• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Bỏ thuốc lá chưa bao giờ là muộn

  • PDF.

Ths Võ Trung Nở - Khoa Nội tổng hợp

Hút thuốc lá là thói quen của nhiều người, lâu dần tác dụng gây nghiện của Nicotine lên hệ thần kinh trung ương làm cho người hút trở nên lệ thuộc. Khói thuốc lá tạo cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn bởi Nicotine gây phóng thích các hóa chất trung gian dẫn truyền thần kinh bao gồm Dopamin, Serotonine, Noradrenaline. Tuy nhiên khói thuốc lá rất độc vì trong khói thuốc lá chứa hơn 7000 chất hóa học, trong đó có hàng trăm loại có hại đối với sức khỏe, khoảng 70 chất có thể gây ung thư.

bothuocla

Các chất gây hại trong khói thuốc trước hết phải kể đến là Monoxit Carbon (khí CO). Khí CO có nồng độ cao trong khói thuốc lá và sẽ được hấp thụ vào máu, gắn với Hemoglobine với ái lực mạnh hơn 210 lần oxy. Khí CO đi nhanh vào máu và chiếm chỗ của oxy trên hồng cầu. Với ái lực của Hemoglobine hồng cầu và CO mạnh như thế nên ngay sau hút thuốc lá, một lượng hồng cầu trong máu tạm thời mất chức năng vận chuyển O2 vì đã gắn kết với CO. Hậu quả là cơ thể không đủ oxy để sử dụng, khoản thời gian giữa các lần hút càng ngắn thời gian cơ thể thiếu oxy càng dài.

Đáng chú ý là các chất gây ung thư có trong khói thuốc lá như hợp chất thơm có vòng đóng, Benzopyrene hay các Nitrosamine,… Các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá, vì thế hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Theo các nghiên cứu khoảng 87% trong số 177,000 ca mắc ung thư phổi ở Mỹ năm 1996 là do thuốc lá, còn lại là do các nguyên nhân khác như: ô nhiễm môi trường, bệnh nghề nghiệp, ăn uống, cơ địa và các yếu tố di truyền. 90% trong số 660.000 ca được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Ngoài ra thuốc lá cũng gây ra các ung thư khác như ung thư thực quản, thanh quản, lưỡi, tuyến nước bọt, môi, miệng và họng, thận, bàng quang, tuyến tuỵ, ung thư sinh dục, hậu môn, đại trực tràng…

Trong khói thuốc lá cũng chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển. Các thay đổi này làm tăng tiết nhày và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhày-lông chuyển, hậu quả là dễ làm tăng sinh các bệnh ở đường hô hấp, nhiều nhất là viêm phổi tắc nghẽn mãn tính. Trong một nghiên cứu theo dõi 40 năm của các bác sĩ ở Anh, so sánh tỷ lệ tử vong hàng năm của nam giới về các bệnh mãn tính ở phổi thì cứ 10 người không hút thuốc có 57 người đã từng hút thuốc và 127 người đang hút thuốc. Ở người hút thuốc bệnh hen sẽ tăng nặng hơn, một nghiên cứu về tỷ lệ tử vong vì bệnh hen trong số người đang hoặc đã từng hút thuốc lá là gấp đôi so với người không hút thuốc.

Ngoài đường hô hấp, hút thuốc là nguyên nhân dẫn đến các bệnh tim mạch.  Trước tiên là chứng xơ vữa động mạch, làm tăng sự kết dính tế bào máu, tăng chứng loạn nhịp tim; giảm sự luân chuyển ô xy, người hút thuốc gặp các nguy cơ này nhiều hơn lần với người không hút thuốc.  Trong số các bệnh về tim người hút  thuốc có nguy cơ mắc cao nhất bệnh về tim do suy yếu mạch vành, đau ngực, loạn nhịp tim.

