• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Đấu tranh bình đẳng giới – câu chuyện vẫn chưa đến hồi kết

  • PDF.

Bs Dương Chí Lực - Nguyễn Thị Lệ Hoa - KHTH

Nhân dịp ngày 8/3 năm nay, người viết xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến một nửa yêu thương trên Hành tinh này – Họ có thể là những người mẹ, những người vợ, những thiếu nữ hay những bé gái đang còn rất ngây thơ khi nói về giới tính. Họ có thể là những làm nơi công sở, là những học giả hoặc những người đầu tư, hay những người đang cặm cụi, vật lộn mưu sinh trên cánh đồng khô hạn Họ cũng có thể là những người phụ nữ giàu sang, đầy quyền uy hay những người nghèo khó, đang chịu nhiều đau khổ, đang lam lũ xa hương và bị đối xử rất bất công,. ..... cầu mong họ có được sức khỏe, được hạnh phúc, may mắn và được yêu thương che chở, không chỉ những ngày này mà còn tất cả những ngày còn lại.

83

1. Nhớ về người mẹ

Vào ngày 8/3, bạn sẽ nghĩ về ai hoặc ưu tiên nhớ đến ai? Chắc các chị em cũng hết sức đồng cảm khi các quý anh trả lời: "đó là người mẹ". Và đúng như vậy, người mẹ đã sinh ra ta và nuôi nấng ta lớn lên, mặc cho đường đời có thể thành công hay thất bại, thì người mẹ vẫn chính là hiện thân của "thánh mẫu" che chở và nuôi dưỡng tâm hồn ta từ khi ta còn là bào thai đến khi ta nhắm mắt lìa xa cõi đời. Chắc độc giả cũng đồng ý với tôi rằng, khi con người rơi vào trạng thái tột cùng của đau đớn, hoặc lúc lâm chung, bao giờ cũng dồn hết hơi tàn để thốt lên hai tiếng: "mẹ ơi" ….

Và những cô gái hay những người vợ kia, ai cũng đều có một người mẹ để yêu thương, kính trọng, và sau này họ cũng lại là những người mẹ.

Có câu: "bên tình - bên hiếu, bên nào nặng hơn", thực ra, không bên nào nặng hơn bên nào cả, 2 phạm trù này không nên đặt lên bàn cân hay so sánh với nhau, bởi vì, tình cảm là thiêng liêng, vô ngã, không thể cân đo đong đếm được, ví như: "nào ai lấy thước mà đo lòng người".

2. Lịch sử và đấu tranh

Để có được ngày 8/3 hằng năm, phụ nữ trên thế giới đã trải qua một quá trình tranh đấu lâu dài, bắt đầu từ thời Hy Lạp cổ đại, người phụ nữ đã đấu tranh buộc nam giới chấm dứt chiến tranh: điều đó cho thấy rằng, phụ nữ vốn là những người hiền hậu, yêu hòa bình, ghét bạo lực và là nạn nhân trực tiếp, chịu hậu quả nặng nề nhất của đói nghèo, lạc hậu và chiến tranh. Còn nam giới: một bộ phận không nhỏ là những người hung hăng, tàn nhẫn và hiếu chiến (tất nhiên là không bao gồm những con người chiến đấu chống lại quân xâm lược, bảo vệ quê hương hay lãnh thổ của mình).

Nhưng một thời gian dài sau đó, quyền lợi của người phụ nữ trên thế giới vẫn bị giới hạn trong bốn bức tường của xã hội phong kiến, và những cuộc đấu tranh quy mô nhỏ đã xảy ra … Nhưng mãi đến năm 1857trở về sau mới bắt đầu xuất hiện những cuộc đấu tranh tập hợp được hàng vạn người phụ nữ, họ đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới, đòi cải thiện môi trường lao động, đòi tăng lương giảm giờ làm .v.v… điều đó cho thấy đã đến lúc "tức nước vỡ bờ" và phần lớn các cuộc đấu tranh tiêu biểu đã diễn ra vào ngày 8/3.

Mãi đến năm 1977, Liên Hiệp Quốc mới chính thức hóa ngày 8/3 là ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình thế giới, đánh dấu hơn một thế kỷ đấu tranh bền bỉ, kiên cường và lặng lẽ của hàng triệu phụ nữ trên thế giới.

Như vậy, sau gần 40 năm từ khi con người "sực nhớ" đến quyền lợi của những người phụ nữ, từu đó nhận thức của xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, và hình ảnh người phụ nữ được nhìn nhận như là hiện thân của hòa bình, tự do và bình đẳng,

Tuy nhiên, 40 năm đối với đời người thì khá dài, như đối với lịch sử nhân loại thì chỉ như một bước đi, do đó nhận thức đúng đắn của xã hội về vai trò của người phụ nữ vẫn chưa được đồng đều cũng là điều dễ hiểu.

Như vậy, để xóa bỏ hoàn toàn mọi định kiến sai lầm về người phụ nữ, chắc có lẽ phải cần đến một thời gian dài, có thể là ... rất dài, và cuộc đấu tranh của những người phụ nữ vẫn đang phải được tiếp tục.

