• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Tiết kiệm tiền của dân, của nước và của bản thân mình

  • PDF.

Rèn luyện và tu dưỡng đạo đức là vấn đề quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời,

Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức, thì không thành người”.

hochiminh1

Khi cách mạng thành công, trên cương vị của một Chủ tịch nước nhưng Bác vẫn giữ lối sống đơn giản, bình dị và vô cùng tiết kiệm. Sau cách mạng Tháng Tám, trước nạn đói rất nghiệm trọng, Người phát động phong trào sẻ áo, nhường cơm, mỗi người cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để góp gạo cứu dân nghèo và chính Người gương mẫu thực hiện.

Một lần Bác đọc trên báo Hà Nội mới có tin ở Hợp tác xã thủ công Ngũ Xã, Hà Nội chuẩn bị đúc tượng đồng bán thân Bác. Bác nói ngay với các đồng chí văn phòng yêu cầu dừng việc đó lại và dùng số tiền ấy xây thêm một phòng học cho các cháu học sinh. Lẽ thường, ai chẳng thích được người đời tôn sùng, có người còn bỏ tiền ra để đúc tượng, tạo dựng hình ảnh của mình trước thiên hạ. Nhưng với Bác điều đó đồng nghĩa với việc lãng phí, dùng tiền không đúng mục đích, mặc dù việc đúc tượng Bác là xuất phát từ tấm lòng kính yêu của mọi người dành cho Bác, nhưng Bác nhận thấy rằng đất nước còn khó khăn, nhân dân còn thiếu thốn, việc dùng số tiền ấy để xây dựng phòng học là việc hợp lý, đáng làm.

Năm 1957, Bác thăm Liên Xô và một số nước Đông Âu, Bác hài lòng khen: “Các chú tổ chức chiêu đãi vừa tiết kiệm, vừa trang trọng, các món ăn không thừa, không thiếu”. Sau đó, Bác kể chuyện có sứ quán do tính toán không kỹ, khi chiêu đãi khách, các món ăn thừa rất nhiều. Bác nói: “Ăn uống lãng phí, Bác xót xa lắm, vì đây là tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân, bà con ta ở trong nước làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có miếng ăn. Vì vậy để lãng phí, xa hoa là có tội với nhân dân”.

Không chỉ tiết kiệm của công mà trong đời sống sinh hoạt hàng ngày Bác cũng có ý thức rất tiết kiệm từ những cái nhỏ nhất. Ngay từ bánh xà phòng Bác dùng cũng được để trong hộp nhựa, dưới để những viên sỏi nhỏ: sỏi sẽ hút nước làm xà phòng rắn lại, làm như thế sẽ lâu hết, tiết kiệm để cho các cháu gái vùng cao hàng tháng có xà phòng dùng. Những ngày hè oi bức, bác dùng chiếc quạt lá cọ do các đồng chí bảo vệ làm cho Bác, rất ít khi Bác dùng quạt điện, vì Bác muốn tiết kiệm dùng điện cho sản xuất, cho đời sống sinh hoạt của dân.

Vào dịp Quốc khách 2-9 hàng năm, Bác vẫn cho các đồng chí lãnh đạo bắn pháo hoa chào mừng kỷ niệm ngày lễ dù Bác biết việc làm này rất tốn kém. Ngày 31-8-1969, tình hình sức khoẻ của Bác rất xấu, các đồng chí tổ chức xin phép nghỉ ngày lễ 2-9 tới sẽ không bắn pháo hoa, nhưng Bác không đồng ý vì Bác tâm niệm “bắn pháo hoa để nhân dân vui”. Bác hiểu ngày Quốc khánh trọng đại là thành quả của nhân dân. Làm lễ lớn để kỷ niệm cũng chính là cổ vũ tinh thần, giúp nhân dân hăng hái học tập, sản xuất và chiến đấu, xây dựng đất nước.

Qua câu chuyện tôi vừa kể, chúng ta thấy: theo Bác, thực hành tiết kiệm không phải là bủn xỉn,“không phải xem đồng tiền to bằng cái nong”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép mọi người nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, để dần dần nâng cao mức sống của nhân dân; tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, để cải thiện đời sống nhân dân. Bác coi thực hành tiết kiệm là một quy luật đi lên của một đất nước, một phương pháp của chế độ kinh tế, không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm. Người còn chỉ rõ: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm sỉ là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.

