• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

HIV lây truyền mẹ - con

  • PDF.

Bs Trương Như Quỳnh - Khoa Phụ Sản

Như chúng ta đã biết, ngoài lây truyền qua đường máu và đường tình dục thì lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính lây truyền HIV/AIDS. Khi mang thai, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm khoảng 25 - 40%. Qua nghiên cứu của WHO trên 100 bà mẹ mang thai có HIV (không được can thiệp) cho thấy 9 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, 17 trẻ bị nhiễm trong giai đoạn chuyển dạ và 10 trẻ bị nhiễm HIV trong giai đoạn bú mẹ. Điều này có nghĩa, cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV thì có khoảng 36 trẻ bị lây nhiễm.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng hai triệu phụ nữ mang thai, và tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai là 0,4%. Với số trẻ sinh ra hằng năm Từ 1,5 triệu đến 2 triệu trẻ em, thì mỗi năm có khoảng sáu nghìn trẻ em có phơi nhiễm với HIV

hiv lay1

I. CÁC ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN MẸ CON

1. Lây truyền qua nhau (rau) thai khi người mẹ mang thai

Nhau thai có cấu tạo hết sức đặc biệt, nó giúp vận chuyển chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, kháng thể…từ cơ thể mẹ sang thai nhi để nuôi dưỡng bào thai và ngăn không cho vi khuẩn, virut xâm nhập gây hại đến thai nhi. Tuy nhiên, khi bánh nhau bị nhiễm khuẩn hoặc bề dày của nó giảm đi vào nửa sau thai kỳ sẽ tạo điều kiện cho virut dễ dàng đi vào cơ thể bé.

Tình trạng virut HIV từ máu của mẹ sang thai nhi qua nhau thai có thể xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai được 8 tuần và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ.

2. Lây truyền khi sinh con

Virut HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo xâm nhập vào thai nhi qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc lớp da bị sây sát của trẻ trong thời gian chuyển dạ khi sinh, lúc này trẻ phải tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo của mẹ hoặc sự trao đổi giữa mẹ và thai nhi khi chuyển dạ.

3. Lây truyền trong quá trình cho con bú

Sau khi sinh, trẻ vẫn có thể nhiễm HIV trong quá trình bú sữa mẹ, vì lúc này virut HIV dễ dàng truyền sang cơ thể bé qua các vết nứt ở núm vú của người mẹ khi trẻ đang mọc răng, bị tổn thương ở niêm mạc miệng hay HIV trong sữa mẹ có thể lây sang con theo đường tiêu hóa. Thời gian bú mẹ càng dài, trẻ càng có nhiều nguy cơ nhiễm HIV hơn. Do vậy, phụ nữ nhiễm HIV nên nuôi con bằng sữa thay thế.

II. BIỆN PHÁP CAN THIỆP

Những phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIVcó kết quả dương tính cần được theo dõi liên tục và can thiệp đúng quy trình nhằm làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho những trẻ sinh ra từ các bà mẹ này:

1. Được giới thiệu, chuyển gửi tới các cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS cho người lớn để đánh giá về lâm sàng (nhiễm trùng cơ hội, giai đoạn lâm sàng) và xét nghiệm (đồng nhiễm viêm gan B/C, các xét nghiệm cơ bản, số lượng tế bào CD4). Nếu đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng virus ARV theo Hướng dẫn Quốc gia về chẩn đoán và điều trị nhiễm HIV/AIDS, tiến hành điều trị bằng ARV cho những phụ nữ này (chú ý sử dụng các thuốc không ảnh hưởng tới thai nhi: ví dụ không sử dụng EFV, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ).

2. Với những phụ nữ mang thaiHIV(+), tình trạng lâm sàng và miễn dịch còn tốt, cần tiến hành điều trị dự phòng bằng AZT liên tục cho đến khi chuyển dạ - dùng thêm liều đơn NVP 20mg vào tuần thai thứ 14 hoặc ngay sau khi phát hiện nhiễm HIV sau tuần thứ 14. Đồng thời, cứ 3 tháng một lần, kiểm tra CD4, nếu số lượng CD4 giảm < 350TB/mm3 thì bắt đầu điều trị ARV bằng phác đồ AZT + 3TC + EFV.

