• Phone: 0235.3851.429
  • Hotline: 19009095
  • Thông tin:

dieuhanhtructuyen

Liệu pháp âm nhạc trong hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân ung thư

  • PDF.

BS. Huỳnh Thị Hoanh - 

Chẩn đoán mắc ung thư là một trong những sự kiện nghiêm trọng và đáng sợ nhất trong cuộc đời gây sang chấn cho bản thân bệnh nhân cũng như gia đình. Ung thư phá vỡ hạnh phúc về xã hội, thể chất và tình cảm, dẫn đến một loạt những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, sợ hãi, buồn bã, tội lỗi, hoang mang và xấu hổ. Hầu hết bệnh nhân ung thư điều trải qua những nỗi sợ liên quan đến cái chết và tái phát bệnh, những vấn đề về tác dụng phụ ngắn hạn và dài hạn của điều trị, thay đổi trong mối quan hệ cá nhân và vấn đề kinh tế. Ung thư để lại nhiều hậu quả và là thách thức hiện hữu đối với bệnh nhân, gia đình cũng như nhân viên chăm sóc. Sự phát triển của chăm sóc ung thư hiện đại đã mở ra xu hướng hội nhập mới và tư duy toàn diện. Nghiên cứu về liệu pháp âm nhạc đã chỉ ra rằng bệnh nhân ung thư có thể được hưởng lợi ích từ việc biểu diễn âm nhạc và trải nghiệm âm nhạc. Liệu pháp âm nhạc không chỉ giúp bệnh nhân đối phó với những cảm xúc tiêu cực mà còn mang đến lợi ích trên nhiều mặt vì âm nhạc là loại hình nghệ thuật cơ bản và duy nhất tác động đến con người về cả tinh thần, cảm xúc, xã hội và thể chất.

amnhack

Âm nhạc trị liệu có thể được định nghĩa bằng nhiều cách, tuy nhiên, mục đích chung là không thay đổi. Ý tưởng chính để áp dụng liệu pháp âm nhạc là hiệu quả điều trị thu được từ nhiều khía cạnh của âm nhạc. Theo Hiệp hội Âm nhạc trị liệu Mỹ (American Music Therapy Association) “Liệu pháp âm nhạc là sử dụng âm nhạc để giải quyết nhu cầu về thể chất, cảm xúc, nhận thức và xã hội của bệnh nhân ở mọi độ tuổi. Can thiệp bằng âm nhạc trị liệu được thiết kế để tăng cường sức khỏe, kiểm soát căng thẳng, giảm đau, bày tỏ cảm xúc, nâng cao trí nhớ, cải thiện giao tiếp và thúc đẩy phục hồi thể chất. Trong ung bướu, liệu pháp âm nhạc được sử dụng để dự phòng, chữa lành, chăm sóc giảm nhẹ và rất hữu ích với phần lớn bệnh nhân với các bệnh ung thư khác nhau. Mặc dù liệu pháp âm nhạc không thực sự ảnh hưởng đến bản thân bệnh nhưng có tác động tuyệt vời lên cảm xúc của bệnh nhân, và đôi khi có thể tạo ra sự khác biệt trong cách bệnh nhân đối mặt và cảm nhận về bệnh tật của họ. Hiệu quả của liệu pháp âm nhạc ở bệnh nhân ung thư đã được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu thực nghiệm và mô tả. Một số bài báo cũng đã mô tả những lợi ích cụ thể của can thiệp trị liệu bằng âm nhạc. Liệu pháp âm nhạc trong chăm sóc ung thư tập trung vào cả nhu cầu thể chất lẫn tâm lý do bệnh cũng như tác dụng phụ của điều trị. Nhiều nghiên cứu hiện tại cũng chỉ ra rằng liệu pháp âm nhạc chủ yếu giảm những triệu chứng như lo lắng và đau, tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị. Bên cạnh đó, âm nhạc trị liệu cũng có tác dụng thư giãn, cải thiện cảm xúc và chất lượng cuộc sống.