Bản thân tôi cũng như quý vị đều nhận ra rằng: trong suốt cuộc đời hy sinh vì dân vì nước, Bác đã gần như quên đi những gì thuộc về bản thân mình. Chúng ta và cả những bạn bè nước ngoài không còn lạ gì những chiếc áo nâu, đôi dép cao su, chiếc quạt cũ, viên gạch sưởi lưng,… và cả ý thức tiết kiệm trong câu chuyện tôi vừa kể. Bác làm vậy, không phải hạ mình cho khổ sở mà Bác muốn nêu gương cho mọi người về đạo đức, nhân cách của một nhà cách mạng chân chính trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, còn gian nan, vất vả. Mỗi chúng ta cần nghiêm túc tự suy ngẫm lại bản thân mình, phải ra sức phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, rèn mình, đặc biệt là rèn ý thức thực hành tiết kiệm. Với mỗi chúng ta, theo tôi, thực sự việc đó không phải là một việc khó khăn mấy. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng phải làm được những việc lớn lao, phải thực hiện được những cái cao siêu thì mới thể hiện được tinh thần tiết kiệm của mình, nhưng thật sự chữ "kiệm" ấy chúng ta luôn luôn bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn tắt một chiếc quạt, tắt một cái đèn, khóa lại một vòi nước khi không còn sử dụng, đó chính là tiết kiệm; biết giữ gìn tài sản của công đó chính là tiết kiệm; luôn luôn tự nhắc nhở bản thân không nên phung phí vào những việc không cần thiết, đó cũng chính là tiết kiệm. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó dường như vẫn chưa đủ, không chỉ một người mà phải nhiều người, không chỉ một nhà mà phải nhiều nhà, không chỉ một nơi mà phải nhiều nơi...người người, nhà nhà, nơi nơi thực hiện tiết kiệm thì một tương lai "dân giàu, nước mạnh" thật sự không còn xa nữa. Vì vậy, mỗi chúng ta đều phải tự nhắc nhở mình và những người bên cạnh mình thực hiện tiết kiệm.

Đất nước ta đang bước vào thời kì hội nhập với nền kinh tế thế giới nên thực hành tiết kiệm là một việc làm càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Mỗi chúng ta cần phải biết tiết kiệm điện, tiết kiệm nước sinh hoạt hàng ngày, tiết kiệm thời gian không lao vào những trò chơi, việc làm vô bổ, giảm bớt chi tiêu cho những việc không cần thiết, biết đấu tranh chống xa hoa, lãng phí, biết chia sẻ tiết kiệm cùng mọi người, giúp đỡ mọi người trong lúc khó khăn, hoạn nạn,….Có như vậy, toàn dân ta, đất nước ta sẽ là một dân tộc biết cần, kiệm, giầu về vật chất, mạnh về tinh thần, ngày càng hướng tới văn minh, tiến bộ đặc sắc của nhân loại.

Qua câu chuyện kể về Tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, chúng ta lại càng thêm thấm thía. Con người Bác thật đẹp, thật lớn lao, vĩ đại vô cùng. Lịch sử biến thiên nhưng Bác Hồ kính yêu của chúng ta vẫn còn sống mãi. Tuy Bác đã đi xa, nhưng con cháu Bác hàng ngày vẫn tìm về cái đẹp cuộc đời Bác để nêu gương, để trau chuốt cái đẹp cho đời.

Học tập và làm theo tấm gương của Bác, theo tôi, không có nghĩa là chúng ta học tất cả, học một cách chung chung, hay học với những chỉ tiêu xa vời, khó thực hiện. Học tập chỉ là bước nhận thức ban đầu mà quan trọng và chủ yếu là làm theo tấm gương của Bác. Vì vậy, mỗi người, mỗi đơn vị hãy học tập và tự gắn với thực tiễn bản thân, đơn vị mình, trong lối sống, quan hệ, công tác và trong thực hiện nhiệm vụ cụ thể; từ gia đình rồi mới ra ngoài xã hội; mỗi ngày, mỗi người cố gắng làm một việc tốt cho mọi người, cho gia đình và cơ quan.

Bản thân tôi, là một đảng viên trẻ, tôi luôn răn, dạy và rèn mình về ý thức thực hành tiết kiệm. Nhiều khi, tôi tiêu tiết kiệm từng 500 đồng để có lúc phải tiêu một triệu, hai triệu,…năm,… mười triệu . Ở gia đình hay cơ quan, tôi luôn ý thức nhắc nhở mọi người phải tắt quat, tắt Tivi, khoá vòi nước khi không sử dụng. Khi mua thức ăn, đồ dùng sinh hoạt phục vụ cuộc sống hàng ngày, tôi luôn chú ý đến chất lượng từng bữa ăn và chất lượng sản phẩm tôi mua để dùng. Song điều tôi chú ý là: mọi thứ đều vừa đủ, hài hoà,…

Tôi mong rằng mỗi chúng ta sẽ tự rút ra được bài học kinh nghiệm cho riêng mình về thực hành tiết kiệm. “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ” chính là học tập và làm theo mẫu mực cao đẹp của Bác, góp phần xây dựng nước nhà ngày càng thịnh vượng, giầu đẹp và văn minh.

CN Dương Thanh Kỳ - Khoa Ngoại Chấn thương

Sưu tầm và biên tập

(Tập san Số 1-2012-Đoàn TNCS HCM BVĐKQN)

Lần cập nhật cuối lúc Thứ ba, 12 Tháng 6 2012 20:21

You are here Tổ chức Đoàn Thanh niên CSHCM Tiết kiệm tiền của dân, của nước và của bản thân mình