• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Bệnh mạch vành

  • PDF.

I. KHÁI NIỆM

Bệnh mạch vành còn có nhiều tên gọi khác như: Thiểu năng vành, suy động mạch vành, thiếu máu cơ tim hay bệnh tim thiếu máu cục bộ…

Danh từ bệnh động mạch vành dùng để chỉ tình trạng bệnh lý làm cho lòng động mạch vành bị hẹp lại hoặc tắc nghẽn. Khi lòng ĐM vành bị hẹp đến một mức độ nào đó thì dòng máu đến nuôi tim sẽ không đủ và dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim.

II. NGUYÊN NHÂN BỆNH MẠCH VÀNH

Nguyên nhân thường gặp là do mảng xơ vữa bám vào lòng mạch, mảng xơ vữa gây phản ứng viêm, có thể lớn dần lên gây hẹp nặng lòng mạch và khi vỡ dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, một số trường hợp mạch vành bị co thắt gây hẹp mạch vành từng lúc cũng gây ra triệu chứng đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim.

Nguyên nhân của xơ vữa ĐM thì chưa được xác định rõ ràng tuy nhiên khi nói đến nguyên nhân của bệnh mạch vành người ta dùng đến khái niệm yếu tố nguy cơ (YTNC). Yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành là những yếu tố mà khi hiện diện ở một cá thể nào đó thì làm cho cá thể đó có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cao hơn các cá thể khác.

Những YTNC của bệnh mạch vành là: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, béo phì, đái tháo đường, gia đình có người bị bệnh mạch vành sớm, nam giới, lớn tuổi…

III. TRIỆU CHỨNG BỆNH MẠCH VÀNH

- Đau ngực: triệu chứng của thiếu máu cơ tim thường gặp nhất là đau thắt ngực. Đau khởi phát khi gắng sức, ở ngay sau xương ức, đau nhói, thắt chặt, lan ra vai trái, cánh tay trái, bàn tay trái. Đau giảm đi khi nghỉ ngơi hoặc khi dùng thuốc dãn mạch. Nếu cơn đau xuất hiện lúc nghỉ ngơi hoặc cơn đau quá trầm trọng hoặc cơn đau kéo dài trên 30 phút thì phải nghĩ đến là bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.

- Một số người già, bệnh tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi mắc bệnh mạch vành có thể không có triệu chứng đau thắt ngực điển hình như trên mà thay vào đó là mệt hoặc khó thở khi gắng sức. Những trường hợp đó gọi là thiếu máu cơ tim yên lặng.

Như vậy ngay sau khi bạn có triệu chứng đau ngực như trên bạn không nên chủ quan mà hãy đến phòng khám tim mạch để được Bác sỹ chuyên khoa tim mạch khám và tư vấn bạn làm một số thăm dò nhằm khẳng định rằng bạn có thật sự bị bệnh mạch vành hay không.

IV. NHỮNG THĂM DÒ ĐỂ CHẨN ĐOÁN BỆNH MẠCH VÀNH

Ngoài việc khai thác tiền sử, tính chất cơn đau ngực của bạn, Bác sỹ của bạn cần làm một số tăm dò khác để chẩn đoán.

1. Điện tâm đồ (ECG) lúc nghỉ: Thiếu máu cơ tim làm thay đổi điện học của cơ tim và ECG phát hiện ra những thay đổi đó. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng chỉ khoảng 50% bệnh nhân bị bệnh mạch vành có thay đổi ECG và cũng có một số thay đổi giống như thiếu máu cơ tim nhưng không phải bệnh mạch vành. Bác sỹ tim mạch của bạn sẽ phân tích việc đó cho bạn.

2. Siêu âm tim: Tình trạng thiếu máu cơ tim làm ảnh hưởng đến sự co bóp của tim những vùng giảm động do thiếu máu cơ tim gây ra sẽ được phát hiện bởi siêu âm tim.

3. Điện tâm đồ và siêu âm tim lúc gắng sức: Nếu  lòng động mạch vành chỉ hẹp nhẹ thì triệu chứng thiếu máu cơ tim chỉ xảy ra khi gắng sức. Như vậy bệnh nhân chỉ đau ngực khi gắng sức và những thay đổi về điện tâm đồ và về siêu âm tim chỉ xuất hiện khi bệnh nhân gắng sức mà thôi. Lúc này, ECG và siêu âm tim gắng sức sẽ phát hiện ra những thay đổi đó.