Liệu pháp âm nhạc là một bộ môn đang phát triển với nhiều mô hình và phương pháp được sử dụng trên toàn thế giới. Ở các nước đang phát triển, âm nhạc trị liệu trong chăm sóc ung thư là một lĩnh vực mới nổi. Theo khảo sát được thực hiện bởi Kruse tại Mỹ, các nhà trị liệu âm nhạc phần lớn làm việc trong lĩnh vực ung bướu, phản ánh tầm quan trọng của âm nhạc trị liệu. Chăm sóc ung thư là lĩnh vực tương đối mới với các nhà trị liệu âm nhạc ở Anh, họ chủ yếu vẫn hoạt động trong lĩnh vực truyền thống như tâm thần, rối loạn khả năng học tập, y học tổng quát và thần kinh. Ở Ba Lan, không có nhiều nhà âm nhạc trị liệu làm việc trong hệ thống y tế. Mang âm nhạc vào môi trường bệnh viện vẫn là một thách thức lớn bởi liệu pháp âm nhạc không được sử dụng phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực ung bướu. Trung tâm Ung bướu Ba Lan ở Poznan đã cung cấp chương trình trị liệu âm nhạc lần đầu tiên cho bệnh nhân vào năm 2007 và tuyển một nhà trị liệu âm nhạc có trình độ. Liệu pháp âm nhạc là một phần của chương trình bổ sung trong hỗ trợ chăm sóc ung thư song hành cùng điều trị y tế. Trong khi vài loại ung thư chỉ cần một phương pháp điều trị thì một một số loại khác cần kết hợp cả phẫu thuật, hóa trị và thậm chí xạ trị. Chương trình trị liệu bằng âm nhạc được ứng dụng để phù hợp với nhu cầu của bệnh nhân trong suốt quá trình chẩn đoán, điều trị cho từng bệnh nhân và nhóm bệnh nhân. Âm nhạc trị liệu chủ yếu được dùng để thư giãn, giảm lo lắng và căng thẳng, giảm khó chịu và giảm đau. Liệu pháp âm nhạc mang đến cơ hội thể hiện bản thân và những trải nghiệm tích cực.

Liệu pháp âm nhạc chia làm hai loại: chủ động (tương tác) và tiếp thu (thụ động). Ở hình thức chủ động, bệnh nhân được tham gia vào âm nhạc và khuyến khích sáng tạo, chia sẻ những trải nghiệm với âm nhạc. Trong hình thức thụ động, bệnh nhân đơn giản là nghe nhạc trực tiếp hoặc các bản thu âm. Bệnh nhân có cơ hội được trải nghiệm một vài can thiệp âm nhạc trị liệu.

Nghe nhạc có nhiều lợi ích với bệnh nhân ung thư. Nghe nhạc trị liệu ở bất kỳ hình thức nào đều có thể dễ dàng được ứng dụng vào các tình huống lâm sàng. Bệnh nhân hóa trị thường chịu những tác dụng phụ nghiêm trọng như: nôn, khó thở và những triệu chứng giả cúm. Bệnh nhân xạ trị thường lo lắng, sợ hãi, căng thẳng và có cảm giác cô đơn. Nghe nhạc thu sẵn trong khi tiếp nhận các hình thức điều trị có thể giúp tâm trí bệnh nhân quên đi những cảm giác khó chịu do điều trị và giúp họ đối phó được với căng thẳng, sợ hãi và cô đơn ở mức độ cao. Bệnh nhân và gia đình cũng có cơ hội tham gia các buổi hòa nhạc trực tiếp. Nhạc sống có thể được sử dụng để tạo tâm trạng bình yên, thư thái, nâng cao mức độ thoải mái, thể hiện cảm xúc và tình cảm.

Nhà trị liệu âm nhạc và bệnh nhân có thể chơi nhạc cụ một cách ngẫu hứng. Điều này giúp cải thiện giao tiếp và khả năng tự thể hiện bản thân. Chơi nhạc cụ cũng có hiệu quả trong việc kiểm soát cảm xúc và bệnh nhân đóng vai trò chủ động trong việc tạo ra âm thanh, thiết lập giai điệu và tâm trạng.

