• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Cách sơ cứu một số tai nạn, thương tích thường gặp

  • PDF.

Bs CKI Phạm Văn Sáu - Khoa Câp cứu

I. Đại cương:

Trong cuộc sống, lao động và học tập hàng ngày trên mọi lĩnh vực đều có thể gặp những tai nạn, rủi ro tác động đến sức khỏe hoặc ảnh hưởng đến một bộ phận của cơ thể. Nguyên nhân có thể do khách quan hoặc chủ quan đưa đến, đôi khi do chính bản thân người đó không làm chủ được hành vi của mình gây nên (ví dụ: người say rượu hoặc bệnh nhân tâm thần tự cắt ngón tay, ngón chân hoặc bộ phận sinh dục của mình). Nếu chúng ta biết cách sơ cứu ban đầu tốt và đưa nạn nhân tới cơ sở y tế phù hợp, sớm thì sẽ có cơ hội giúp nạn nhân phục hồi sức khỏe, bảo tồn tính mạng. Ngược lại, sơ cứu không đúng, chậm trễ thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tính mạng của nạn nhân.

socu1

Một trường hợp đứt lìa bàn tay trái do bị chém đã được các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam nối thành công

II. Một số tai nạn, thương tích thường gặp:

1. Đối với phần cơ thể bị đứt lìa: Nguyên nhân có thể do các loại tai nạn gây ra hoặc do nạn nhân tự cắt. Phần cơ thể bị đứt thường gặp là: vành tai, môi, mũi, các ngón -  bàn tay, ngón -  bàn chân, dương vật.

- Sơ cứu đúng trong trường hợp này là:

+ Đối với vết thương: dùng vải sạch hoặc gạc vô trùng đắp lên vết thương rồi băng ép lại để cầm máu, tuyệt đối không đắp hoặc bôi bất kỳ thuốc gì lên vết thương.  Đối với tai nạn đứt lìa ngón tay, ngón chân, chỉ cần băng ép lên vết thương là đủ, nếu đứt lìa bàn tay, bàn chân, cần làm thêm garô để tránh chảy máu. Cách làm: Dùng băng hay dây vải quấn vài vòng phía trên mỏm cụt khoảng 10 cm, đút một cây gỗ và xoắn vài vòng cho đến khi máu ngưng chảy, không siết quá chặt. Ghi nhận thời điểm làm garô và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu đi xa, cứ sau 90 phút, cần xả garô 5 phút. 

+ Bảo quản phần cơ thể bị đứt lìa: Cầm nắm nhẹ, rửa sạch bằng nước chín nguội. Không được rửa bằng xà phòng hay hóa chất. Quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào một túi nhựa mỏng, buộc miệng túi lại. Đặt túi vào thùng đá lạnh, hoặc thau chứa đá lạnh, hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nhựa khác có chứa đá lạnh. Chuyển tất cả theo nạn nhân. Tuyệt đối không bỏ phần bị đứt lìa trực tiếp vào đá lạnh sẽ gây bỏng lạnh, tổn thương mạch máu và thần kinh.

+ Đối với phần cơ thể bị đứt gần lìa: Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại cầu da, không nên cắt rời, kể cả trường hợp gần như đứt hoàn toàn. Lúc này nên dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.

Sau đó nhanh chóng vận chuyển nạn nhân cùng phần cơ thể đã được bảo quản đúng cách tới cơ sở y tế có khả năng thực hiện vi phẫu để nối lại.

Tại tỉnh Quảng Nam, nên đưa nạn nhân tới Bệnh viện đa khoa tỉnh là nơi thực hiện được các kỹ thuật trên. Tỷ lệ thành công phụ thuộc phần lớn vào thời gian từ lúc bị nạn đến lúc vào viện và cách bảo quản phần cơ thể đứt lìa.

socu2

(hình minh họa)

2. Trường hợp bị ngoại vật đâm vào cơ thể: có thể là cành cây, thanh sắt hoặc các dụng cụ lao động (như lưỡi cưa, cuốc, xẻng…)

Sơ cứu trong trường hợp này ngoài việc giảm đau, chống sốc tốt thì phải chú ý tới việc làm ngắn và nhỏ lại kích cỡ của tác nhân. Ví dụ: một cây tre đâm vào cơ thể thì nên dùng dụng cụ phù hợp để loại bỏ những phần có thể bỏ được mà không làm tổn thương nặng và phức tạp thêm…sau đó phần còn lại cố định vào cơ thể rồi chuyển nạn nhân tới bệnh viện.

Không nên để nguyên cả thân cây dài và không cố định vững khi vận chuyển sẽ làm tổn thương lan rộng, phức tạp có thể nguy hiểm đến tính mạng.

socu4 

Một trường hợp bị cây tre đâm xuyên từ góc hàm vào ổ miệng được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam

3. Tổn thương đứt khí quản: có thể do tai nạn, do ẩu đả hoặc do nạn nhân tự cắt (hay gặp trong trường hợp người bệnh tâm thần, say rượu).

Ngoài việc sơ cứu chung, cần chú ý cầm máu tốt bằng băng ép hoặc cặp các mạch máu không thể băng ép được.

Đối với khí quản bị đứt: cho vào lỗ khí quản một canuyn vừa với lòng khí quản hoặc dùng ống nội khí quản luồn vào rồi bơm bóng chèn để nạn nhân thở dễ dàng và không trào máu vào đường thở. Nhanh chóng vận chuyển nạn nhân tới bệnh viện.

Không được dùng gạc đắp kín lỗ khí quản sẽ làm nạn nhân ngạt thở và tử vong ngay.

socu3 

Một nạn nhân bị chém đứt lìa khí quản được các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam cứu sống

Trên đây là những tai nạn, thương tích rất thường gặp ở cộng đồng. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam hiện nay, với trang bị máy móc hiện đại và sự phát triển mạnh của nhiều chuyên khoa, trong đó có chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật vi phẫu…nên đủ khả năng để xử trí các tổn thương phức tạp như trên. Việc sơ cứu ban đầu đúng và thời gian đến bệnh viện càng sớm thì kết quả điều trị sẽ cao hơn.

Lần cập nhật cuối lúc Chủ nhật, 25 Tháng 10 2015 10:16

You are here Tin tức Y học thường thức Cách sơ cứu một số tai nạn, thương tích thường gặp