Đối với sinh dục, hút thuốc làm giảm sản xuất tinh trùng, làm dị dạng tinh trùng, giảm khả năng di chuyển của tinh trùng và nguy hiểm hơn là hút thuốc làm giảm nghiêm trọng dòng máu đến dương vật, một số trường hợp gây liệt dương…

Tuy nhiên, nguy cơ mắc các bệnh do sử dụng thuốc gây ra giảm đáng kể bắt đầu từ khi ngừng không sử dụng thuốc lá. Đối với hầu hết những người bỏ thuốc sau 5 năm, nguy cơ bị các bệnh gần như giảm bằng so với những người không sử dụng thuốc lá.

Những thay đổi của cơ thể sau khi bỏ thuốc thấy rõ qua từng phút, từng giờ cho đến những lợi ích được tính bằng năm như sau:

- 20 phút: Huyết áp và mạch giảm dần tới mức bình thường.

- 8 giờ: Lượng ôxy trong máu trở về trạng thái bình thường. Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim bắt đầu giảm. Nhiệt độ ngoài da bắt đầu tăng.

- 24 giờ: Lượng CO trong máu bắt đầu được đào thải. Phổi bắt đầu quá trình tự làm sạch.

- 48 giờ: Cảm giác ngon miệng và mùi vị bắt đầu cải thiện.

- 1 tuần: Giấc ngủ trở lại bình thường.

- 2 tuần tới 3 tháng: Sự lưu thông máu trong cơ thể và chức năng thông khí được cải thiện.

- 1-9 tháng: Các triệu chứng như ho, tiết dịch nhầy, mệt mỏi, khó thở giảm. Nhung mao của tế bào niêm mạc phế quản trở lại hoạt động bình thường. Giảm tốc độ suy chức năng thông khí đối với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- 1-2 năm: Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim giảm 20-50%. Giảm tỷ lệ bệnh tái phát và tăng tỷ lệ thành công trong điều trị, phẫu thuật mạch vành.

- 5 năm: Nguy cơ bị đột quỵ giảm tới mức như người không hút thuốc.

- 10 năm: Nguy cơ bị chết do ung thư phổi giảm một nửa so với người tiếp tục hút; các nguy cơ bị ung thư miệng, họng, thực quản, bàng quang, thận, tuỵ cũng giảm như vậy. Tốc độ phát triển, di căn của ung thư chậm hơn so với người hút thuốc.

- 15 năm sau: Nguy cơ nhồi máu cơ tim trở về như người không hút.

Ở những người trẻ mới hút thuốc, chức năng hoạt động của phổi sẽ trở lại như bình thường trong thời gian ngắn sau khi bỏ thuốc.

Cai thuốc không bao giờ là muộn, hãy suy ngẫm để cai thuốc ngay bây giờ và mãi mãi!

Điều quan trọng là kiểm soát được căng thẳng khi ngừng hút thuốc, thay vào đó, mỗi khi thấy mệt mỏi nên nghe nhạc hay xem chương trình truyền hình yêu thích để cơ thể quên đi thuốc lá. Khi cần thiết, các loại thuốc khác nhau có thể làm tăng cơ hội bỏ thuốc. Chúng bao gồm các liệu pháp thay thế Nicotine (NRT) như kẹo cao su, thuốc xịt, các miếng dán, viên nén, viên ngậm, và thuốc hít. Có thể mua NRT dễ dàng ở các hiệu thuốc.

Tuy nhiên, để cai thuốc thành công ý chí quyết tâm là quan trọng nhất, chọn một thời điểm thích hợp để làm bạn với thể dục thể thao, tạm thời không thường xuyên đi chơi với bạn bè hút thuốc sẽ khiến cơn thèm thuốc của mình trỗi dậy. Đừng thất vọng nếu thất bại, tính trung bình, những người cuối cùng bỏ được thuốc lá đã cố gắng thực hiện 3 hoặc 4 lần trước đó.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 26 Tháng 9 2018 10:55

You are here Tin tức Tin tức y học Bỏ thuốc lá chưa bao giờ là muộn