• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Cách xử trí cấp cứu đuối nước ngay tại hiện trường

  • PDF.

BsCK1 Đặng Ngọc Thành - 

Đuối nước có thể xẩy ra mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh và mọi loại đối tượng, nhất là trẻ em. Cấp cứu đuối nước nói riêng và các tai nạn, thương tích nói chung tại hiện trường là rất quan trọng, quyết định sự sống và di chứng của nạn nhân. Nếu cấp cứu tại chỗ không đúng cách, không kịp thời thì dù có đưa nạn nhân đến bệnh viện để hồi sinh tim phổi có lại mạch, huyết áp, thở nhưng sẽ để lại di chứng về thần kinh nặng nề, thậm chí là sống thực vật. Nên nhớ rằng tế bào não chỉ chịu được sự thiếu oxy trong vòng 4 phút, vì vậy chúng ta chỉ có từ 1 – 4 phút để hành động.

1. Các bước sơ cứu: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước

- Nếu nạn nhân còn tỉnh, giãy giụa dưới nước: Ném cho nạn nhân một cái phao, một khúc gỗ, một sợi dây hoặc một cây sào để giúp họ lên bờ. Không nên nhảy xuống nước nếu không biết bơi, hoặc không được huấn luyện cách đưa người đuối nước còn tỉnh lên bờ. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì vớ được, kể cả người cứu nạn, như vậy sẽ rất nguy hiểm cho người cứu. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.

- Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước và người cấp cứu biết bơi thì nhanh chóng bơi ra kéo nạn nhân vào bờ. Trường hợp không biết bơi thì tìm cách hô hoán, gọi người xung quanh đến hỗ trợ, không được mạo hiểm khi không tin vào khả năng của mình vì có nguy cơ gây đuối nước cho bản thân.

- Khi đưa được nạn nhân vào bờ: Có các tình huống sau:

  • Nếu nạn nhân tím tái, ngưng thở, ngưng tim, mất hoàn toàn các phản xạ: Đặt nạn nhân nằm ngửa trên nền đất cứng, người cấp cứu quỳ một bên, dùng hai bàn tay chồng vào nhau đặt vào nửa dưới xương ức nạn nhân (phía dưới đường ngang qua 2 vú) ép nhanh, mạnh với tần số 100-120 lần/phút, quá trình ép không nhấc tay khỏi thành ngực, ép cho thành ngực lún xuống 1/3 bề dày trước sau. Kết hợp với thổi ngạt: nạn nhân ưỡn cổ, dùng tay hoặc khăn, vải... móc hết dị vật trong họng, miệng, người cấp cứu một tay dùng ngón cái và ngón trỏ bịt chặt 2 lỗ mũi nạn nhân, tay kia đẩy hàm dưới ra trước, hít một hơi thật dài rồi cúi xuống áp chặt vào miệng nạn nhân thổi hết vào. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì luân phiên ép tim 30 lần rồi 2 lần thổi ngạt. Nếu có hai người cấp cứu thì cứ ép tim 15 lần rồi 2 lần thổi ngạt. Phải làm liên tục, không được để gián đoạn các thủ thuật này.
  • Nếu nạn nhân ngưng thở nhưng sờ mạch còn đập: Tiến hành thổi ngạt với cách làm như trên, tần số 12-14 lần/ phút ở người lớn và 25-30 lần/ phút ở trẻ em.
  • Nếu nạn nhân còn mạch nhưng chậm, rời rạc, yếu, còn thở nhưng chậm và yếu, nguy cơ ngưng thở ngưng tim: tiến hành ép tim và thổi ngạt như trên.

- Song song với cấp cứu thì cần gọi người hỗ trợ và tìm cách đưa nạn nhân tới cơ sở y tế, trên xe cấp cứu vẫn tiến hành ép tim, thổi ngạt.

- Chú ý các tổn thương phối hợp như gãy tay, chân, vết thương, chấn thương cột sống cổ để sơ cứu đồng thời.

duoinuoc1

 

Kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực và thổi ngạt qua đường miệng

2. Những việc không nên làm:

  • Không nên dốc ngược nạn nhân để nước trong phổi chảy ra, vì thực tế nước vào phổi rất ít.
  • Không xoa dầu, chích lể, xoa bóp tay chân.
  • Không gián đoạn quá trình cấp cứu.
  • Ép tim đủ mạnh và dứt khoát như hướng dẫn, tránh xoa ngực nhẹ nhàng vì sợ đau và gãy xương của nạn nhân.
  • Không nên hốt hoảng để rồi đưa một nạn nhân đã ngưng thở ngưng tim vào bệnh viện mà không sơ cứu gì, vì như đã nói ở trên, tế bào não chỉ chịu được thiếu oxy trong vòng 4 phút, nên sơ cứu tại hiện trường là quan trọng nhất.

 

Lần cập nhật cuối lúc Thứ hai, 15 Tháng 5 2023 10:17

You are here Tin tức Y học thường thức Cách xử trí cấp cứu đuối nước ngay tại hiện trường