Chương trình điều trị ung thư bằng liệu pháp âm nhạc cũng bao gồm những kỹ thuật thư giãn với âm nhạc nhằm giảm tác dụng phụ do điều trị. Học cách thư giãn khi trải qua nhiều phương pháp điều trị khó-dung-nạp có thể giúp họ đối phó với căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, nôn và đau một cách dễ dàng hơn. “Âm nhạc và vận động trị liệu” của nhóm hỗ trợ trị liệu ung thư vú bằng âm nhạc là một chương trình trị liệu dành cho phụ nữ sau phẫu thuật ngực, nạo vét hạch, phù bạch huyết, dựa trên âm nhạc và vận động. Chương trình giúp những người sống sót sau ung thư vú khôi phục tầm vận động, tăng cường năng lượng, chữa lành và phục hồi cả thể chất lẫn tinh thần, lấy lại nét dịu dàng và nữ tính. Tham gia nhóm âm nhạc trị liệu sẽ giúp bệnh nhân thoát khỏi sự cô lập, tạo ra mối liên kết xã hội và tình cảm mạnh mẽ. Chuyển động (ngẫu nhiên hoặc theo nhịp) với âm nhạc là một phương pháp trị liệu mang lại suy nghĩ tích cực và cảm giác khỏe mạnh.

Theo Preti và Welch, một trong những can thiệp chính đằng sau việc mang âm nhạc đến bệnh viện là sử dụng đặc điểm âm thanh để gợi ra những phản ứng cảm xúc cụ thể, chẳng hạn như phấn khích, bình tĩnh, nhẹ nhõm, sảng khoái. Đặc tính của âm thanh có thể phân tán sự chú ý trong những thử nghiệm lâm sàng sử dụng nhịp nhanh hoặc chậm, thay đổi cao độ hoặc âm sắc tương tự. Các nghiên cứu đã ghi nhận ảnh hưởng của âm nhạc lên nhiều biến số khi bệnh nhân nhập viện. Trong bệnh viện, nhất là ở khoa Ung bướu, sự giao tiếp cảm xúc liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm cơn đau, nỗi sợ cái chết, căng thẳng do nằm viện dài ngày cũng như thay đổi trong động lực gia đình. Những tác động khác về mặt vật lý hoặc sinh lý của âm nhạc cũng liên quan đến tình trạng thể chất, sinh lý và tâm lý cũng như tác động đến quá trình nằm viện của bệnh nhân. Kỹ thuật chơi nhạc ở bệnh viện và sử dụng âm nhạc trong những tình huống khác nhau cũng có vai trò trong trị liệu. Hầu hết các định nghĩa về liệu pháp âm nhạc đều nhấn mạnh tầm quan trọng về mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhà trị liệu trong bối cảnh điều trị. Điều này ngụ ý về việc sử dụng âm nhạc một cách chuyên nghiệp và hệ thống cũng như công nhận vai trò chính thức của nhà trị liệu âm nhạc trong đội ngũ nhân viên y tế. Khía cạnh xã hội của liệu pháp âm nhạc là tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tương tác và giao tiếp giữa các cá nhân. Một chức năng quan trọng của âm nhạc trong bệnh viện là giúp bệnh nhân diễn đạt trải nghiệm nằm viện của họ để đối phó với nó tốt hơn.

Bệnh nhân ung thư có các nhu cầu về tồn tại, xã hội, tinh thần và thể chất. Âm nhạc có thể giải quyết rất nhiều vấn đề trong số đó. Liệu pháp âm nhạc trong chăm sóc ung thư tập trung vào nhu cầu của bệnh nhân phát sinh từ trải nghiệm bệnh tật cũng như tác dụng phụ của điều trị. Nhiều hoạt động trị liệu bằng âm nhạc có thể diễn ra trong môi trường chăm sóc bệnh nhân ung thư. Liệu pháp âm nhạc như một can thiệp chủ động và thụ động có thể được sử dụng để giảm căng thẳng và nỗi sợ bệnh viện, đồng thời đây cũng là một phương pháp hiệu quả để hỗ trợ chăm sóc ung thư ở những giai đoạn bệnh khác nhau trên bệnh nhân hoặc nhóm bệnh nhân. Liệu pháp âm nhạc cũng có thể được đưa vào để lập kế hoạch cho các chương trình điều trị và phục hồi chức năng nhằm tăng cường sức khỏe, cải thiện thể chất và tinh thần cũng như chất lượng cuộc sống.

Nguồn tham khảo: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1507136711000617

You are here Tin tức Y học thường thức Liệu pháp âm nhạc trong hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân ung thư