỳ. Nhưng vì huyết áp cao thường không có triệu chứng, nên có thể khó xác định khi nào nó bắt đầu.

Tăng huyết áp mãn tính với tiền sản giật chồng chất. Tình trạng này xảy ra ở những phụ nữ được chẩn đoán bị huyết áp cao mãn tính trước khi mang thai, nhưng sau đó bị tăng huyết áp và protein trong nước tiểu hoặc các biến chứng sức khỏe khác trong thai kỳ.

5. Các yếu tố nguy cơ

  • Tiền căn tiền sản giật. Tiền sử cá nhân hoặc gia đình tiền sản giật làm tăng đáng kể nguy cơ tiền sản giật.
  • Tăng huyết áp mãn tính. Nếu tăng huyết áp mãn tính có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn.
  • Mang thai lần đầu. nguy cơ tiền sản giật cao trong lần mang thai đầu tiên.
  • Bạn tình mới. Mỗi lần mang thai với một bạn tình mới làm tăng nguy cơ tiền sản giật nhiều hơn so với lần mang thai thứ hai hoặc thứ ba với cùng một người.
  • Tuổi tác. Nguy cơ tiền sản giật cao hơn đối với phụ nữ mang thai rất trẻ cũng như phụ nữ mang thai trên 35 tuổi.
  • Chủng tộc. Phụ nữ da đen có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn phụ nữ thuộc các chủng tộc khác.
  • Béo phì. Nguy cơ tiền sản giật cao hơn nếu béo phì.
  • Đa thai. Tiền sản giật phổ biến hơn ở những phụ nữ mang song thai, sinh ba hoặc đa thai.
  • Khoảng thời gian giữa các lần mang thai. Có con cách nhau dưới hai năm hoặc hơn 10 năm dẫn đến nguy cơ tiền sản giật cao hơn.
  • Một số bệnh mạn tính khác như cao huyết áp mãn tính, đau nửa đầu, tiểu đường loại 1 hoặc loại 2, bệnh thận, có xu hướng phát triển cục máu đông hoặc lupus - làm tăng nguy cơ tiền sản giật.
  • Thụ tinh trong ống nghiệm. Nguy cơ tiền sản giật của bạn tăng lên nếu em bé của bạn được thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

6. Biến chứng

Tiền sản giật của bạn càng nghiêm trọng và xảy ra càng sớm trong thai kỳ, nguy cơ cho mẹ và thai càng lớn. Tiền sản giật có thể cần khởi phát chuyển dạ. Sinh mổ đôi khi là cần thiết nếu dấu hiệu lâm sàng hoặc sản khoa đòi hỏi phải sinh nhanh.

Các biến chứng của tiền sản giật có thể bao gồm:

