• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Protein phản ứng C (C- reactive protein)

  • PDF.

Khoa Hóa sinh

Protein phản ứng C (CRP) là một glycoprotein được gan sản xuất có đặc điểm là kết tủa với polysaccharid C của phế cầu. Bình thường, không thấy protein này trong máu. Tình trạng viêm cấp với phá hủy mô trong cơ thể sẽ kích thích sản xuất protein này và gây tăng nhanh nồng độ protein phản ứng C trong huyết thanh. Vì vậy, một CRP dương tính biểu hiện sự có mặt của một quá trình viêm. Khi tình trạng viêm cấp kết thúc, CRP nhanh chóng mất đi.

CRP11

Proteiin phản ứng C - CRP

Có 2 loại Protein phản ứng C có thể định lượng trong máu:

  • Protein phản ứng C chuẩn ( Standard CRP): Được sử dụng để đánh giá tình trạng viêm tiến triển
  • Protein phản ứng C siêu nhạy (high-sensitivity CRP (hs-CRP): Chất này được coi như một chất chỉ điểm đối với tình trạng viêm mạch cấp độ thấp.

Protein phản ứng C không mang tính chất đặc hiệu và nồng độ protein này gia tăng trong tất cả các tình trạng viêm.

* Mục đích xét nghiệm: Để đánh giá mức độ và tiến triển của một phản ứng viêm

Cách lấy bệnh phẩm:

  • Xét nghiệm được tiến hành trên huyết thanh.
  • Sau khi lấy bệnh phẩm nhanh chóng gởi mẫu tới phòng xét nghiệm để định lượng CRP.

* Giá trị bình thường

CRP: Đánh giá tình trạng viêm : 0-1.0 mg/dl hay < 10 mg/L

hs- CRP : Để đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch

  • < 1 mg/L :Nguy cơ thấp nhât
  • 1-3 mg/L: Nguy cơ trung bình
  • > 3 mg.L : Nguy cơ cao nhất

* Tăng nồng độ CRP

Các nguyên nhân chính thường gặp: Viêm tụy cấp, viêm ruột thừa, nhiễm trùng do vi khuẩn, bỏng, tăng nguy cơ bị ung thư đại trạng, bệnh lý ruột do viêm, bệnh do lupus ban đỏ hệ thống, u lympho, nhồi máu cơ tim , bệnh lý viêm của tiểu khung, viêm động mạch tế bào khổng lồ, viêm khớp dạng thấp, tình trạng nhiễm trùng nặng, phẫu thuật, lao tiến triển.

* Tăng nồng độ hs- CRP

Nguyên nhân chính thường gặp là tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.

Theo nghiên cứu của Phạm Nguyễn Vinh,vai trò của CRP trong bệnh mạch vành vô cùng quan trọng. CRP tăng là yếu tố tiên đoán cho nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên và đột tử. CRP là yếu tố dự báo nguy cơ về sau ở những bệnh nhân  NMCT, những bệnh nhân trải qua các thủ thuật tái tưới máu như cầu nối, nong mạch vành, đặt stent. CRP tăng còn dự báo gia tăng các biến cố mạch vành trong tương lai ở người không hề có bệnh mạch vành.  

Các nghiên cứu về viêm, chủ yếu là CRP, đều cho thấy gia tăng nồng đô CRP có liên quan đến sự xuất hiện, tiến triển cũng như biến chứng của đái tháo đường (Koenig 1999, Ford 1999, Pradhan 2001).

* Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm

  • Kết quả âm tính giả: Dùng các thuốc chống viêm không phải steroid, aspirin, corticosteroid, statin, thuốc chẹn beta giao cảm.
  • Kết quả dương tính giả : Dùng các thuốc hormon thay thế,  thuốc ngừa thai uống.
  • Đặt dụng cụ ngừa thai trong buồng tử cung.
  • Gắng sức, thể lực quá mạnh.
  • Có thai.
  • Béo phì.