3. Vẫn chưa bình đẳng

Giống như nam giới, người phụ nữ đang sống trong 2 môi trường: gia đình và xã hội. Về xã hội thì có thể xem như tạm ổn, bởi vì họ luôn được đề cao trong các hoạt động mang tính cộng đồng, bởi có nhiều tổ chức hình thành để bảo vệ cho họ, ví dụ như có "Hội phụ nữ", "ban nữ công", hay hình thức "cơ cấu nữ" vào các ban lãnh đạo, các tổ chức xã hội khác .v.v... càng ngày, các rào cản về xã hội dần được dỡ bỏ để người phụ nữ có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ công, việc làm và tham gia công tác chính trị.

Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ hào nhoáng ngoài xã hội, còn đằng sau đó, khi về với gia đình phần lớn họ phải đối diện với những vướng mắc trong chính tổ ấm của mình, đó là bị đối xử không công bằng , điều này có thể từ xảy ra từ lúc còn tấm bé khi người lớn mong mỏi sinh ra một "thằng cu" để nối dõi, đến khi trở thành người vợ họ luôn phải nhường nhịn chồng con, kể cả những người trong dòng họ của chồng. Họ bị hành hạ từ thể xác đến tinh thần mà vẫn cắn răng chịu đựng, không lời oán thán bởi cái quan điểm: "xấu chàng, hổ ai", vì thế nên họ hay an phận thủ thường của một "nữ nhi thường tình" để luẩn quẩn trong cái "tam tòng - tứ đức" cổ xưa đầy nghiệt ngã.

Như vậy, để có nữ quyền một cách thật sự thì phải nhìn nhận về cả 2 phương diện: gia đình và xã hội.

Xã hội thường tôn trọng cái riêng tư trong gia đình, hoặc tự giải quyết, tự thỏa thuận, cho nên thường chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở hay hòa giải, cùng lắm thì chỉ "phạt vi cảnh" mà thôi.

Pháp luật cần mạnh tay hơn về điều này.

4. Nguyên nhân và giải pháp

Người viết luôn đặt câu hỏi, bên cạnh cái quan điểm "trọng nam khinh nữ" vẫn còn ăn sâu vào nhận thức của nhiều người, thì còn nguyên nhân gì nữa không? Và cách khắc phục ra sao? Để ít ra cũng giúp các chị em cảm thấy "dễ thở" hơn trong cuộc sống,

Có lẽ đầu tiên là sự "lép vế" về thể chất, không phải ngẫu nhiên mà họ được gọi là "phái yếu". Hạn chế này giúp họ thiếu sự dũng cảm khi tranh đấu "tay đôi" với những bất bình đẳng trong gia đình. Nhưng biết làm sao, bởi vì trời sinh ra là như thế. Tuy nhiên, để khắc phục điều này họ cần phải được tiếp thêm sức mạnh bằng các chính sách bảo vệ nữ quyền và sự nghiêm khắc của luật pháp.

Thứ hai: sự eo hẹp về vật chất khiến con người ở hai giới đều trở nên căng thẳng, thiếu kiềm chế, đôi khi trở nên hung dữ, và lúc đó người phụ nữ thường nạn nhân bởi cái tính “đổ thừa” tệ hại của những người còn lại.

Mặt khác, sự nghèo nàn chính nguyên nhân “tàn phá” nhan sắc của người phụ nữ, khiến họ trở nên “xấu xí” hơn, tệ hại nhất là nhận lấy sự phũ phàng, bội bạc của người chồng.

Điều này cho thấy cần thiết phải có một đời sống gia đình tiện nghi, xã hội phồn vinh, văn minh và phát triển.

Thứ ba: đó là cái tập tục lạc hậu của con người khi muốn sinh con trai để nối dõi, cái quan điểm “con gái là khách qua đàng – con dâu là vàng bỏ tủ” vẫn còn ăn sâu trong nhận thức của con người, thậm chí là nhận thức của chính những người phụ nữ. Bản thân họ cũng chưa xóa bỏ được định kiến về chính bản thân họ, chứ đừng nói gì nói đến sự đòi hỏi thay đổi từ những người khác phái.

Như vậy, muốn thay đổi được điều này, bên cạnh sự phát triển vững bền về kinh tế, lành mạnh về văn hóa, chọn lọc để duy trì về truyền thống, mà còn đòi hỏi sự giáo dục và nỗ lực của toàn xã hội trong một thời gian dài.

Tóm lại, người phụ nữ chính là một nửa của thế giới này, là một phần không thể thiếu trong trái tim và tâm hồn của những người khác phái, vì vậy họ cần được yêu thương, được quan tâm chăm sóc nhiều hơn nữa và được đảm bảo các quyền lợi của mình, đặc biệt là quyền tự do, quyền được bảo vệ, quyền hạnh phúc và quyền được phát triển bản thân. 

Với quan điểm rằng: trên thế gian không có gì là tồn tại vĩnh hằng, có sinh ắt có diệt, cái diệt ắt có sinh, như vậy hy vọng rằng các nhận thức sai lầm, lạc hậu về hình ảnh người phụ nữ chắc chắn sẽ có ngày tiêu tan …. Chỉ ngại rằng rồi sẽ có cái gì đó lại… sinh ra!

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 09 Tháng 3 2016 10:09

You are here Tin tức Y học thường thức Đấu tranh bình đẳng giới – câu chuyện vẫn chưa đến hồi kết