Bs Nguyễn Ngọc Tân -
I/ Giải phẫu:
Mỏm nha có hình cột trụ, hướng thẳng lên trên, cao khoảng 15 mm, được cố định bởi ổ khớp của mỏm nha với phía trước là cung trước đốt đội và phía sau là dây chằng ngang. Thân của mỏm nha được phát triển từ lớp trung mô phôi của đoạn tủy thần kinh cổ 1 và nằm ở trung tâm của đốt sống C1. Trên cùng mỏm nha gọi là đỉnh nha, mặt trước của đỉnh nha có diện khớp tiếp khớp với hõm khớp của mặt sau cung trước đốt đội và mặt sau đỉnh nha có diện khớp tiếp khớp với dây chằng ngang. Mỏm nha cấu tạo gồm ba phần, ngoài đỉnh nha, còn có thân mỏm nha, và nền mỏm nha, là nơi liên tiếp với thân đốt trục. Mỏm nha không nằm thẳng đứng mà nằm chếch ra phía sau, tạo với mặt phẳng đứng dọc góc chếch trung bình 13 độ. Mỏm nha được coi như là phần thân đốt đội dính vào đốt trục, có tác dụng như một trục để xương sọ và đốt đội quay quanh.
Trong quá trình phát triển tách ra khỏi đốt đội và gắn với phần còn lại của đốt trục. Mũi của mỏm nha được phát triển từ trung mô phôi của phần cuối tủy thần kinh vùng chẩm hoặc tiền đốt đội. Quá trình vôi hóa của 2 thành phần này của mỏm nha diễn ra riêng biệt. Từ tháng 1 đến tháng 5 trong bào thai, mỏm nha bắt đầu vôi hóa từ 2 điểm nằm đối xứng qua đường giữa. Đến thời điểm sinh, mỏm nha đã liền thành 1 khối. Đôi khi, hai phần trái và phải của mỏm nha không liền lúc sinh, khi đó đường giữa không liền. Vào thời điểm trẻ sinh ra, đỉnh mỏm nha chưa vôi hóa và có dạng chữ V hay còn gọi mỏm nha hình hai sừng. Quá trình vôi hóa của vùng trung tâm diễn ra riêng biệt và có thể thấy khi trẻ 3 tuổi và liền với toàn bộ mỏm nha khi trẻ đạt 12 tuổi. Cattell và Filtzer thấy vùng cốt hóa trung tâm trên 26% trên 70 trường hợp trẻ em 5-11 tuổi .