III. THEO DÕI, QUẢN LÝ

Theo dõi, quản lý có hệ thống và đưa ra các quyết định can thiệp phù hợp có hiệu quả cao làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

1. Các can thiệp trước sinh: tư vấn xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bổ sung vitamin, sắt, dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội, sử dụng ARV để điều trị cho mẹ hoặc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con… là những biện pháp hết sức cần thiết và hiệu quả làm giảm tỷ lệ lây truyền mẹ con.

2. Các can thiệp trong khi sinh: với những phụ nữ chưa tiếp cận các can thiệp trước sinh, cần tư vấn xét nghiệm nhanh HIV, nếu dương tính thì sử dụng phác đồ ARV dự phòng Lây truyền mẹ contheo hướng dẫn, tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn… cân nhắc chỉ định mổ lấy thai, nhanh chóng lau sạch máu và sản dịch cho trẻ sơ sinh.

3. Can thiệp sau sinh: chủ yếu là tư vấn cho người mẹ về những lợi ích và nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú. Tốt nhất là nuôi trẻ bằng sữa thay thế nếu có điều kiện. Trường hợp không có điều kiện sử dụng sữa thay thế, cần hướng dẫn người mẹ cho bú hoàn toàn trong thời gian đầu, sau đó cai sữa sớm chuyển ăn dặm ngay khi có thể để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ. Trẻ cần được giới thiệu và chuyển gửi tới các phòng khám ngoại trú cho trẻ em để theo dõi và điều trị ARV.

                             
IV. HIỆU QUẢ CỦA CAN THIỆP

hiv lay2

V. THÔNG TIN

Nếu bạn cần thông tin liên quan đến HIV/AIDS, tại Quảng Nam bạn có thể liên hệ đến các địa chỉ sau:

  1. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Quảng Nam, đường Nguyễn Du, phường An Mỹ, TP. Tam Kỳ.

Nếu cần tư vấn xét nghiệm HIV bạn hãy đến với các địa chỉ:

  1. Phòng Tư vấn sức khỏe cộng đồng, 129 Trưng Nữ Vương, TP.Tam Kỳ. Đến đây, bạn sẽ được đội ngũ các tư vấn viên, xét nghiệm viên có chuyên môn tốt, giúp bạn theo nguyên tắc bí mật và miễn phí.
  2. Phòng Tư vấn sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Da liễu tỉnh Quảng Nam, đường Nguyễn Du, TP.Tam Kỳ. Đến đây ngoài việc khám, điều trị các bệnh chuyên khoa da liễu bạn còn được các bác sĩ, tư vấn viên, xét nghiệm viên tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí.
  3. Phòng Tư vấn sức khỏe sinh sản tại Phòng khám Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, 1 Nguyễn Du, TP.Tam Kỳ. Các sản phụ đến đây, ngoài việc khám thai còn được tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí.
  4. Phòng khám tư vấn lao/HIV tại Bệnh viện Lao - Phổi tỉnh, đường Nguyễn Văn Trỗi, TP.Tam Kỳ.

Nếu cần các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS bạn đến với các địa chỉ sau:

  1. Phòng khám ngoại trú người lớn đặt tại Khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, số 1 Nguyễn Du, TP.Tam Kỳ.
  2. Phòng khám ngoại trú nhi, Bệnh viện Nhi tỉnh Quảng Nam, số 46 Lý Thường Kiệt, TP.Tam Kỳ.
  3. Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam.

hiv lay3

hiv lay4

 hiv lay5

Nguồn: Chương trình tập huấn HIV/ AIDS

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 10 Tháng 3 2016 21:51

You are here Tin tức Y học thường thức HIV lây truyền mẹ - con