• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Khi y học còn chưa có lối thoát

  • PDF.

“Anh Vĩnh ơi! Em muốn về nhà với con” , đó là lời đề nghị sau cùng của một người bệnh nữ, tên H với một Bác Sỹ mà cô đã gởi gắm trọn niềm tin trong quá trình điều trị bệnh cho cô. Nghe cô nói, tự nhiên hai vai tôi lạnh buốt, linh cảm nghề nghiệp mách bảo với tôi rằng cô ấy sắp sửa về với thế giới bên kia và thực tế đúng như vậy, cô H đã ra đi sau một ngày gần gũi với đứa con gái duy nhất ở nhà riêng tại phường Hòa Hương thành phố Tam Kỳ.

hhoc2

Thường ngày, cô H hay gọi tôi bằng Bác theo nghĩa nghề nghiệp là Bác Sỹ. Đại từ xưng hô “Anh” của cô xuất hiện từ khi nào bản thân tôi không nhớ rõ lắm, chỉ biết rằng đó là thời điểm cô H nhận được sự chia xẻ, sự đồng cảm sâu sắc của bản thân tôi, của nhân viên khoa Huyết học – Truyền máu và khoa Nội C Bệnh viện đa khoa Quảng Nam.

Cô H có tên đầy đủ là Trần Thị H, sinh năm 1978, quê ở Hòa Vang thành phố Đà Nẵng. Cô đã lấy chồng và sinh được một đứa con gái hiện nay 6 tuổi. Gia đình cô tạm trú tại phường Hòa Hương thành phố Tam Kỳ. Tôi gặp cô H không phải tại bệnh viện nơi tôi đang công tác mà gặp tại phòng khám riêng của tôi. Với nhãn quan đặc biệt về chuyên ngành Huyết học – Truyền máu tôi phát hiện ngay cô H bị một căn bệnh quái ác đó là Bạch cầu cấp (Acute Leukemia hay theo cách gọi trên phim ảnh là bệnh máu trắng) - Một căn bệnh về máu mà Y học hiện nay chưa tìm ra phương pháp điều trị triệt để.

Ngay từ khi phát hiện bệnh, tôi đã không tiếc lời an ủi và động viên cô, tư vấn về chuyên môn cho cô rất nhiều, sau đó giúp cô làm tất cả các thủ tục cần thiết để cô đi thẳng đến Trung tâm Huyết học – Truyền máu Bệnh viện Bạch Mai thủ đô Hà Nội – Một trung tâm hàng đầu điều trị bệnh về máu. Có lẽ nhờ sự tư vấn và động viên của tôi mà tại đây, khi thêm một lần nữa cô được biết tin mình bị căn bệnh quái ác nói trên cô H vẫn bình tỉnh và chấp nhận điều trị căn bệnh này theo phác đồ hóa trị liệu chuẩn dành cho Leucemie cấp thể M4. Một điều kỳ diệu đã đến khi bốn tháng sau, cô H quay trở lại khoa Huyết học – Truyền máu Bệnh viện đa khoa Quảng Nam để gặp tôi thông báo về kết quả điều trị, trước mắt tôi là một cô gái xinh đẹp, hồng hào, không còn nước da xanh xao như ngày nào vì thiếu máu, trên tay tôi là tờ xét nghiệm Huyết học với các thông số đều trong giới hạn bình thường. Bệnh của cô đã đạt lui bệnh hoàn toàn sau khoảng ba tháng điều trị tấn công bằng hóa trị liệu và truyền máu hỗ trợ.

Niềm vui không tả xiết, cô H và gia đình vui mừng bao nhiêu thì tôi cũng vui mừng bấy nhiêu mặc dù trong thâm tâm tôi biết rằng rồi mai đây căn bệnh của cô H sẽ tái phát. Trong giai đoạn lui bệnh, cứ mỗi đầu năm  mới, tôi lại làm thủ tục chuyển viện cho cô một lần, khi thì đi Trung tâm Huyết học – Truyền máu Bệnh viện Bạch Mai, khi thì đi Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Hằng tháng, cô ghé khoa Huyết học – Truyền máu nơi tôi công tác để kiểm tra các chỉ số máu ngoại vi, thấy cô vui vẻ tôi cũng mừng lây.

hhoc

Ba năm sau, bệnh của cô tái phát trở lại, cô lại phải đi Hà Nội để điều trị hóa chất. Tiếc rằng, bệnh không đạt lui bệnh hoàn toàn như lần điều trị đầu tiên. Sau một vài lần điều trị hóa chất theo phác đồ dành cho Leucemie tái phát, cô H quyết định không đi Hà Nội nữa mà chỉ chấp nhận điều trị hỗ trợ bằng truyền máu và corticoide tại khoa nội C Bệnh viện đa khoa Quảng Nam. Lúc cô quyết định không đi Hà Nội nữa thì cũng là lúc cô đã biết quá rõ về dự hậu bệnh của mình. Cô H nói: “Ở ngoài đó mấy người nằm cùng phòng với em họ chết hết rồi, ở ngoài đó dễ gì được nói chuyện với Bác Sỹ như ở trong này, em quyết định không đi Hà Nội nữa, anh cố gắng tạo điều kiện, giúp đỡ cho em được điều trị tại đây”. Nghe cô H nói tôi thật sự buồn vì biết rằng cô ấy đã chấp nhận một sự thật mà bản thân cô, tôi và nhiều người không hề muốn đó là Y học hiện tại chưa thể giúp cô thoát khỏi căn bệnh quái ác nói trên. Lời cô H nói  làm tôi nhớ lại những lời tuyên thệ tại trường Đại học Y khoa Huế lúc nhận bằng tốt nghiệp đại học Y khoa và tôi tự nhủ rằng “Hãy hành động khi còn có thể”.

Tại Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, tôi cùng với khoa Huyết học – Truyền máu và khoa Nội C đã làm tất cả những gì có thể cho cô và gia đình cô. Từ công tác chăm sóc, thuốc men hằng ngày đến việc tuyên truyền vận động mọi người tham gia hiến máu tình nguyện để cô được tiếp nhận những đơn vị máu tươi còn nguyện vẹn tất cả các thành phần cần thiết nhằm duy trì và kéo dài “Cuộc sống không bệnh tật” đối với cô.

Cô H ra đi, cô yêu cầu tôi cho cô xuất viện bằng lời đề nghị “Anh Vĩnh ơi! Em muốn về nhà với con”. Một thoáng bản thân tôi cảm thấy áy náy vì có gì đó chưa thật trọn vẹn đối với cô. Tôi khao khát muốn tìm ra phương pháp điều trị triệt để bệnh Bạch cầu cấp. Phải chăng đó là hướng phấn đấu cho tương lai. Hiện tại thì tôi cảm thấy rất thanh thản và tự hào rằng mình đã làm tất cả những gì có thể cho cô ấy – Cô H.

ThS.BS. Phạm Thế Vĩnh

Khoa Huyết học – Truyền máu + Khoa Nội C BVĐK Quảng Nam.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 24 Tháng 7 2012 15:15

You are here Tin tức Tin tức y học Khi y học còn chưa có lối thoát