• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Bệnh ấu trùng sán dây lợn ở Não(NEUROCYSTICERCOSIS)

  • PDF.

1. SÁN DÂY LỢN

- Sán lợn phân bổ ở nhiều nơi trên thế giới: Châu Phi, Đông và Đông Nam Châu Âu, Châu Mỹ, Đông Nam Châu Á. Việt Nam là một điểm nóng, bệnh phân bố rải rác ở 49 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỷ lệ nhiễm có nơi lên đến 5-7%.

chutrinhlaynhiemsangiaylon

Chu trình lây nhiễm sán dây lợn

- Với phong tục ăn thức ăn chưa chín hoặc tái (thịt lợn, thịt bò, tiết canh, gỏi cá, thịt hun khói, thịt nướng …) uống nước lã, ăn rau sống rửa không sạch còn dính trứng sán là điều kiện dễ mắc bệnh. Ấu trùng sán dây ở trong thịt lợn gọi là bệnh sán lợn gạo.

- Phương thức lây nhiễm

+ Qua ăn uống: Người ăn uống phải trứng sán, trứng sán vào đến dạ dày - ruột, dưới tác dụng của dịch tiêu hóa trứng sẽ nở ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào mạch máu và mạch bạch huyết, đến các cơ quan trong cơ thể thành thể nang. Hay gặp nhất là nhu mô não và mắt. Ngoài ra còn xuất hiện ở: cơ vân, mô dưới da, tim, phổi, gan, tủy sống ...

+ Đường tự nhiễm: Người mắc bệnh, sán trưởng thành kí sinh ở ruột non. Do nhu động ngược của ruột như nôn mửa, các đốt sán già trào ngược lên dạ dày. Tại đây trứng thoát ra khỏi đốt sán và nở ra ấu trùng (số lượng rất lớn) chui qua niêm mạc đường tiêu hóa vào hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể, vào các cơ, các mô, phát triển thành nang ấu trùng sán (cysticereus cellulosae).

2.  BỆNH ẤU TRÙNG SÁN  DÂY LỢN Ở NÃO

- Biểu hiện lâm sàng phụ thuộc vào: số lượng, vị trí, giai đoạn phát triển ấu trùng ở não. Các nang sán có thể ở não, tủy sống, mắt, cơ và mô dưới da. Các vị trí nang sán tại não và mắt dễ gây tử vong và có tỷ lệ mắc nhiều nhất.

- Não là vị trí hay gặp nhất của ấu trùng sán lợn: 60 - 90%, mắt chiếm tỷ lệ: 1 - 3% các trường hợp bệnh. Triệu chứng hay gặp: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, giảm trí nhớ; nặng hơn có thể rối loạn tâm thần, liệt mặt, liệt tứ chi, nói ngọng, mờ mắt, viêm màng não mạn tính, sút cân, động kinh … và có thể dẫn đến tử vong.

- Chẩn đoán:

+ Lâm sàng: thường bệnh diễn biến âm thầm, lặng lẽ, dễ nhầm với một số bệnh khác, khi xác định được thường là giai đoạn muộn.

+ Cận lâm sàng

* Sinh thiết các nốt nang sán ở da

* Soi phân tìm trứng và đốt sán: ít gặp

* Soi đáy mắt: thấy nang sán

* Phản ứng ELISA (+) : tìm kháng thể đơn dòng

* Chụp CT Scanner sọ não

* Chụp MRI sọ não

- Điều trị đặc hiệu: Praziquantel (Distocid), Albendazol (Fucaris)

- Điều trị triệu chứng

+ Chống phù não, chống động kinh, chống rối loạn thần kinh thực vật, dùng vitamin nhóm B

+ Điều trị phòng loét dạ dày tá tràng do dùng Corticoid

+ Nâng cao thể trạng

+ Nếu BN có tình trạng tăng áp lực nội sọ quá cao, có biểu hiện tụt kẹt hạnh nhân tiểu não do nang sán làm tắc nghẽn đường lưu thông dịch não tủy gây tràn dịch não thất thì phải áp dụng kỹ thuật nối SHUNT não thất - bụng

+ Nếu kén ở nội nhãn thì phải phẫu thuật lấy kén.

citiscan

CT scan đầu một bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán lợn ở não

3. DỰ PHÒNG SÁN DÂY LỢN Ở NGƯỜI

- Vệ sinh ăn uống: Ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh, không ăn thịt nấu chưa chín, ăn rau sống phải rửa sạch, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi ngoài.

- Vệ sinh môi trường sạch sẽ, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không đại tiện bừa bãi, không nuôi lợn thả rông.

- Dùng thuốc diệt sán khi lợn bị nhiễm sán dây lợn.

- Đi cầu thấy đốt sán hoặc thấy u nhỏ bằng hạt đậu phộng dưới da … cần phải đi khám ngay, để được chẩn đoán, điều trị sớm kịp thời tránh biến chứng.

Tài liệu tham khảo

1. Hà Viết Viên; Lê Đức Đào; Nguyễn Đức Mạnh; Vũ Thị Nhung, Tạp chí phòng chống sốt rét và các bệnh ký sinh trùng; Số 4 tháng 9 năm 2011

2.  Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sán dây và bệnh ấu trùng sán lợn. Bộ Y tế, Số 1450/2004.

BSCKI. Nguyễn Tấn Diệu

Lần cập nhật cuối lúc Chủ nhật, 10 Tháng 6 2012 14:14

You are here Đào tạo Tập san Y học Bệnh ấu trùng sán dây lợn ở Não(NEUROCYSTICERCOSIS)