• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Dự phòng thiếu máu thiếu sắt

  • PDF.

Ths Bs Phạm Thế Vình - Khoa HHTM 

Máu lưu hành trong cơ thể con người gồm nhiều thành phần trong đó tế bào hồng cầu (Red blood cell) là thành phần chính tạo nên máu đỏ của máu. Hồng cầu là tế bào đóng vai trò chủ yếu trong quá trình vận chuyển oxy đến các cơ quan để thực hiện các chức năng sống cho con người.

Đời sống trung bình của tế bào hồng cầu khoảng 120 ngày. Mỗi ngày, cơ thể con người luôn luôn có những hồng cầu già cỗi chết đi và bù lại là những hồng cầu trưởng thành mới được sinh ra. Nhờ vậy mà số lượng tế bào hồng cầu trong cơ thể con người luôn được hằng định. Bình thường ở người Việt Nam, số lượng hồng cầu khoảng 3,8 – 5,4 T/L, tương ứng với hàm lượng hemoglobin (HBG) là 120 – 160 g/l và thể tích khối hồng cầu (HCT) là 35 – 47%.

thieumau2

Thiếu máu là tình trạng giảm nồng độ hemoglobin hay thể tích khối hồng cầu dưới giới hạn bình thường theo tuổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2001, trẻ em từ 14 tuổi trở xuống được gọi là thiếu máu khi nồng độ hemoglobin dưới 120 g/l. Thiếu máu là một trong những vấn đề mang ý nghĩa sức khỏe cộng đồng đối với các nước đang phát triển. Thiếu máu gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển trí tuệ, thiếu máu gây giảm khả năng hoạt động thể lực và tăng khả năng mắc bệnh (Nestel và Davidson 2002). Thiếu máu là một hội chứng thường do nhiều nguyên nhân gây ra như: Cung cấp sắt thiếu, nhiễm các loại ký sinh trùng, các bệnh lý mạn tính ở đường tiêu hóa, cơ thể hấp thu sắt kém … trong đó thiếu sắt là nguyên nhân chính. Theo Staubli và cs (2001) thì thiếu sắt là nguyên nhân chính của 50% các trường hợp thiếu máu. Một nghiên cứu ở Ấn độ cho thấy trẻ em thiếu sắt khả năng học tập sẽ giảm sút, điểm kiểm tra kém ngay cả khi chưa có thiếu máu. Ở nước ta, vấn đề thiếu máu nói chung và thiếu máu thiếu sắt đã có nhiều nghiên cứu, hai đối tượng được quan tâm đặc biệt đó là Trẻ em và Phụ nữ mang thai. Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia năm 1989, tỷ lệ mắc bệnh thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em tuổi học đường ở Việt Nam là 37%; một nghiên cứu khác cũng của Viện dinh dưỡng Quốc gia cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ tại Việt Nam là 26,5% và 75% thiếu máu ở phụ nữ có thai là do thiếu sắt, trong đó 66,1% thiếu máu thiếu sắt xảy ra ở phụ nữ có thai vào quý 3 của thai kỳ. Để dự phòng thiếu máu nói chung và thiếu máu thiếu sắt cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Sử dụng thực phẩm hằng ngày có nhiều chất sắt như: Các loại thịt động vật có màu đỏ như thịt bò, tim, gan, lá lách, trứng, cá mòi và các loại rau xanh. Những trường hợp thiếu máu do thiếu sắt cần phải bổ sung sắt qua đường uống, liều dùng thông thường khoảng 10 - 20mg/ ngày.

 2. Bổ sung những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu như:

  • Những thực phẩm có chứa nhiều vitamin B12: Các loại thịt, các loại gia cầm, cá, trứng, sữa, pho mát.
  • Những thực phẩm có chứa nhiều Axít folic: Mầm lúa mì, cây bông cải xanh, bắp cải xanh, các loại đậu.

 thieumau1

Những thực phẩm giàu chất sắt

3. Bổ sung đầy đủ vitamin C vì nó giúp cơ thể hấp thu chất sắt từ ruột.

4. Xổ giun định kỳ đều đặn mỗi 6 tháng bằng cách uống thuốc tẩy giun.

5. Cần chữa trị triệt để những bệnh lý đường tiêu hóa có thể gây chảy máu tiêu hóa như viêm loét dạ dày- tá tràng, trĩ ... Khi có biểu hiện nghi ngờ bị chảy máu đường tiêu hóa (như đi cầu phân đen, sệt như bã cà phê, mùi hôi) phải đi khám ngay.

6. Đối với phụ nữ

  • Khám phụ khoa khi có rối loạn kinh nguyệt (Kinh nguyệt kéo dài hay chu kỳ kinh nguyệt không ổn định).
  • Bổ sung viên sắt có acid folic hằng ngày cho phụ nữ mang thai.

7. Đối với trẻ em

  • Ăn uống đủ chất dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh.
  • Xổ giun định kỳ 3 – 6 tháng một lần khi trẻ vừa tròn 24 tháng tuổi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Ngọc Minh (2007), “Đại cương về thiếu máu”, Bài giảng Huyết hoc-Truyền máu sau đại học, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, Trang 165 - 190.
  2. Nguyễn Công Khanh (2004), “Thiếu máu thiếu sắt”, Huyết học lâm sàng nhi khoa, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, Trang 63.
  3. Batra J, Sood A (2005), Iron deficiency anaemia: Effect on congnitive development in children: A review. India J Clin Biochem 2005; 20, 19-25.
  4. Nossinger T (2001), “Myelodysplastic syndromes, from French – american British to World Health Organization: Comparation of classificasions on 431unseletede patients from a single institution” Blood, 2001, 98,2935 – 2941.
  5. World Health Organization (2001), Iron Deficiency Anaemia Assesment, Prevention and control. A guide for program managers. Geneva. Swizerland. WHO (WHO/NHP/01.3).

Lần cập nhật cuối lúc Thứ tư, 15 Tháng 1 2014 09:12

You are here Tin tức Y học thường thức Dự phòng thiếu máu thiếu sắt