• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Bệnh polyp mũi

  • PDF.

Polyp mũi là một khối u lành tính thường gặp trong hốc mũi hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc của các xoang. Polyp mũi gây ra các triệu chứng giống như viêm mũi xoang như: nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi liên tục, rối loạn về về khứu giác,... có thể gây biến chứng và làm nặng thêm các bệnh viêm mũi, xoang khác.

polyp_mui

Sự hình thành polyp mũi 

Polyp mũi được hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc của các xoang, thường do hậu quả của viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính không được điều trị đúng và triệt để hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Sự viêm nhiểm  mạn tính khiến các mạch máu ở niêm mạc mũi xoang tăng tính thấm tạo điều kiện cho nước tích tụ trong các tế bào. Theo thời gian, trọng lực sẽ kéo các mô ứ nước này xuống dưới, hình thành các polyp. Có thể có một hoặc nhiều polyp, từng chùm như chùm nho, thường mềm và bóng sáng,có ánh ngọc trai, đặc như thạch. Bệnh thường gặp nhiều ở người trên 40 tuổi và ở trẻ em mắc các bệnh như hen phế quản, viêm mũi, xoang dị ứng do nấm, viêm xoang mạn tính, sổ mũi mùa và viêm phế quản mạn tính.

Triệu chứng:  Giống viêm mũi, xoang mạn tính 

Khi có polyp mũi, người bệnh thường có các triệu chứng giống như viêm mũi, viêm xoang như: nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi liên tục, rối loạn về khứu giác...

Polyp phát triển một cách từ từ, gây nghẹt mũi 1 bên hoặc 2 bên. Lúc đầu người bệnh ít chú ý nhưng khi polyp lớn dần lúc đó có cảm giác khó chịu nhất là khi phải thở bằng miệng. Những dấu hiệu kèm theo là có cảm giác nặng đầu, chảy nước mũi trong, xanh hay vàng, đặc, đôi khi có mùi hôi. Thỉnh thoảng có sốt nhẹ, ho có đờm. Khứu giác cũng giảm dần và có thể hoàn toàn không ngửi được mùi.

Polyp mũi nhỏ và đơn độc không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng, ít khi gây biến chứng, nhưng nếu polyp lớn hoặc nhiều polyp nhỏ và sẽ lớn dần có thể gây những biến chứng như: Viêm xoang cấp hoặc mạn tính, khó thở tắc nghẽn lúc ngủ, biến đổi cấu trúc của mặt gây song thị hoặc 2 mắt xa nhau bất thường, viêm họng mạn tính.

Vì polyp mũi có các triệu chứng gần giống như viêm mũi, viêm xoang hoặc cảm cúm,... nên người bệnh thường không nhận biết được. Tuy nhiên các triệu chứng của cảm cúm thường sẽ hết đi sau một tuần trong khi các triệu chứng của polyp không giảm đi. Khi đó người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và có chỉ định điều trị thích hợp.

Điều trị bệnh polyp mũi có 2 phương pháp chính là dùng thuốc và phẫu thuật. Những trường hợp dùng thuốc là những polyp còn nhỏ và cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của thầy thuốc để tránh các tác dụng phụ. Đối với những polyp lớn gây khó thở, giảm hoặc mất khứu giác, ù tai... hoặc biến chứng cần phải phẫu thuật nội soi để cắt polyp và mổ xoang, cần tạo thông thoáng trong mũi xoang và giảm khả năng tái phát polyp.

Về phòng bệnh, cách tốt nhất giảm sự hình thành polyp mũi là điều trị triệt để các bệnh viêm mũi, viêm xoang, tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên và các chất gây ô nhiễm, đeo khẩu trang trong môi trường có nhiều bụi. Khi có tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa tai - mũi - họng để khám và điều trị.

BSCK2 Trần Giám

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Quang Quyền (1993), “Giải phẫu mũi xoang”, Bài giảng giải phẫu học, tập1, NXB Y học Tp HCM, tr 399-408.

2. Võ Tấn (1989), “Tai Mũi Họng thực hành” tập 1, NXB Y học TP HCM , tr. 36 - 115.

3. Lê Hành (2000), Bệnh polyp mũi xoang, bệnh sinh và cách chữa trị, CLB Viêm mũi xoang, Số 1, tháng 11/2000, tr. 13-30.

4. Archer S. M. (2009), "Nasal Polyp, Nonsurgical Trearment", eMedicine  Update, November, 29, 2009.

5. Aukema A. A., Mulder P. G., Fokkens W. J. (2010), "Treatment of nasal polyposis and chronic rhinosinusitis with fluticasone propionate nasal drops reduces need for sinus surgery", J Allergy Clin Immunol, May 115 (5),  pp. 1017-1023.

Lần cập nhật cuối lúc Thứ năm, 07 Tháng 3 2013 15:06

You are here Tin tức Y học thường thức Bệnh polyp mũi