  • Hạn chế tăng trưởng của thai nhi. Tiền sản giật ảnh hưởng đến các mạch máu đến nhau thai. Điều này có thể dẫn đến tăng trưởng chậm được gọi là hạn chế tăng trưởng của thai nhi, nhẹ cân hoặc sinh non.
  • Sinh non. Nếu bạn bị tiền sản giật với các dấu hiệu nghiêm trọng, mẹ có thể cần được sinh sớm, để cứu mạng sống của mẹ và thai. Sinh non có thể dẫn đến hô hấp và các vấn đề khác cho sơ sinh. Các Bác sĩ sản khoa sẽ cân nhắc để chọn lựa thời điểm thích hợp chấm dứt thai kỳ.
  • Nhau bong non. Tiền sản giật làm tăng nguy cơ nhau thai tách ra khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Sự gián đoạn nghiêm trọng có thể gây chảy máu nặng, có thể đe dọa tính mạng cho mẹ và thai.
  • Hội chứng HELLP.  - viết tắt của tan máu (phá hủy tế bào hồng cầu), men gan cao và số lượng tiểu cầu thấp - đây là một dạng tiền sản giật nặng hơn và có thể nhanh chóng đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và thai. Các triệu chứng của hội chứng HELLP bao gồm buồn nôn và nôn, đau đầu và đau bụng hạ sườn phải. Hội chứng HELLP đặc biệt nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến một số cơ quan. Đôi khi, nó có thể phát triển đột ngột, ngay cả trước khi huyết áp cao được phát hiện hoặc nó có thể phát triển mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
  • Sản giật. Khi tiền sản giật không được kiểm soát, sản giật - về cơ bản là tiền sản giật cộng với co giật - có thể phát triển. Rất khó để dự đoán bệnh nhân nào sẽ bị tiền sản giật đủ nghiêm trọng dẫn đến sản giật. Thông thường, không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo để dự đoán sản giật. Bởi vì sản giật có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và thai, do đó việc chấm dứt thai kỳ là cần thiết, không tính đến tuổi thai.
  • Tổn thương cơ quan khác. Tiền sản giật có thể dẫn đến tổn thương thận, gan, phổi, tim hoặc mắt và có thể gây đột quỵ hoặc xuất huyết não. Số lượng tổn thương các cơ quan khác phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật.
  • Bệnh tim mạch. Bị tiền sản giật có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu (tim mạch) trong tương lai. Nguy cơ thậm chí còn lớn hơn nếu bạn bị tiền sản giật nhiều lần hoặc bị sinh non. Để giảm thiểu rủi ro này, sau khi sinh hãy cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng của bạn, ăn nhiều loại trái cây và rau quả, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc.

7. Phòng ngừa

Các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu các cách để ngăn ngừa tiền sản giật, nhưng cho đến nay, không có chiến lược rõ ràng nào được khuyến cáo. Ăn ít muối, thay đổi hoạt động, hạn chế calo hoặc tiêu thụ tỏi hoặc dầu cá không làm giảm nguy cơ tiền sản giật. Tăng lượng vitamin C và E không được chứng minh là có lợi.

Một số nghiên cứu đã báo cáo về mối liên quan giữa thiếu vitamin D và tăng nguy cơ tiền sản giật. Nhưng trong khi một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa việc bổ sung vitamin D và nguy cơ tiền sản giật thấp hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, bạn có thể giảm nguy cơ tiền sản giật bằng:

  • Aspirin liều thấp. Nếu bạn gặp một số yếu tố nguy cơ - bao gồm tiền sử tiền sản giật, đa thai, cao huyết áp mãn tính, bệnh thận, tiểu đường hoặc bệnh tự miễn - bác sĩ có thể khuyên dùng aspirin liều thấp hàng ngày 81 mg sau 12 tuần mang thai .
  • Bổ sung canxi. Trong một số quần thể, phụ nữ bị thiếu canxi trước khi mang thai - và không có đủ canxi trong thai kỳ thông qua chế độ ăn uống của họ - có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung canxi để ngăn ngừa tiền sản giật

Điều quan trọng là bạn không dùng bất kỳ loại thuốc, vitamin hoặc chất bổ sung nào mà không có ý kiến của Bác sĩ sản khoa. Trước khi bạn có thai, đặc biệt là nếu bạn đã bị tiền sản giật trước đó, nên điều chỉnh sức khỏe hợp lý. Giảm cân , và đảm bảo bệnh tiểu đường được quản lý tốt.

Khi có thai, hãy theo dõi thai kỳ thường xuyên thông qua chăm sóc trước khi sinh sớm. Nếu tiền sản giật được phát hiện sớm, Bác sĩ có thể đưa ra một phương án thích hợp để ngăn ngừa các biến chứng và đưa ra lựa chọn tốt nhất cho mẹ và thai.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.mayoclinic.org/diseasesconditions/preeclampsia/symptoms 19/3/2020.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 23 Tháng 6 2020 22:24

You are here Đào tạo Đào tạo ngành y tế TIỀN SẢN GIẬT: Triệu chứng, nguy cơ, biến chứng và phòng ngừa