• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Nhân một trường hợp xoắn tinh hoàn trên trẻ vị thành niên tại BV ĐK Quảng Nam

  • PDF.

Bs Trần Lê Pháp - 

I. Tổng quan:

Xoắn tinh hoàn xảy ra khi một tinh hoàn xoay, làm xoắn thừng tinh đưa máu đến bìu. Lưu lượng máu giảm gây đau và sưng đột ngột và thường dữ dội. Xuất hiện ở bất kì lứa tuổi nào kể cả trong bào thai, phổ biến nhất là độ tuổi từ 12 đến 18. Xoắn tinh hoàn thường phải phẫu thuật khẩn cấp. Nếu được điều trị nhanh chóng, tinh hoàn thường có thể được cứu. Nhưng khi thiếu máu tưới quá lâu, tinh hoàn có thể tổn thương nặng phải cắt bỏ.[1]

xoantinhoan

Hình ảnh tình hoàn sau khi tháo xoắn

II. Triệu chứng, chẩn đoán:

Lâm sàng: Triệu chứng của xoắn tinh hoàn hay xảy ra:

  • Đau đột ngột dữ dội ở bìu
  • Sưng vùng bìu
  • Đau bụng, nôn
  • Tinh hoàn ở vị trí cao hơn bình thường
  • Mất phản xạ da bìu
  • Có thể có sốt

Cận lâm sàng: siêu âm cho độ nhạy 93 % và độ đặc hiệu tới 100%, là công cụ quan trọng để chẩn đoán xoắn tinh hoàn.[1,2]

III. Biến chứng:

  • Mất tinh hoàn
  • Nhiễm trùng
  • Teo tinh hoàn
  • Suy giảm chức năng nội tiết, vô sinh.[2]

IV. Điều trị:

Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa cần được phẫu thuật ngay, tỉ lệ cứu sống tinh hoàn trước 6 giờ đầu là gần 100 %, sẽ giảm dần nếu thời gian xử trí càng chậm trễ, còn 50 % sau 12-24h.[1,2]

V. Trường hợp lâm sàng:

Bệnh nhân nam 15 tuổi, đột ngột khởi phát đau, sưng tinh hoàn bên trái cách nhập viện 4 giờ. Tiền sử bệnh nhân có xuất hiện cơn đau tương tự cách 1 năm nhưng tự hết trong 1 giờ.

Khám lâm sàng: toàn trạng bệnh nhân không sốt, sinh hiệu ổn định; tinh hoàn trái lớn, đau nhiều, vị trí cao hơn bên phải, màu sắc da bìu không có bất thường, phản xạ da bìu mất. Siêu âm: không thấy tín hiệu dopller trong tinh hoàn, theo dõi xoắn thừng tinh.

Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán xoắn tinh hoàn và được mổ cấp cứu gấp. Sau khi mở bìu, thấy tinh hoàn tím, thừng tinh hoàn xoắn hai vòng; tháo xoắn và ủ ấm thấy tinh hoàn có tưới máu và hồng trở lại. Cố định tinh hoàn và đóng lại bìu. Theo dõi sau mổ, tình trạng bệnh nhân ổn định, hết đau vùng bìu, siêu âm kiểm tra sau mổ tinh hoàn trái có máu tưới và kích thước trở lại bình thường. 

VI. Bàn Luận:

Xoắn tinh hoàn là bệnh lý cấp cứu nam khoa thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên, nếu được chẩn đoán sớm và phẫu thuật kịp thời tốt nhất là dưới 6 giờ thì có thể cứu sống được tinh hoàn. Khi có triệu chứng bất thường vùng bìu như đau, sưng tinh hoàn, bệnh nhân nên đến bệnh viện sớm nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Tránh để xảy ra tình trạng xoắn tinh hoàn đến muộn làm giảm tỉ lệ cứu sống tinh hoàn, gây biến chứng lâu dài và nặng nề nhất là có thể gây ra vô sinh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Blake W. Moore and Harry P. Koo, “Torison of the testicular”,2010 Glenn’s urologic surgery, seventh edition, Sam D. Graham, Jr., MD, LIPPINCOTT WILLIAMS & WILKINS, 2010, page 448.
  2. Schick MA, Sternard BT, “Testicular Torsion”, Updated 2022 Jun 21, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448199/

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 22 Tháng 2 2023 15:24

You are here Tin tức Trường hợp lâm sàng Nhân một trường hợp xoắn tinh hoàn trên trẻ vị thành niên tại BV ĐK Quảng Nam