4. Xạ hình tưới máu cơ tim: Dùng chất đồng vị phóng xạ bơm vào mạch máu. Những vùng nào của cơ tim bị thiếu máu nuôi sẽ giảm hoặc không bắt được chất đồng vị phóng xạ, dùng máy scan để phát hiện những vùng như vậy.

5. Chụp động mạch vành chọn lọc: Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh động mạch vành. Thông qua thăm dò này Bác sỹ của bạn biết được tình trạng của hệ thống động mạch vành của bạn như thế nào: hẹp, tắc, tại đâu, bao nhiêu mạch máu bị tổ thương…và từ đó có chỉ định điều trị tiếp theo cho bạn.

6. Chụp cắt lớp điện toán đa lát (MSCT): Chụp và dựng lại hình ảnh động mạch của bạn, phát hiện được vị trí hẹp động mạch vành, sự vôi hóa động mạch vành, có thể nói đây là một thăm dò để nhanh chóng sàng lọc bệnh nhân bị bệnh động mạch vành hiện nay với độ nhạy khá cao. Tuy nhiên thăm dò này có độ đặc hiệu không cao, khó thực hiện khi nhịp tim bạn quá nhanh và một điều đặc biệt quan trọng là không thể can thiệp động mạch vành hẹp của bạn (nong bằng bóng hay đặt giá đỡ) dựa theo thăm dò này mà không cần chụp động mạch vành chọn lọc.

7. Một số thăm dò khác như: Chụp Xquang tim phổi để loại trừ các bệnh khác về phổi của ban gây đau ngực, Bác sỹ có thể lấy máu định lượng men tim để đánh giá mức độ trầm trọng của tình trạng thiếu máu cơ tim…

V. ĐIỀU TRỊ BỆNH MẠCH VÀNH

Nếu bạn bị bệnh mạch vành thì tùy vào tình trạng động mạch vành của bạn mà Bác sỹ sẽ chọn phương pháp điều trị cho bạn. Tuy nhiên một điều hết sức quan trọng đối với bạn đó là bạn phải tiết thực (ít calori, giảm chất béo động vật…), tăng cường vận động, bỏ thuốc lá, thay đổi lối sống…

Các biện pháp điều trị:

1. Nội khoa

- Điều trị các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, béo phì…

- Thuốc chống ngưng kết tiểu cầu: Aspirine,Clopidogrel…

- Thuốc chống đau ngực như các thuốc dãn mạch vành

- Chẹn bêta: Là những thuốc giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim nhưng tránh ở những người nhịp tim chậm, hen phế quản…

2. Điều trị can thiệp ĐM vành (nong rộng lòng ĐM vành, đặt khung giá đỡ trong lòng ĐM vành). Nếu bạn bị đau ngực do thiếu máu cơ tim mà ít hoặc không đáp ứng với thuốc điều trị nội khoa hoặc cơn đau thắt ngực của bạn là không ổn định hoặc bạn bị nhồi máu cơ tim.

3. Điều trị phẫu thuật bắc cầu ĐM vành. Nếu ĐM vành bị tổn thương nhiều chổ, tổn thương kéo dài… cho các trường hợp mà không thể can thiệp ĐM được.

4. Tế bào gốc: Là một hướng đi mới đang được bắt đầu triển khai tại Việt nam trong thời gian gần đây. Trong trường hợp cơ tim của bạn không còn phục hồi sau khi bị tổn thương vì thiếu máu cơ tim, các bác sĩ lấy dịch trong tủy xương của bạn tách tế bào gốc không chọn lọc, dùng ống thông như thủ thuật của tim mạch can thiệp bơm dung dịch tế bào gốc vào lòng động mạch vành, vị trí nhánh nuôi vùng cơ tim bị tổn thương. Qua theo dõi, phương pháp này làm cải thiện chức năng co bóp của cơ tim bị thiếu máu.

ThS. BS Nguyễn Lương Quang

Phó BT Đoàn Bệnh viện

You are here Đào tạo Tập san Y học Bệnh mạch vành