* Giá trị của xét nghiệm định lượng CRP

CRP điển hình sẽ tăng lên trong vòng 6 giờ kể từ khi bắt đầu tình trạng viêm, điều này cho phép xác định tình trạng viêm sớm hơn nhiều so với khi sử dụng tốc độ lắng hồng cầu ( thường tăng lên sau khi tình trạng viêm xảy ra khoảng 1 tuần). Thêm vào đó nồng độ CRP không bị thay đổi khi có biến đổi về nồng độ glubolin máu và hematocrit, điều này khiến xét nghiệm định lượng CRP rất có giá trị khi bệnh nhân có bất thường protein máu hay có bất thường của hồng cầu.

Định lượng các loại Protein phản ứng C có thể cung cấp các thông tin hữu ích:

- Protein phản ứng C chuẩn được sử dụng để:

  • Đánh giá mức độ tiến triển của phản ứng viêm nhất là đối với bệnh lý mãn tính như bệnh lý ruột do viêm, viêm khớp và các bệnh tự miễn.
  • Đánh giá một nhiễm trùng mới như trong viêm ruột thừa và các tình trạng sau mỗ.
  • Theo dõi đáp ứng với điều trị các tình trạng bệnh lý nhiễm trùng nhất là nhiễm trùng do vi khuẩn và viêm.

- Protein phản ứng C siêu nhạy: Là một yếu tố chính gây tình trạng xuất hiện và đứt rách mảng vữa xơ mạch.Tăng nồng độ hs-CRP dự báo bệnh nhân có nguy cơ bị các sự cố mạch vành, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên và ĐTĐ typ2. Vì vậy, xét nghiệm này được sử dụng để đánh giá các nguy cơ bị các sự cố tim mạch khi nó được làm đồng thời với các xét nghiệm đánh giá nguy cơ mạch vành khác, như định lượng nồng độ cholesterol máu.

* Các hướng dẫn thực hành lâm sàng dựa trên y học bằng chứng

  • Khi xử lý một số bệnh viêm như viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng da và các bệnh lý viêm tiểu khung, các tiến hành làm xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá các chất gây phản ứng pha cấp. Hai xét nghiệm đánh giá các chất gây phản ứng pha cấp (tốc độ lắng hồng cầu và Protein phản ứng C) là các chỉ dẫn để đánh giá mức độ của phản ứng viêm.
  • Đo nồng độ CRP huyết thanh là xét nghiệm hữu ích trong quyết định sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân có dấu hiệu dịch não tủy phù hợp với chẩn đoán viêm màng não mà kết quả nhuộm gram tìm vi khuẩn trong dịch não tủy âm tính. Khuyến cáo này được dựa trên các dữ liệu cho thấy xét nghiệm nồng độ CRP trong giới hạn bình thường có giá trị dự đoán âm tính cao trong chẩn đoán viêm màng não do vi khuẩn.
  • Các nghiên cứu gần đây đánh giá lợi ích của định lượng hs-CRP trong dự báo nguy cơ tim mạch, nhất là ở phụ nữ và ở người có hội chứng chuyển hóa, cũng như để dự báo nguy cơ bị ung thư đại tràng và như một chất chỉ điểm cho tình trạng tổn thương phổi tiến triển.

Bệnh nhân có tăng nồng độ hs-CRP cần được khuyến cáo áp dụng các biện pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, và có thể cần chỉ định các thăm dò chẩn đoán bổ sung để xác định sự hiện diện của  các bệnh lý tim mạch mới mắc.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Đạt Anh (2010), Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, NXB Y học.
  2. Phạm Nguyễn Vinh (2004), "CRP và các dấu chứng viêm khác trong bệnh động mạch vành", Báo cáo tại Hội nghị chuyên gia toàn quốc lần thứ II. Chuyên đề về các yếu tố viêm và xơ vữa mạch máu.
  3. Dịch từ http://en.wikipedia.org/wiki/C-reactive_protein

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 15 Tháng 10 2015 07:38

You are here Tin tức Y học thường thức Protein phản ứng C (C- reactive protein)